Trả lời:
Ung thư vòm họng là ung thư ở vùng đầu cổ, xảy ra khi các tế bào lót vùng vòm họng (nằm ở phía sau mũi) phát triển bất thường, ngoài tầm kiểm soát.
Ung thư vòm họng ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng. Ở giai đoạn muộn hơn, người bệnh có thể tự sờ thấy khối hạch ở vùng cổ. Một số triệu chứng khác của ung thư vòm họng có thể gặp như chảy máu mũi, khạc ra máu, nghẹt mũi, ù tai, thính lực giảm, đau đầu...
Bạn được chẩn đoán ung thư vòm họng giai đoạn đầu kèm nổi hạch cổ, cần điều trị và tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ. Theo báo cáo tổng hợp từ cơ sở dữ liệu theo dõi người bệnh ung thư (SEER) của Viện Ung thư Quốc gia Mỹ (National Cancer Institute - NCI) giai đoạn 2014-2020, tỷ lệ sống sót sau 5 năm ở người bệnh ung thư vòm họng giai đoạn tiến xa tại chỗ - tại vùng (tương ứng với giai đoạn của bạn) là khoảng trên 69%.
Nếu người bệnh được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tỷ lệ chữa khỏi bệnh khá cao. Tuy nhiên, tiên lượng sống còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như tuổi tác, tình trạng sức khỏe, tinh thần, khả năng đáp ứng, bệnh lý khác đi kèm...
Phương pháp điều trị bệnh ung thư vòm họng chủ yếu là xạ trị, có thể kết hợp với hóa trị. Phẫu thuật ít phổ biến hơn, chủ yếu áp dụng trong các trường hợp bệnh tái phát hạch hoặc hạch cổ còn tồn lưu sau khi đã điều trị trước đó. Người bệnh ung thư vòm họng cần được chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt.
Bên cạnh đó, giữ suy nghĩ tích cực, tinh thần ổn định, thay đổi lối sống khoa học, duy trì thói quen tốt góp phần rất lớn trong việc nâng cao hiệu quả điều trị ung thư vòm họng.
BS.CKI Nguyễn Chí Thanh
Khoa Ung Bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |