Thời gian vừa qua, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã tiếp nhận một số trường hợp ung thư nằm trong độ tuổi dưới 40. Bệnh nhân cũng không có các yếu tố nguy cơ cao mắc bệnh ung thư tiêu hóa.
Chị Nguyễn Ngọc Khanh (38 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP HCM) đến khám với các biểu hiện đau bụng ba ngày âm ỉ quanh rốn đến hạ vị, hai ngày không đi tiêu được. Sau khi chụp CT, bác sĩ chẩn đoán chị có u ác của đại tràng gây tắc ruột và được chỉ định cắt đại tràng để điều trị ung thư đại tràng giai đoạn ba kèm với hóa trị hỗ trợ sau mổ.
Trường hợp khác là anh Hồ Xuân Vinh (41 tuổi, ngụ quận 2, TP HCM). Anh Vinh được chẩn đoán bằng phương pháp nội soi, kết quả có u ác tính ở đại tràng xích ma. Trước đó, bệnh nhân bị đi tiêu ra máu đỏ tươi kéo dài vài tháng, tiểu vàng, ăn uống khó tiêu nhưng không bị đau bụng, không sụt cân, không sốt.
Tầm soát ung thư tiêu hóa sớm phát hiện bệnh
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quốc Thái - Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa cho biết, chị Khanh và anh Vinh đều bất ngờ khi bác sĩ chẩn đoán ung thư. Cả hai đều dưới 45 tuổi và không thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao, gia đình không có ai từng mắc ung thư cũng như không có các bệnh lý về tiêu hóa hoặc dấu hiệu đặc biệt trước đó.
"Mặc dù chưa có nghiên cứu cụ thể nhưng môi trường sống ô nhiễm, chế độ và thói quen ăn uống, là những yếu tố làm tăng cao nguy cơ bị ung thư ở nhóm đối tượng này. Ung thư tiêu hóa cũng đang có xu hướng trẻ hóa", bác sĩ Thái nhận định.
Một nghiên cứu đăng trên NBCI (Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia Mỹ) vào năm 2019 cho thấy, có khoảng 4% các trường hợp ung thư dạ dày gặp phải ở người dưới 40 tuổi và đa phần đều là ung thư ở giai đoạn tiến triển. Nghiên cứu cũng chỉ ra, một trong những nguyên nhân khiến chẩn đoán bị chậm trễ là do lầm tưởng ung thư này chỉ xảy ra ở những người 50-70 tuổi.
Theo bác sĩ Thái, ung thư dạ dày sớm còn gọi là EGC - một dạng ung thư biểu mô tuyến giới hạn ở niêm mạc hoặc dưới niêm mạc, không di căn hạch. Nếu được phát hiện sớm và có phương pháp điều trị phù hợp thì tỷ lệ sống sau 5 năm rất cao. Thực tế cho thấy tỷ lệ này gần 100% đối với ung thư ở niêm mạc và 80-90% đối với khối u dưới niêm mạc. Nhận thức đúng tầm quan trọng của khám sức khỏe định kỳ tầm soát ung thư ở người trẻ tuổi là rất quan trọng.
"Hiện nay, có rất nhiều phương pháp sàng lọc được đánh giá có hiệu quả cao. Cụ thể, đối với các dạng ung thư đường tiêu hóa trên, nội soi thực quản - dạ dày có gây mê, tê (nội soi không đau) là lựa chọn tốt nhất. Ngoài ra, còn có chụp X-quang cản quang nhưng độ chính xác của phương pháp này không cao. Đối với ung thư đại trực tràng thì nội soi đại trực tràng gây mê cho hiệu quả tầm soát lên đến 95-100%. Trong một số trường hợp có thể sử dụng chụp CT đại tràng hoặc xét nghiệm phân", bác sĩ Thái nói thêm.
Bên cạnh lựa chọn phương pháp phù hợp, sàng lọc tại thời điểm nào cũng rất quan trọng. Nhóm nguy cơ trung bình chưa có triệu chứng nên khám sức khỏe định kỳ và thực hiện tầm soát theo lời khuyên của bác sĩ, thường từ 40 tuổi nhưng cũng có thể sớm hơn.
Tên người bệnh đã được thay đổi.
Ngọc An