Trả lời
Theo Globocan 2020 (cơ sở dữ liệu ung thư của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế), ung thư phổi có số ca mới phát hiện và tử vong nhiều thứ 2 tại Việt Nam (chỉ sau ung thư gan). Thống kê cho thấy hơn 26.000 ca ung thư phổi, hơn 23.000 trường hợp tử vong.
Hầu hết các trường hợp ung thư phổi được chẩn đoán ở giai đoạn trễ (giai đoạn III, IV). Nguyên nhân chủ yếu là do các triệu chứng ban đầu thường mơ hồ và khó phân biệt với các bệnh lý khác. Người bệnh có thể không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào cho đến khi được phát hiện bệnh. Đây là một trong những nguyên nhân khiến ung thư phổi có tỷ lệ tử vong cao.
Ung thư phổi được đánh giá giai đoạn dựa trên đặc điểm của 3 yếu tố: khối u (vị trí, kích thước, mức độ xâm lấn), tình trạng di căn hạch bạch huyết lân cận (hạch vùng) và di căn xa (tới các cơ quan khác trong cơ thể như phổi đối bên, não, xương, tuyến thượng thận... hoặc di căn đến các hạch không phải hạch vùng).
Theo hướng dẫn của Ủy ban Liên hợp về Ung thư Mỹ (AJCC), ung thư phổi giai đoạn I bao gồm các trường hợp là người bệnh có một khối u nhỏ hơn hoặc bằng 4 cm, u có thể xâm lấn phế quản chính, màng phổi tạng, gây xẹp phổi, viêm phổi tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ phổi (T1a, T1b, T1c hoặc T2a); chưa di căn hạch vùng (N0); chưa di căn xa (M0).
Ung thư phổi giai đoạn I là giai đoạn sớm, với tiên lượng sống tốt nếu được điều trị phù hợp, kết hợp với việc tuân thủ lối sống lành mạnh theo hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài giai đoạn ung thư, loại giải phẫu bệnh cũng là yếu tố quan trọng giúp tiên lượng bệnh. Về phân loại giải phẫu bệnh, ung thư phổi được chia làm hai nhóm chính là ung thư phổi không tế bào nhỏ và ung thư phổi tế bào nhỏ.
Đối với ung thư phổi tế bào nhỏ giai đoạn bệnh còn khu trú (giai đoạn I), tỷ lệ sống sau 5 năm của người bệnh từ 10-13%. Đối với ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn I dựa theo AJCC, tiên lượng sống được mô tả như sau:
Giai đoạn |
Tỷ lệ sống sau 24 tháng |
Tỷ lệ sống sau 60 tháng |
IA1 | 97% | 92% |
IA2 | 94% | 83% |
IA3 | 90% | 77% |
IB | 87% | 68% |
Một số yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến tiên lượng sống của bệnh nhân bao gồm: độ tuổi, giới tính, bệnh nền đi kèm, thể trạng người bệnh, tình trạng hút thuốc lá, lối sống...
Đối với ung thư phổi giai đoạn I, phẫu thuật là phương pháp điều trị thường được lựa chọn. Sau phẫu thuật, tùy thuộc vào các yếu tố (kết quả giải phẫu bệnh sau mổ, phương pháp phẫu thuật, thể trạng bệnh nhân...), người bệnh có thể được điều trị hỗ trợ bằng xạ trị hoặc điều trị toàn thân bằng thuốc (hóa trị, liệu pháp nhắm trúng đích) nhằm giảm nguy cơ tái phát và cải thiện tiên lượng sống. Nếu người bệnh không thể phẫu thuật, xạ trị có thể là liệu pháp được lựa chọn để điều trị.
Sau khi được chẩn đoán xác định ung thư phổi giai đoạn I, người bệnh nên tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ điều trị, cai thuốc lá (nếu có sử dụng) và duy trì lối sống lành mạnh, tránh những suy nghĩ tiêu cực để kết quả điều trị được tối ưu.
BS.CKI Vũ Trần Minh Nguyên
Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
20h ngày 29/6, trên fanpage VnExpress và Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh diễn ra chương trình tư vấn sức khỏe trực tuyến: "Ung thư phổi: Kỹ thuật tầm soát hiện đại và điều trị hiệu quả" nhằm giải đáp các thắc mắc liên quan bệnh ung thư phổi và phương pháp tầm soát phát hiện sớm, kỹ thuật điều trị hiện đại ít xâm lấn, triệt căn khối u, cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân... Độc giả có thể gửi tại đây để được các bác sĩ tư vấn. |