Ung thư bắt đầu bằng sự thay đổi ở các tế bào đơn lẻ, phát triển thành khối u và ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể. Bệnh ung thư trẻ em có thể xảy ra ở trẻ dưới 15 tuổi. Dưới đây là những điều cần biết về ung thư trẻ em mà cha mẹ nên nắm rõ.
Ung thư bạch cầu phổ biến nhất ở trẻ em
Ung thư ở trẻ em có hơn 12 loại chính và khoảng 100 loại phụ. Các bệnh chủ yếu bao gồm bạch cầu, khối u não, u lympho và u nguyên bào thần kinh. Trong đó, bệnh bạch cầu là một trong những dạng ung thư phổ biến nhất ở trẻ em. Các tế bào của loại ung thư bắt đầu phát triển trong tủy xương, sau đó đi vào máu.
Ung thư ở trẻ ít gặp
Tỷ lệ mắc bệnh ung thư ở trẻ em ít gặp. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có khoảng 400.000 trẻ em và thanh thiếu niên từ 0 đến 19 tuổi mắc bệnh ung thư trên toàn cầu mỗi năm.
Tỷ lệ sống sau điều trị đã được cải thiện
Theo Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, từ năm 2013 đến 2019, tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 83,2% đối với trẻ em dưới một tuổi và 85,5% ở trẻ từ 10 đến 14 tuổi.
Nguyên nhân chính chưa xác định rõ
Nguyên nhân chính xác của hầu hết các bệnh ung thư ở trẻ em vẫn chưa được xác định. Chúng thường không liên quan đến các yếu tố lối sống như chế độ ăn uống mà đôi khi có thể là do đột biến gene ngẫu nhiên. Một số trường hợp có thể có khuynh hướng di truyền, nghĩa là trẻ em thừa hưởng gene từ cha mẹ có nguy cơ mắc ung thư cao hơn.
Điều trị gây tác dụng phụ
Một số trẻ sau điều trị ung thư như hóa trị, xạ trị và các phương pháp như liệu pháp miễn dịch, hormone có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Các tác dụng phụ có thể gặp phải như chậm phát triển, suy giảm nhận thức hoặc tăng nguy cơ mắc ung thư thứ phát.
Chẩn đoán sớm giúp cải thiện tỷ lệ sống
Chẩn đoán kịp thời ung thư có vai trò rất quan trọng. Phụ huynh nên cho con kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm hơn bất thường nếu có và cải thiện kết quả.
Các triệu chứng khó phát hiện
Giống như ở người lớn, các triệu chứng ung thư ban đầu ở trẻ có thể mơ hồ, tương đồng với các bệnh thông thường. Những triệu chứng này có thể bao gồm sụt cân không rõ nguyên nhân, sốt dai dẳng, mệt mỏi, đau xương, khối u, sưng, nhiễm trùng thường xuyên... Cha mẹ cần đưa con đi khám sớm nếu tình trạng của các bé diễn tiến kéo dài hoặc có biểu hiện bất thường.
Ung thư ở trẻ khó phòng ngừa
Ung thư ở trẻ em chưa xác định được nguyên nhân và thường không liên quan đến các yếu tố nguy cơ nên khó có thể phòng ngừa. Tuy nhiên, cha mẹ cần đảm bảo môi trường sống lành mạnh, tránh xa thuốc trừ sâu, diệt cỏ và duy trì kiểm tra sức khỏe thường xuyên có thể giúp phát hiện sớm. Tham khảo lời khuyên, tư vấn từ bác sĩ cũng có thể giúp ích cho các gia đình có tiền sử ung thư.
Bảo Bảo (Theo Health Shots)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |