Mang bầu 3 tháng, chị Hoa (30 tuổi, quận Tân Phú) được siêu âm phát hiện khối u buồng trứng lớn, chèn ép thai. Cuối tháng 10/2022 chị được phẫu thuật nội soi bóc khối u, nhưng kết quả sinh thiết người bệnh mắc ung thư dạ dày, đã di căn buồng trứng. Chị có nguyện vọng duy trì việc mang thai để đón con đầu lòng.
May mắn hơn chị Hoa, chị Minh (38 tuổi, quận Bình Thạnh) được phát hiện ung thư cổ tử cung giai đoạn 1A vào tháng thứ 7 thai kỳ. Vì ung thư được phát triển giai đoạn sớm, bác sĩ đã chờ sản phụ sinh em bé chào đời, sức khỏe mẹ hồi phục mới phẫu thuật khoét chóp cổ tử cung chẩn đoán, dự kiến cắt tử cung sau đó.
ThS.BS Trần Thị Thanh Thảo - bác sĩ BVĐK Tâm Anh TP HCM cho biết, nhiều trường hợp mắc ung thư trong khi mang thai được phát hiện tình cờ qua thăm khám, chăm sóc thai kỳ. Một số bệnh nhân may mắn phát hiện ung thư giai đoạn sớm, nhưng vẫn có nhiều trường hợp phát hiện muộn, đã di căn.
Theo bác sĩ Thanh Thảo, việc phát hiện và chẩn đoán ung thư trong lúc mang thai khó khăn hơn nhiều và thường được phát hiện quá trễ. Nguyên nhân là do những triệu chứng của ung thư thường không đặc hiệu và dễ gây nhầm lẫn vì giống triệu chứng trong khi có thai như buồn nôn, nôn, đầy hơi, ngực to, tay chân phù, dịch âm đạo bất thường, chảy máu vùng kín, xuất huyết tiêu hóa, mệt mỏi, đau đầu...
Một số thai phụ phát hiện ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm nhờ xét nghiệm Pap’s test, và ung thư buồng trứng qua siêu âm tầm soát. Các thai phụ này được bác sĩ liên chuyên khoa Sản, Ung bướu, Chẩn đoán hình ảnh, Xét nghiệm... cùng hội chẩn để xác định giai đoạn cũng như hướng điều trị. Phác đồ điều trị phụ thuộc vào vị trí ung thư, phân loại ung thư, giai đoạn bệnh, tuổi thai nhi, nguyện vọng của người mẹ.
Phụ nữ mang thai phát hiện ung thư thường gặp sang chấn tâm lý, hoang mang lo sợ không giữ được con, sợ kết cục xấu, gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của mẹ và thai.
"Trên thế giới đã có nghiên cứu một phụ nữ bình thường và phụ nữ mang thai có bệnh cùng độ tuổi, cùng loại ung thư, cùng giai đoạn có tiên lượng gần như nhau. Đa số ung thư không gây ảnh hưởng đến quá trình mang thai và ngược lại", bác sĩ Thanh Thảo nói. Tuy nhiên, một số biện pháp chẩn đoán, điều trị ung thư có thể ảnh hưởng thai nhi.
Điều trị ung thư có thể áp dụng phương pháp phẫu thuật, hóa trị, xạ trị. Phương pháp hóa trị, các loại thuốc được sử dụng để điều trị có thể tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến bào thai, tăng nguy cơ dị tật thai, thai chậm phát triển trí tuệ, tùy thuộc vào thời điểm dùng thuốc lúc thai được bao nhiêu tuần tuổi. Tuy nhiên, nếu tuổi thai đã lớn, cần thiết phải hóa trị, bệnh nhân vẫn có thể tiếp nhận phương pháp điều trị này dưới sự giám sát của bác sĩ chuyên khoa. Phương pháp xạ trị hiện không được khuyến nghị sử dụng cho bất cứ giai đoạn nào của thai kỳ. Phụ nữ mang thai cần mổ bắt con sớm hoặc phải chấm dứt thai kỳ mới tiến hành xạ trị.
Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng tránh nguy cơ mắc ung thư trong thai kỳ, trước khi mang thai chị em nên khám sức khỏe tiền sản, kiểm tra sức khỏe tổng quát, đặc biệt nên tầm soát ung thư thường gặp ở phụ nữ như: vú, cổ tử cung, buồng trứng. Ngay cả những phụ nữ không mang thai, chị em cũng nên khám phụ khoa, khám sức khỏe định kỳ.
"Có nhiều biện pháp tầm soát giúp phát hiện dấu hiệu của một số loại ung thư, như xét nghiệm máu, dịch cơ thể, siêu âm, chụp MRI, nội soi lấy mẫu sinh thiết... Một số thai phụ lo lắng X-quang ảnh hưởng đến thai nhi. Tuy nhiên, bác sĩ chỉ chỉ định chụp X-quang trong một số trường hợp cần thiết và có bảo hộ đầy đủ", bác sĩ Thảo giải thích.
Theo số liệu trên thế giới thì cứ 3.000 người mang thai sẽ có một người mắc ung thư trong thai kỳ. Những loại ung thư thường mắc chủ yếu ở những phụ nữ có thai như ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư hạch.
Tuệ Diễm