Trả lời:
Theo thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan) năm 2020, Việt Nam có tỷ lệ mắc mới và tử vong do ung thư gan cao nhất trong các loại ung thư.
Ung thư gan giai đoạn ba được xem là giai đoạn muộn, có thể không chữa khỏi hoàn toàn. Thống kê năm 2015-2019 của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Anh về tỷ lệ sống sót bệnh nhân ung thư gan, cho thấy 10% người bệnh giai đoạn ba có thể sống thêm 4 năm kể từ khi được chẩn đoán và điều trị.
Mục tiêu điều trị là quản lý triệu chứng và giảm tốc độ phát triển tế bào ung thư, giúp kéo dài thời gian của bệnh nhân. Ung thư gan có thể điều trị được, nhưng chữa dứt điểm thì không thể khẳng định.
Các yếu tố quyết định đến kết quả điều trị như ung thư gan nguyên phát (xuất phát từ gan, không phải di căn từ cơ quan khác), loại mô bệnh học khối u, kích thước, vị trí, số lượng u, tuổi tác và phương pháp chữa bệnh. Tình trạng bệnh, giai đoạn tiến triển, lối sống và tinh thần cũng tác động nhiều đến điều trị.
Bạn nên tuân theo phác đồ điều trị và sống lành mạnh, tinh thần lạc quan để cải thiện khả năng điều trị.
Có nhiều cơ hội điều trị hiệu quả ung thư gan nhờ đặc điểm tế bào gan có khả năng tái tạo rất mạnh. Bên cạnh phẫu thuật, các phương pháp điều trị ngày càng tiên tiến và đa dạng như nút mạch, truyền hóa chất động mạch gan, điều trị u gan bằng hạt vi cầu phóng xạ, đốt sóng cao tần, đốt vi sóng, thuốc miễn dịch, thuốc đích, xạ trị.
Phát hiện ung thư gan giai đoạn sớm, khi tế bào ung thư khu trú trong gan, chưa xâm lấn hoặc di căn, giúp điều trị dễ dàng hơn. Người ung thư gan ở giai đoạn muộn, tế bào ung thư tiến triển mạnh, xâm lấn tĩnh mạch và có thể đã có di căn xa thì tiên lượng điều trị kém hơn.
Người bệnh ung thư không tự ngưng điều trị hoặc áp dụng các phương pháp chữa bệnh chưa được y khoa kiểm chứng hiệu quả. Nếu có dấu hiệu bất thường, người bệnh nên nhanh chóng đến bệnh viện để được theo dõi, điều trị.
TS.BS Trần Hải Bình
Phó khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |