Theo Ủy ban Hỗn hợp của Mỹ về Ung thư, ung thư gan thường được phân giai đoạn dựa vào các yếu tố như kích thước, số lượng khối u, mức độ di căn... Ung thư gan được chia thành 4 giai đoạn. Giai đoạn một và hai, khối u chưa lan ra ngoài gan. Giai đoạn ba, khối u thường lớn hơn 5 cm, hình thành các mạch máu và đã lan đến tĩnh mạch cửa của gan. Gian đoạn cuối, khối u lan ra ngoài gan đến các hạch bạch huyết gần gan hoặc bộ phận khác.
Ung thư gan giai đoạn cuối thường khó chữa khỏi. Tỷ lệ điều trị thành công thấp hơn nhiều so với các giai đoạn khác vì khối u đã di căn. Điều trị phụ thuộc nhiều vào tình trạng sức khỏe của người bệnh, nhằm kiểm soát triệu chứng và tiến triển của tế bào khối u.
Tiên lượng sống ung thư gan giai đoạn cuối tùy thuộc vào tình trạng khối u và sức khỏe tổng thể. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm chung cho ung thư gan di căn là 3%, với nam giới là 2,2%, nữ giới là 4 %. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm tương đối là khoảng 11% nếu tế bào ung thư lan đến khu vực và vị trí gần gan. 2% khi ung thư di căn đến các cơ quan khác (phổi, xương...).
Nếu không điều trị, tiên lượng ở giai đoạn này thấp hơn rất nhiều. Tuổi thọ trung bình đối với ung thư gan giai đoạn 4 không điều trị là dưới bốn tháng. Các thử nghiệm điều trị mới với thuốc, hóa xạ trị có thể giúp bệnh nhân kéo dài thời gian sống.
Tỷ lệ sống sót tương đối sau 5 năm chung cho bệnh ung thư gan là 19,6%. Đối với ung thư gan giai đoạn một và hai, tỷ lệ sống sót tương đối trong 5 năm là 34% nếu phát hiện sớm. Khi tế bào ung thư lan ra đến tĩnh mạch cửa gan (giai đoạn ba), tỷ lệ này giảm xuống còn 12%.
Trong giai đoạn đầu, bệnh không có triệu chứng. Khi ung thư gan tiến triển, người bệnh có thể đau bụng, cổ trướng (bụng sưng, chất lỏng trong bụng), chán ăn, vàng da và mắt, gan to, lá lách to. Người bệnh giai đoạn này cũng thường buồn nôn, nôn ói, đau xương bả vai, giảm cân ngoài ý muốn, sưng chân.
Trong một số trường hợp, khối u ác tính ở giai đoạn cuối bắt đầu sản xuất hormone. Những hormone này có thể gây ra các triệu chứng bên ngoài gan, ảnh hưởng đến các cơ quan và hệ thống khác trong cơ thể. Chúng gồm vú to ở nam giới hoặc co rút tinh hoàn, mức độ các tế bào hồng cầu cao, cholesterol cao, tăng canxi máu dẫn đến bồn chồn, buồn nôn, táo bón hoặc các vấn đề về cơ, hạ đường huyết gây mệt mỏi hoặc ngất xỉu.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh như thừa cân, béo phì, nhiễm virus viêm gan B hoặc C, hút thuốc, uống rượu. Người mắc bệnh như xơ gan, gan nhiễm mỡ không do rượu, tiểu đường cũng tăng khả năng mắc bệnh.
Di truyền gây tích tụ sắt, bệnh dự trữ glycogen, thiếu Alpha-1 antitrypsin (bệnh di truyền do thiếu protein bảo vệ Alpha-1-antitrypsin), bệnh Wilson (rối loạn di truyền làm cơ thể có quá nhiều đồng) cũng là yếu tố nguy cơ.
Mai Cat (Theo Very Well Health)
Độc giả có thể đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để được bác sĩ giải đáp.