Ung thư đại tràng là bệnh lý ung thư xảy ra ở đại tràng (phần dài nhất của ruột già), bệnh phổ biến ở cả nam và nữ. Theo thống kê của Globocan năm 2020, Việt Nam ghi nhận gần 16.000 ca mắc ung thư đại tràng mới, hơn 8.200 ca tử vong vì bệnh này.
Bác sĩ Trần Vương Thảo Nghi, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, bệnh thường gặp ở người trên 50 tuổi, tuy nhiên những năm trở lại đây, tỷ lệ mắc bệnh tăng nhanh ở giới trẻ. Hiện ung thư đại tràng là bệnh lý ung thư phổ biến đứng hàng thứ 5 tại Việt Nam (chỉ sau ung thư gan, ung thư phổi, ung thư vú và ung thư dạ dày).
Thành đại tràng có cấu tạo gồm nhiều lớp. Các tế bào ung thư được hình thành từ các tế bào lót bên trong đại tràng (niêm mạc), phần lớn do sự phát triển của các polyp trong đại tràng. Sau khi xuất hiện trên thành đại tràng, các tế bào ung thư bắt đầu di chuyển vào trong mạch máu hoặc mạch bạch huyết (là các ống nhỏ có nhiệm vụ mang chất thải và chất lỏng đi ra bên ngoài). Từ đó tế bào ung thư có thể di căn đến các hạch bạch huyết lân cận hoặc có thể di chuyển xa hơn đến các cơ quan, bộ phận khác trong cơ thể.
Theo bác sĩ Thảo Nghi, hầu hết polyp đại tràng là lành tính, tuy nhiên chúng cũng có nguy cơ diễn biến thành ác tính. Có hai loại polyp chính là:
- Polyp tuyến (u tuyến): loại polyp này thỉnh thoảng sẽ phát triển thành ung thư nên còn được gọi là tình trạng tiền ung thư.
- Polyp tăng sản và polyp viêm: là loại polyp phổ biến hơn, không phải tình trạng tiền ung thư.
Chứng loạn sản cũng là một dạng tiền ung thư xuất hiện ở chính bản thân polyp hoặc niêm mạc đại tràng khi có sự hiện diện các tế bào bất thường.
Theo bác sĩ Thảo Nghi, ung thư đại tràng là một trong những căn bệnh ung thư có tiên lượng tốt, nghĩa là mức độ gây nguy hiểm của bệnh thấp hơn các bệnh lý ung thư khác. Nếu bệnh nhân điều trị kịp thời và tích cực thì cơ hội sống cao. Nhiều trường hợp phát hiện sớm và can thiệp điều trị ngay từ giai đoạn đầu có thể chữa khỏi bệnh.
"Tuy nhiên, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, ung thư đại tràng có thể di căn đến các cơ quan bộ phận, các tổ chức khác trong cơ thể, gây ra những biến chứng nguy hiểm như tắc ruột, thủng ruột, chèn ép dẫn đến đau đớn. Tiên lượng của bệnh nhân trong trường hợp này giảm đi rất nhiều, việc điều trị gặp nhiều khó khăn, thời gian sống sau 5 năm ngắn lại", bác sĩ Thảo Nghi chia sẻ thêm.
Dấu hiệu
Ung thư đại tràng thường không có triệu chứng ở giai đoạn sớm, nhưng những dấu hiệu cảnh báo thường là:
- Máu trong phân, hoặc đàm nhớt trong phân
- Thay đổi về tính chất và hình dạng phân (như phân dẹt hơn bình thường, có mùi tanh bất thường...)
- Thay đổi thói quen đại tiện (đi tiêu lắt nhắt, táo bón hoặc tiêu chảy...)
- Tiêu chảy, táo bón hoặc cảm giác đại tiện không sạch
- Cơ thể suy nhược, mệt mỏi
- Sụt cân không rõ lý do
- Đau bụng hoặc khó chịu vùng bụng dưới
- Nôn ói
- Xuất hiện khối u ở vùng bụng, bụng to dần...
Các yếu tố nguy cơ
- Yếu tố di truyền: ung thư đại tràng tăng lên khi có sự biến đổi của một số gene nhất định, liên quan đến một số hội chứng di truyền như bệnh đa polyp đại tràng gia đình (FAP), hội chứng ung thư đại tràng di truyền không polyp (HNPCC hoặc hội chứng Lynch).
- Các tổn thương tiền ung thư: viêm đại tràng chảy máu, bệnh Crohn, polyp đại tràng...
- Yếu tố dinh dưỡng: chế độ ăn nhiều thịt, mỡ động vật, ít chất xơ, thiếu vitamin hoặc thực phẩm có chứa nitrosamin...
Mặc dù hiện tại y học vẫn chưa tìm ra được cơ chế và nguyên nhân gây đột biến gen, nhưng có một số yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng bị ung thư đại tràng, bao gồm: thừa cân béo phì, lối sống thiếu vận động, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia.
Chế độ ăn uống quá nhiều thịt đỏ (thịt bò, thịt heo, thịt cừu, gan...), đồ ăn chế biến sẵn (xúc xích, thịt đóng hộp...) có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng. Thêm vào đó, việc chế biến thực phẩm ở nhiệt độ quá cao (chiên, nướng...) sẽ tạo ra các hóa chất có hại, làm tăng nguy cơ ung thư. Do đó, bác sĩ Thảo Nghi khuyến cáo bạn cần xây dựng chế độ ăn uống khoa học, bổ sung nhiều rau củ quả, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, hạn chế các loại thịt đỏ, thực phẩm chế biến đóng hộp sẵn để giảm nguy cơ ung thư.
Bác sĩ Thảo Nghi cho biết thêm, người trẻ tuổi vẫn sẽ có nguy cơ mắc ung thư đại tràng nhưng nguy cơ này sẽ tăng cao hơn ở những bệnh nhân trên 50 tuổi. Bệnh nhân sẽ tăng nguy cơ bị ung thư đại tràng nếu có tiền sử mắc các bệnh lý như: mắc bệnh ung thư đại tràng trước đó; polyp tuyến nguy cơ cao kích thước polyp 1 cm hoặc tế bào của polyp có hình dạng bất thường dưới kính hiển vi; ung thư buồng trứng; bệnh viêm ruột (IBD) như viêm loét đại tràng, bệnh Crohn...
Người có cha mẹ, anh chị em ruột có tiền sử mắc ung thư đại tràng thì nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Nguy cơ này sẽ tăng lên nếu gia đình có người mắc bệnh ở độ tuổi dưới 50 hoặc gia đình có nhiều người cùng bị bệnh. Bên cạnh đó, nếu trong gia đình có thành viên từng bị polyp tuyến thì nguy cơ mắc bệnh cũng cao hơn. Do đó, nếu có các yếu tố nguy cơ này, bạn nên chủ động tầm soát trước 45 tuổi để phát hiện sớm và can thiệp điều trị hiệu quả nếu mắc bệnh.
"Có khoảng 5% bệnh nhân ung thư đại tràng là do hội chứng di truyền, trong đó hai hội chứng phổ biến nhất là hội chứng Lynch (ung thư đại tràng di truyền không phát sinh polyp - HNPCC) và đa polyp gia đình (FAP). Ngoài ra, có một số hội chứng hiếm gặp khác cũng có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư là hội chứng Peutz - Jeghers (PJS) và đa polyp có liên quan đến gen MUTYH (MAP). Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, các hội chứng di truyền này không chỉ liên quan đến ung thư đại tràng, mà còn liên quan đến nhiều bệnh ung thư khác", bác sĩ Thảo Nghi nói.
Các giai đoạn ung thư đại tràng
Ung thư đại tràng được chia thành 4 giai đoạn chính, dựa trên cấu trúc của đại tràng và cách thức mà các tế bào ung thư lan từ đại tràng sang các cơ quan bộ phận khác.
Chẩn đoán ung thư đại tràng
Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám ban đầu, ghi nhận thêm các thông tin về triệu chứng, tiền sử bệnh lý của bệnh nhân, tiền sử bệnh lý gia đình... Dựa vào các thông tin thu thập được, trong trường hợp nghi ngờ ung thư đại tràng, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện các kiểm tra cận lâm sàng để chẩn đoán bệnh được chính xác hơn như siêu âm ổ bụng, xét nghiệm máu trong phân, chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI), nội soi đại tràng, sinh thiết.
Tùy theo loại tế bào ung thư và giai đoạn bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định hoặc là đơn trị hoặc kết hợp các phương pháp điều trị với nhau để đạt hiệu quả cao nhất. Các phương pháp điều trị có thể được chỉ định gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, điều trị đích, miễn dịch.
"Phát hiện và điều trị ung thư đại tràng ở giai đoạn càng muộn; thì tiên lượng bệnh càng xấu, hiệu quả điều trị thấp và khả năng kéo dài sự sống của bệnh nhân càng giảm. Ung thư ở giai đoạn đầu thường tiến triển chậm hơn, nếu được phát hiện và can thiệp sớm sẽ có tiên lượng tốt. Tỷ lệ sống trên 5 năm đối với việc điều trị theo từng giai đoạn như sau: giai đoạn một là khoảng trên 90%, giai đoạn hai khoảng 80-83%, giai đoạn ba còn khoảng 60% và giai đoạn bốn giảm rất thấp, chỉ còn 11%", bác sĩ Thảo Nghi nói thêm.
Thúy Nguyễn