Ngày nay, một căn chung cư nhỏ ở Hà Nội hay Sài Gòn rẻ nhất cũng phải 1,5-2 tỷ đồng. Nếu trung bình mỗi năm bạn để ra được 200 triệu thì cũng phải mất ít nhất từ 8-10 năm mới mua được nhà. Cứ cho là bạn để dành được một nửa giá trị căn nhà, 50% còn lại đi vay ngân hàng rồi trả dần thì cũng mất từ 5-7 năm mới có thể sống trong căn nhà của mình. Đó là tôi tính thu nhập của những cặp vợ chồng trẻ ở mức khá, từ 40-45 triệu một tháng.
Thực tế, đâu phải ai cũng có mức lương từ 20-25 triệu, người lương 10-12 triệu vẫn còn đầy trong xã hội. Thế nên, với thế hệ 9x, nếu không có cha mẹ đỡ đần, có tài sản để lại, rất ít người mua được nhà. Đó là tôi nói với những người đã mua nhà và trả hết nợ, chứ mua nhà mà mới trả được 30-50% giá trị căn nhà thì tôi không tính.
Bây giờ, đất đai ở các tỉnh lẻ cũng rất đắt đỏ, giá phải cả tỷ đồng một miếng đất, chưa nói đến tiền xây nhà. Một chung cư ở quê tôi cũng có giá 800 triệu đồng, nhưng thu nhập ở tỉnh đâu có được như ở Hà Nội, TP HCM. Giá nhà như vậy cũng là quá cao so với sức của phần đông người dân.
Tôi cho rằng, cha mẹ có điều kiện, dư giả tiền bạc, thì hỗ trợ con cái mua nhà cũng chẳng sao. Bố mẹ không mua được thì con cái sẽ phải tự thân cố gắng và chẳng biết bao giờ mới có được nhà. Còn chuyện, con ngoan hay hư, lười lao động hay chăm chỉ không phụ thuộc vào tài sản cha mẹ để lại mà là do cách giáo dục của mỗi gia đình.
>> Tôi có sai khi đòi của thừa kế cha mẹ?
Con nhà giàu làm việc tàng tàng, đôi khi không phải vì họ ỷ lại. Có thể sức họ chỉ đủ để làm việc nhẹ nhàng, kiếm 10-15 triệu đồng mỗi để chi tiêu thôi (mức lương này ở Hà Nội và TP HCM không gọi là cao). Vì không phải ai cũng giỏi giang, để làm nên cơ ngơi trăm tỷ, nghìn tỷ. Đầy người bố mẹ nghèo, hoặc bình bình, nhưng lương của họ cũng chỉ quanh quẩn 10-15 triệu, vì năng lực của họ chỉ đến thế. Nên đừng đánh giá ai qua số tiền họ kiếm được.
Nhưng, có một thực tế là con nhà giàu dù làm việc làng nhàng vẫn còn đỡ hơn các "tiểu thư, công tử con nhà nghèo", bố mẹ chẳng dư giả gì, nhưng con cái cũng không biết làm một cái gì hết, lúc nào cũng đòi hỏi ăn trắng mặc trơn. Nhiều người sau đó còn oán trách cha mẹ sao không giàu có như cha mẹ người ta để con được sung sướng.
Về vấn đề cho con tiền bạc, dù để lại cho con nhiều tiền hay ít tiền, chúng ta đều phải dạy con mình cách làm người tốt, biết nhìn người, suy tính kỹ càng mọi chuyện trước khi bắt tay vào làm và phải yêu lao động. Tiền bạc lúc thịnh lúc suy, nhưng đạo đức sẽ là tài sản đi theo chúng ta suốt cuộc đời.
Tôi thấy, người giàu và có tri thức, họ rất quan tâm đến chuyện dạy con, vì một đứa trẻ nghèo ra đường chỉ có 10 người muốn lừa nó thôi, còn một đứa con nhà giàu ra đường sẽ có 100 người muốn lừa. Thế nên, chẳng triệu phú, tỷ phú nào đẩy con ra đường với một cái đầu ngờ nghệch cả. Những gia đình giàu có nhiều đời họ lại càng dạy con kỹ càng. Sẽ là sai lầm nếu cho rằng để lại nhiều tiền của cho con là làm hại con.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.