Ở Việt Nam, chữ hiếu vốn là một giá trị văn hóa rất quan trọng, thể hiện sự tôn kính, vâng lời và báo đáp công ơn sinh thành với cha mẹ, tổ tiên. Hiếu cũng là một trong những đức tính cốt yếu của người Việt và được coi là nền tảng của các giá trị gia đình, xã hội. Thế nên, việc đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão, với nhiều người, là hành động bất kính và vô ơn. Áp lực dư luận xã hội với vấn đề này cũng khá nặng nề khiến đôi khi trở thành rào cản ngăn con cái đưa cha mẹ vào hoặc ngăn cản cha mẹ muốn vào.
Nói về câu chuyện này, độc giả Hung Thanh kể về chính hoàn cảnh của mình: "Tôi cũng đã ở tuổi U70, nhưng có suy nghĩ rằng mọi người nên thay đổi quan niệm về chữ hiếu trong việc đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão. Thậm chí, đây còn là giải pháp ưu việt và phù hợp xu thế xã hội hiện đại. Vì ở đó, họ có chuyên môn về chăm sóc y tế, dinh dưỡng cho người già, có các hoạt động tập thể để những người cùng thế hệ có thể vui vẻ và dễ hòa đồng.
Hầu hết hiện nay con cái đều bận đi làm, các cháu mải học hành từ sáng đến tối, nên không có nhiều thời gian bên cạnh lo cho cha mẹ, ông bà. Đôi khi, người già sẽ có cảm giác cô đơn trong chính ngôi nhà của mình và không an toàn mỗi khi trái nắng trở trời. Nếu gửi bố mẹ già vào viện dưỡng lão, ngày nghỉ đón về sum họp cả gia đình, vậy có sao đâu?
Tất nhiên, để vào viện dưỡng lão, không phải ai cũng có đủ điều kiện kinh tế làm được. Giá dịch vụ chăm sóc người cao tuổi trung bình từ 8 đến trên dưới 20 triệu đồng một người mỗi tháng (tùy theo gói dịch vụ) rõ ràng là một mức cao và không phổ biến so với thu nhập mặt bằng chung ở nước ta. Nếu không có sự hỗ trợ hoặc quỹ xã hội thì việc đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão gần như là cả một vấn đề lớn chứ không còn nằm ở chữ hiếu nữa".
Có cùng tư tưởng đổi mới, bạn đọc Nghin NTT cũng lên kế hoạch dưỡng già trong viện dưỡng lão: "Tôi dặn con mình sau này hãy để cha mẹ vào viện dưỡng lão. Giờ tôi đang cật lực kiếm tiền để tự lo cho tuổi già của mình. Viện dưỡng lão vừa sạch sẽ, vừa có bác sĩ, nhân viên chuyên môn và không phải ai cũng vào được. Bố mẹ tôi cũng muốn vào viện dưỡng lão nhưng nói thật là chúng tôi hiện không có đủ tiền để lo cho việc đó.
Vì không có sự chuẩn bị trước về mặt kinh tế nên giờ ông bà vẫn phải lên thành phố để ở cùng con cháu. Nói là ở chung nhưng thực ra tù túng hết sức. Con đi làm, cháu đi học cả ngày, ông bà hầu như ở nhà một mình cả ngày. Họ muốn về quê cho đỡ buồn nhưng chúng tôi có công việc, con cái học hành ở đây nên không thể về cùng được. Đúng là mỗi người một hoàn cảnh, có hiếu hay không là ở cái tâm nữa. Con cái ở cùng nhưng bỏ bê, không chăm sóc được cha mẹ già, đi suốt ngày và khoán hết cho người giúp việc giống như nhà hàng xóm tôi, liệu thế có tốt hơn hay không?".
>> 'Đưa cha mẹ già vào viện dưỡng lão là xu thế không thể đảo ngược'
Không cam tâm khi chứng kiến con cháu phải vất vả chăm sóc cha mẹ già, độc giả Đông Thi bày tỏ: "Tôi ở nhà, nhìn con cháu vì mình mà vất vả, cũng cảm thấy không chịu được. Tôi sinh con ra là lựa chọn của tôi, đâu phải sinh vì để nó báo hiếu, hầu hạ mình khi về già. Trong khi đó, nếu vào viện dưỡng lão, tôi sẽ có nhiều bạn già, có người để trò chuyện. Còn ở nhà, con cháu đi làm, đi học cả ngày, đôi khi tôi muốn nói chuyện cũng chẳng được. Dù có gặp nhau thì cũng vì khoảng cách thế hệ nên chẳng có điểm chung để nói.
Nhiều khi cha mẹ, con cái sống chung chỉ là đang chịu đựng lẫn nhau mà thôi. Đã đến lúc chúng ta phải nghĩ thoáng ra. Cái gì cần buông thì phải buông để mọi người được thanh thản. Người già phương Tây không có khái niệm bắt con cháu chăm sóc mình. Họ tự ý thức vào viện dưỡng lão ngay từ sớm nên mọi chuyện đơn giản hơn rất nhiều".
Đưa cha mẹ già vào viện dưỡng lão cũng là một cách báo hiếu, đó là quan điểm của bạn đọc Thanh Uyen My: "Có nhiều cách báo hiếu và phụng dưỡng cha mẹ già, tùy vào hoàn cảnh thực tế của mỗi gia đình để lựa chọn. Việc con cái chọn được viện dưỡng lão có chuyên môn, chất lượng tốt để chăm sóc cho cha mẹ cao tuổi cũng đã có tâm báo hiếu rồi. Vì kinh nghiệm chăm sóc người già và trẻ nhỏ là thứ mà không phải ai cũng có. Thu xếp được tiền bạc để đóng phí cao và lâu dài cũng là vấn đề lớn (nếu cha mẹ không có tích lũy, con cái phải đi kiếm tiền để lo hết chi phí trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay... sẽ có thể làm xáo trộn cuộc sống của nhiều người).
Sống trong viện dưỡng lão có tập thể đồng niên, người cao tuổi có thể trò chuyện vui vẻ, được đồng cảm, chia sẻ, giúp đỡ nhau. Chứ ở nhà, có những gia đình mang tiếng chăm cha mẹ già mà bỏ bê, rồi ốm đau nằm liệt giường trong tình trạng không người, không thuốc men, không có sự lựa chọn hoặc bị người thân hắt hủi, bốn bề là tường cao... thì cuộc đời họ có khi còn bế tắc hơn. Nói thì dễ làm mới khó".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.