Hai năm trước, u nhỏ bằng đầu ngón tay, không triệu chứng. Ba tháng đầu chị mang thai, u thay đổi không đáng kể. Đến cuối tháng thứ 4 thai kỳ, u tăng kích thước nhanh chóng, gây đau. "Tôi mất ngủ, bất an do sợ ung thư", chị Nhung nói.
Chị đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám khi ngực trái sưng to, đau khi chạm vào, khối u lộ rõ dưới da. Kết quả siêu âm cho thấy u 10 cm, chiếm gần 1/2 ngực, chèn tuyến sữa. U tăng kích thước nhanh trong khoảng ba tuần gần đây. Kết quả sinh thiết ghi nhận u sợi tuyến vú (bướu sợi tuyến) lành tính.
Ngày 27/1, thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Bá Tấn, khoa Ngoại Vú, cho biết u sợi tuyến phát triển trong thời kỳ mang thai thường biến mất hoặc giảm kích thước đáng kể sau sinh. Do đó, bác sĩ thường trì hoãn phẫu thuật bướu sợi tuyến ở thai phụ. Tuy nhiên, u của chị Nhung tăng kích thước nhanh và gây đau, cần chẩn đoán phân biệt với bướu diệp thể (loại bướu có hình chiếc lá có nguy cơ ung thư) nên phải phẫu thuật cắt bỏ ngay.
Nếu không phẫu thuật, u to, tăng kích thước dễ làm chị lo lắng, căng thẳng, ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ con. U lớn còn ngăn dòng sữa cho bé bú sau khi sinh. Người mẹ dễ viêm tắc tuyến sữa dẫn đến đau nhức, sốt, suy kiệt sức khỏe.
Chị Nhung được phẫu thuật cắt u ngực trái ở ba tháng giữa thai kỳ vì đây là thời điểm phẫu thuật an toàn nhất, theo bác sĩ Tấn. Lúc này, hormone nội tiết hoạt động ổn định, tử cung ít nhạy cảm gây cơn gò nên phẫu thuật an toàn. Nếu phẫu thuật trong ba tháng đầu và cuối thai kỳ, người bệnh được sử dụng thuốc gây tê, gây mê và kháng sinh dễ dẫn đến nguy cơ dị tật, sẩy thai, sinh non.
Bác sĩ chọn phương pháp vô cảm (làm mất tạm thời cảm giác đau của người bệnh) kết hợp gây tê vùng và gây tê tại chỗ để phù hợp u lớn, hạn chế thuốc gây mê truyền từ người mẹ qua bào thai. Sau khi gây tê, ê kíp bác sĩ khoa Ngoại Vú phẫu thuật cắt u ở ngực trái, không tác động đến các ống dẫn sữa, bảo tồn chức năng cho con bú. Sau mổ, chị Nhung hết đau, xuất viện trong ngày.
Bác sĩ Bá Tấn cho biết u vú ở thai phụ thường là u sợi tuyến đã sẵn có trước đó. Nguyên nhân khiến u tăng kích thước trong thai kỳ là hormone estrogen và progesterone tăng cao. Trong suốt thai kỳ, estrogen kích thích tăng sinh các ống tuyến và thùy của tuyến vú (có chức năng sản xuất sữa), mạch máu, lưu lượng máu... Ngực của người bệnh tăng thể tích, độ săn chắc và mạch máu khi mang thai, khi cho con bú khiến bác sĩ khó phát hiện bất thường trên siêu âm, nhũ ảnh.
Ung thư vú đang trẻ hóa. Bác sĩ Tấn khuyến cáo thai phụ có bất thường ở ngực nên đi khám để được chẩn đoán, loại trừ ung thư vú trong thai kỳ. Bác sĩ chỉ định siêu âm, đánh giá hiệu quả cấu trúc ngực, không gây nguy cơ bức xạ cho bệnh nhân và thai nhi.
Trường hợp u sợi tuyến tăng không đáng kể, không đau, có thể theo dõi, chưa cần phẫu thuật ngay. Sau sinh, nếu u không giảm kích thước, sản phụ cần đi khám để được siêu âm, chụp nhũ ảnh kiểm tra.
Nguyễn Trăm
*Tên nhân vật đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |