Theo bác sĩ Trần Thị Trà Phương - Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, chuyển phôi là chặng đường cuối quan trọng trong quá trình thụ tinh ống nghiệm (IVF). Đây là thời điểm người phụ nữ vừa phải trải qua một thời gian kích thích buồng trứng kéo dài, mệt mỏi về cả sức khỏe lẫn tinh thần. Do đó, người phụ nữ cần đảm bảo sức khỏe tốt về mặt thể chất và tinh thần, từ đó tạo điều kiện cho phôi làm tổ.
Dưới đây là các thực phẩm phụ nữ nên ăn sau chuyển phôi.
Thực phẩm giàu carbohydrate tốt
Các loại ngũ cốc nguyên hạt tốt cho sức khỏe như: bánh mì nguyên cám, gạo lứt, khoai củ, các loại trái cây, rau xanh có chỉ số GI thấp. Đây là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể từ chế độ ăn giúp người phụ nữ có được thể trạng tốt nhất sau khi chuyển phôi và để chuẩn bị mang thai.
Lượng đường máu ổn định cũng giúp hạn chế được stress, từ đó giúp người mẹ có tâm lý tốt, tăng cơ hội thụ thai khi chuyển phôi.
Thực phẩm chứa chất béo tốt
Các loại chất béo tốt từ thực vật giúp cung cấp thêm năng lượng, các chất dinh dưỡng đồng thời giúp người mẹ giảm nguy cơ rối loạn chuyển hóa lipid máu, ảnh hưởng đến nội tiết tố, tăng cơ hội đậu thai.
Các nghiên cứu hiện nay cho thấy, chế độ ăn giàu thực phẩm chứa các chất béo tốt giúp làm tăng khả năng mang thai lên 3-4 lần. Các thực phẩm chứa chất béo tốt từ các loại cá béo như cá hồi, cá thu, cá basa, quả bơ, dầu oliu...
Thực phẩm giàu protein
Protein có vai trò là một phần của các hormone, đặc biệt trong trường hợp này là hormone nội tiết. Các hormone quyết định số lượng và chất lượng trứng, đây là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng quyết định thành công của IVF.
Những thực phẩm giàu protein có giá trị sinh học cao, chứa các axit amin thiết yếu mà cơ thể không tự tổng hợp được như thịt gà, thịt bò, thịt heo, thịt chim câu, trứng, cá, hải sản...
Ngoài ra, protein thực vật từ đậu nành cũng cung cấp nhiều chất dinh dưỡng và đặc biệt có chứa estrogen thực vật, là một chất giống với hormone nội tiết tố ở phụ nữ, giúp làm tăng cơ hội đậu thai sau chuyển phôi.
Thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất
Rau xanh và quả chín cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất, đồng thời cung cấp nhiều chất xơ. Một số loại rau xanh, quả chín có màu như xanh đậm, đỏ, vàng, tím (cherry, cam, đu đủ, ớt chuông, súp lơ xanh, bắp cải tím...) chứa nhiều các chất chống oxy hóa, giảm viêm, tốt cho quá trình chuyển phôi, giúp giảm tình trạng tử cung không nhận phôi...
Chất xơ hòa tan trong các loại rau xanh, trái cây giúp hạn chế tình trạng táo bón, phải gắng sức khi đi vệ sinh và làm tăng cơ hội đậu thai ở phụ nữ sau chuyển phôi.
Uống đủ nước
Ở bất kỳ giai đoạn nào của quá trình IVF, cơ thể đều cần uống nước đầy đủ (2-3 lít mỗi ngày từ nguồn thức ăn, sữa, nước trái cây, quả chín, nước lọc).
Đặc biệt trước chuyển phôi, do thay đổi nội tiết tố, người phụ nữ sẽ cảm thấy khát nhiều, thiếu nước, mệt mỏi nên cần cung cấp đủ nước để giảm thiểu sự khó chịu ở giai đoạn này.
Sau chuyển phôi, có thể người phụ nữ phải uống thêm các thuốc nội tiết để hỗ trợ tăng khả năng đậu thai. Các thuốc này làm người phụ nữ mệt mỏi, thiếu nước, thậm chí các bác sĩ còn khuyên người mẹ nên uống oresol để bù nước và các chất điện giải.
Bổ sung vi chất dinh dưỡng đầy đủ
Các vi chất như sắt, kẽm, axit folic, vitamin E... trong thức ăn hoặc các thực phẩm bổ sung giúp phụ nữ đảm bảo chế độ dinh dưỡng cân bằng, có sức khỏe tốt sẵn sàng cho quá trình mang thai, tăng cơ hội đậu thai, giảm thiểu tình trạng nghén, mệt mỏi trong quá trình mang thai.
Đồng thời, các vi chất trên cũng rất cần thiết cho sự phát triển của phôi thai mạnh khỏe, không mắc các dị tật bẩm sinh.
Hoài Thương