Bà Nguyệt thường đứng 12 tiếng mỗi ngày do tính chất công việc. 8 năm trước, hai chân bà nổi gân xanh gồ ghề, không đau nhưng thỉnh thoảng bị chuột rút, tê bì.
Ngày 2/1, ThS.BS.CKI Lê Thị Ngọc Hằng, khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Tâm Anh TP HCM, cho biết bệnh nhân bị suy giãn tĩnh mạch nông ngoằn ngoèo rải rác khắp hai chân lan lên đến đùi cấp độ C2. Siêu âm doppler tĩnh mạch hai chi dưới ghi nhận suy van tĩnh mạch sâu và tĩnh mạch hiển (còn gọi là tĩnh mạch nông) cả hai chân. Đây có thể là hệ quả do bà đứng lâu liên tục trong nhiều năm liền. Máu ở hệ thống tĩnh mạch bị ứ lại ở chân, không đi lên tĩnh mạch chủ trở về tim như bình thường, gây ra những triệu chứng của bà Nguyệt.
Những trường hợp nặng hơn, các rối loạn tưới máu nuôi dưỡng chân có thể dẫn đến biến chứng như chàm da, loét chân không lành... khiến khó điều trị.
Hiện có các phương pháp can thiệp ít xâm lấn điều trị suy giãn tĩnh mạch chân gồm đốt laser hay đốt sóng cao tần nội mạch, chích xơ tĩnh mạch và bơm keo sinh học. "So với hai phương pháp còn lại, bơm keo sinh học ít biến chứng", bác sĩ Hằng nói, lý giải thêm do không phải dùng nguồn nhiệt cao nên không gây bỏng da, bầm da hay chảy máu, rút ngắn quá trình hồi phục.
Màn hình siêu âm giúp định vị chính xác vị trí đầu dây dẫn, nhờ đó ê kíp mở một đường mổ nhỏ ở giữa cẳng chân để đưa dây dẫn vào trong lòng tĩnh mạch bị giãn. Keo sinh học được bơm vào bám dính trong lòng tĩnh mạch, ép chặt và vô hiệu hóa chức năng của tĩnh mạch bị suy. Thủ thuật kết thúc sau một giờ.
Bà Nguyệt cho biết các triệu chứng cải thiện khoảng 90% ngay sau đó. Bà hết đau chân, dễ dàng đi lại, hai chân không còn những đường tĩnh mạch xanh gồ ghề, xuất viện sau một ngày.
Bác sĩ Hằng dẫn thống kê cho thấy ở người trưởng thành, khoảng 25% nữ giới và 15% nam giới bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới. Nữ giới mắc bệnh này nhiều hơn, nguyên nhân do ảnh hưởng của nội tiết tố nữ, thai nghén gây chèn ép cản trở máu tĩnh mạch. Một số công việc như bán hàng, thợ dệt, may, chế biến thủy - hải sản, giáo viên, bác sĩ, dược sĩ... phải đứng trong thời gian dài; người béo phì, ít vận động hoặc làm việc mang vác nặng cũng dễ bị giãn tĩnh mạch chân.
Bác sĩ Hằng khuyến nghị bệnh nhân sau khi can thiệp điều trị cần hạn chế đứng hoặc ngồi lâu tại chỗ, thực hiện bài tập phù hợp, để chân cao khi ngồi hay nằm nghỉ, chế độ ăn nhiều chất xơ tránh táo bón, béo phì, mang vớ (tất) áp lực chuyên dụng... phòng ngừa tái phát.
Thu Hà
* Tên nhân vật đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |