Bà Nguyễn Thị Nhâm (62 tuổi, Bắc Ninh) đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội trong tình trạng hai chân đau nhức, tê bì, phù chân về chiều, chuột rút về đêm. Mặc dù đã uống thuốc, đeo tất áp lực nhưng không cải thiện.
Cách đây vài năm, bà Nhâm bắt đầu xuất hiện tình trạng đau tức, mỏi ở cẳng chân hai bên, đặc biệt khi đi lại nhiều hoặc đứng lâu. Bà đi khám, bác sĩ chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch chi dưới, chỉ định điều trị nội khoa kết hợp mang tất áp lực nhưng tình trạng không thuyên giảm. Với tính chất công việc thường xuyên phải đứng nhiều, tình trạng đau chân khiến bà Nhâm cảm thấy bất tiện, ảnh hưởng lớn tới quá trình làm việc, sinh hoạt hàng ngày.
Sau khi thăm khám, BS.CKII Nguyễn Thu Trang - Bác sĩ khoa Tim mạch, BVĐK Tâm Anh Hà Nội xác định tình trạng suy giãn tĩnh mạch chân của bà Nhâm ở cấp độ 3, giãn nhiều các tĩnh mạch nông chi dưới đặc biệt bên trái, chân trái kích thước lớn hơn so với chân phải, phù nhẹ cẳng chân hai bên về chiều và tối. Kết quả siêu âm Doppler mạch máu cho thấy, bệnh nhân bị suy van tĩnh mạch chi dưới 2 bên, bên trái có dòng trào ngược với thời gian dài hơn bên phải. Người bệnh xuất hiện tình trạng giãn nhiều các tĩnh mạch nông dưới da vùng đùi, cẳng chân trái.
Bác sĩ Trang cho biết, tình trạng của bà Nhâm mặc dù chưa nguy hiểm tới tính mạng nhưng nếu không được điều trị sớm bệnh sẽ tiến triển nặng. Cụ thể, các triệu chứng căng, tức, tê, phù chân sẽ ngày càng trầm trọng, hơn nữa có thể hình thành huyết khối tại các búi giãn tĩnh mạch nông, di chuyển gây huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc tắc mạch hệ thống, vỡ các búi giãn gây chảy máu, loét chân khó lành... Tình trạng ảnh hưởng đến thẩm mỹ, sức khỏe cũng như chất lượng sống người bệnh.
Bơm keo sinh học giúp phục hồi đến 94,6%
Sau khi chẩn đoán, các bác sĩ chỉ định điều trị bệnh lý suy van tĩnh mạch chi dưới cho bà Nhâm bằng phương pháp bơm keo sinh học Venaseal kết hợp thủ thuật Mueller. Phương pháp giúp lấy các búi giãn tĩnh mạch nông, điều trị hiệu quả tình trạng suy giãn tĩnh mạch.
Với phương pháp keo sinh học, dưới sự hỗ trợ của máy siêu âm, bác sĩ sẽ đưa từng lượng chuẩn keo sinh học dọc theo chiều dài của tĩnh mạch bị bệnh thông qua một ống thông nhỏ nằm trong bộ dụng cụ chuyên dụng vô khuẩn. Chất keo được nén chặt cho đến khi các thành mạch bị giãn gắn kết lại với nhau, máu sẽ chuyển hướng lưu thông qua các tĩnh mạch khỏe mạnh khác ở chân.
Chỉ sau hơn một giờ chuẩn bị, tiến hành, đội ngũ bác sĩ khoa Tim mạch BVĐK Tâm Anh Hà Nội thực hiện thành công ca can thiệp cùng với sự hỗ trợ của các chuyên gia về lĩnh vực bệnh lý mạch máu. Sau can thiệp, người bệnh có thể đi lại bình thường, gần như không đau, có thể xuất viện ngay trong ngày.
"Trường hợp của bà Nhâm, do suy giãn tĩnh mạch độ 3 kèm theo nhiều bệnh lý thoái hóa nên chúng tôi lựa chọn phương pháp bơm keo sinh học để bảo toàn các mô, cơ, dây thần kinh xung quanh. So với các phương pháp khác, bơm keo sinh học là biện pháp tối ưu giúp bệnh nhân phục hồi nhanh chóng, không phải đeo tất áp lực. Phương pháp này được nghiên cứu cho thấy hiệu quả điều trị bệnh lý chi dưới lên đến 94,6%", bác sĩ Trang chia sẻ thêm.
Hiện nay, Venaseal được coi là phương pháp điều trị bệnh lý suy giãn tĩnh mạch hiện đại, ngày càng ứng dụng rộng rãi nhờ các ưu điểm: không cần gây tê quanh tĩnh mạch; không có biến chứng do hiệu ứng nhiệt; có thể can thiệp ở tầng dưới gối do không tổn thương thần kinh; không cần đi tất áp lực sau thủ thuật; người bệnh có thể nhanh chóng quay lại các sinh hoạt bình thường.
Suy giãn tĩnh mạch chi dưới có xu hướng trẻ hóa
Theo TTND.PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến - Trưởng khoa Tim mạch, BVĐK Tâm Anh Hà Nội, suy giãn tĩnh mạch chi dưới là bệnh lý thường gặp, có tỷ lệ mắc bệnh cao tại Việt Nam. Tuy nhiên, bệnh nhân chưa thực sự chú ý tới bệnh lý này, có đến 75% người bệnh chỉ đến khám khi tình trạng bệnh tiến triển nặng. Lúc này bệnh không chỉ gây mất thẩm mỹ, có những biến chứng nhất định, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.
Theo Hội Tim mạch học TP.HCM, nghiên cứu trên 2.000 bệnh nhân khám, nghi ngờ suy giãn tĩnh mạch tại 11 bệnh viện năm 2016 cho thấy, có tới 76% người bệnh bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới mạn tính và ngày càng có xu hướng trẻ hóa, đặc biệt là ở độ tuổi 30 - 40 tuổi. Tỷ lệ người bệnh trong độ tuổi lao động mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch đang ngày càng gia tăng.
Theo Phó giáo sư Bạch Yến, đa phần bệnh suy giãn tĩnh mạch gặp ở nữ giới, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do phụ nữ bị ảnh hưởng bởi nội tiết tố nữ, quá trình sinh nở. Ngoài ra, do khối lượng cơ ở nữ giới thấp hơn nam giới, thường xuyên đi giày cao gót hoặc mặc quần áo bó chặt làm cản trở sự lưu thông của máu tĩnh mạch.
"Để phòng ngừa, ngăn suy giãn tĩnh mạch tiến triển, người bệnh nên vận động thường xuyên, xoa bóp nhẹ nhàng hai chân, đặc biệt là trước khi ngủ để giúp máu lưu thông tốt hơn, gác chân cao khi ngủ. Đồng thời sử dụng các thực phẩm chứa nhiều chất xơ, vi chất thiết yếu làm tăng tính bền vững của thành mạch", phó giáo sư Bạch Yến khuyến cáo.
Bên cạnh đó, Phó giáo sư Bạch Yến cũng nói thêm, khi gặp những dấu hiệu sau người bệnh nên đi khám sớm để chẩn đoán, điều trị phù hợp: tê bì, cảm giác kim châm, kiến bò vùng cẳng bàn chân, chuột rút về đêm, nặng chân về chiều và tối; xuất hiện các búi giãn mạch máu nhỏ ở chân, đặc biệt là phần cổ chân, bàn chân; nhìn thấy các búi giãn tĩnh mạch ngoằn ngoèo ở chân; phù chân, thay đổi màu sắc da vùng cẳng chân...
Linh Đặng
Hiện nay, khoa Tim mạch, BVĐK Tâm Anh Hà Nội triển khai gói khám suy giãn tĩnh mạch với danh mục khám đầy đủ, khoa học và chuyên sâu giúp người bệnh phát hiện, điều trị kịp thời. Đặc biệt, tiết kiệm 10% chi phí so với danh mục khám lẻ.
Bên cạnh đó, đội ngũ bác sĩ Tim mạch, Hệ thống BVĐK Tâm Anh làm chủ, ứng dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị bệnh lý tim mạch, đặc biệt là suy giãn tĩnh mạch chi dưới. Khách hàng đặt lịch khám với các chuyên gia đầu ngành bằng cách liên hệ:
Hà Nội: 108 Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên. Hotline: 1800 6858
TP HCM: 2B Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình. Hotline: 0287 102 6789
Website: https://tamanhhospital.vn