Kết quả xét nghiệm tế bào học và CT bụng - chậu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội ghi nhận ung thư cổ tử cung giai đoạn IB (giai đoạn sớm), phân loại ung thư biểu mô tuyến xâm nhập biệt hóa vừa.
Ngày 17/10, PGS.TS.BS.CKII Lưu Thị Hồng, Phó giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, cho biết khối u của bệnh nhân có kích thước lớn nhưng chưa di căn xa, phù hợp với xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung, dương tính virus HPV type 18. Đây là nguyên nhân dẫn đến nhiều loại ung thư nguy hiểm và u nhú sinh dục ở nam và nữ. Bệnh nhân được phẫu thuật để triệt căn mầm mống ung thư.
Hậu phẫu, bác sĩ kiểm tra lại cho người bệnh để xác định ung thư ở cổ tử cung được cắt bỏ hoàn toàn. Bệnh nhân xuất viện, duy trì theo dõi và khám sức khỏe định kỳ.
Theo thống kê của Tổ chức Ung thư Toàn cầu (Globocan), ung thư cổ tử cung là một trong những loại ung thư thường gặp. Năm 2020, Việt Nam có khoảng 1.400 ca mắc mới ung thư buồng trứng và tử vong là 923 người.
Ung thư cổ tử cung là sự phát triển bất thường của các tế bào, từ đó hình thành những khối u ác tính trong cổ tử cung. Các khối u này nhân lên một cách mất kiểm soát, xâm lấn và tác động đến những cơ quan xung quanh, thường di căn đến phổi, gan, bàng quang, âm đạo và trực tràng.
Theo bác sĩ Hồng, các triệu chứng ban đầu của bệnh thường không rõ ràng, tiến triển thầm lặng, người bệnh khó nhận biết. Các dấu hiệu cảnh báo sớm bao gồm ra máu và tiết dịch âm đạo bất thường, đau và chảy máu khi quan hệ tình dục.
Khi tế bào ung thư đã di căn lan rộng, người bệnh đau vùng chậu, đau lưng, phù chân và đau nhức chân, mệt mỏi, sụt cân, rò phân hoặc nước tiểu qua ngả âm đạo, gãy xương. Lúc này, điều trị khó khăn, tốn chi phí.
Phó giáo sư Hồng cho biết ung thư cổ tử cung nếu được phát hiện sớm bằng xét nghiệm sàng lọc HPV; tế bào cổ tử cung hoặc kết hợp sàng lọc HPV và tế bào cổ tử cung thì khả năng điều trị thành công cao. Tỷ lệ chữa khỏi hoàn toàn có thể hơn 90%. Ở giai đoạn một, tỷ lệ điều trị thành công khoảng 85-90% và giảm dần ở các giai đoạn sau. Đến giai đoạn hai giảm khoảng 50-75%, giai đoạn ba là 25-40% và cuối cùng còn 15%, tiên lượng sống thêm 5 năm. Hiện, y học hiện đại phát triển giúp giảm đáng kể tỷ lệ mắc và tử vong.
Xét nghiệm HPV thường được thực hiện loại virus này là nguyên nhân chính gây ra ung thư cổ tử cung, từ đó có những biện pháp phòng ngừa, theo dõi và điều trị sớm. Bên cạnh đó, xét nghiệm tế bào học (ThinPrep Pap hoặc Pap smear) có thể phát hiện sự thay đổi bất thường của tế bào cổ tử cung.
Các chuyên gia khuyến cáo những người nên thực hiện tầm soát gồm phụ nữ từ 25 tuổi, nhất là phụ nữ trong độ tuổi trung niên, có nguy cơ cao, chưa thực hiện các phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung trước đó. Người xuất hiện các triệu chứng bất thường như rong kinh, chảy máu bất thường ngoài kỳ kinh, đau rát khi quan hệ tình dục, viêm nhiễm phụ khoa mạn tính... cũng nên tầm soát.
Bé gái từ 9 tuổi trở lên nên tiêm vaccine phòng virus HPV để tăng hiệu quả phòng bệnh ung thư cổ tử cung.
Hạnh Giang
20h, ngày 17/10, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến "Ung thư cổ tử cung: Phòng ngừa, phát hiện sớm & điều trị hiệu quả" phát trên fanpage VnExpress. Các bác sĩ của bệnh viện tham gia tư vấn gồm PGS.TS.BS.CKII Lưu Thị Hồng, Phó giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa; PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Hiền, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp; BS.CKII Ngô Trường Sơn, Phó khoa Ung bướu. Độc giả có thể gửi câu hỏi tại đây. |