Anh Phong đau họng, nhói ngực trái khi hít sâu hoặc thay đổi tư thế, sốt 38-39 độ. Nghĩ mình mắc Covid-19, anh mua thuốc uống 5 ngày, triệu chứng giảm, sau đó đau ngực từng cơn, sốt trở lại. Khám tại cơ sở y tế gần nhà, bác sĩ chẩn đoán sốt siêu vi, kê thuốc kháng sinh. Sau một ngày, bệnh không bớt, anh đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM kiểm tra.
Ngày 23/9, bác sĩ Phạm Công Danh, khoa Nội tim mạch, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho hay nhịp tim bệnh nhân nhanh (110 lần một phút), tràn dịch màng ngoài tim mức độ trung bình do viêm màng ngoài tim cấp. Đây là tình trạng màng ngoài tim bị viêm, tăng tiết dịch trong khoang màng ngoài tim, phải điều trị kịp thời để tránh biến chứng chèn ép tim cấp.
Nguyên nhân gây tràn dịch màng tim thường gặp là nhiễm trùng (virus, vi khuẩn, bệnh lao, nấm, nhiễm HIV...), lupus ban đỏ, ung thư di căn, sau chấn thương (sau mổ tim, chấn thương ngực kín), sau nhồi máu cơ tim, đôi khi là vô căn. Anh Phong đã tầm soát ung thư không phát hiện bất thường, xét nghiệm lao kết quả âm tính. "Người bệnh sốt, đau cơ, mệt mỏi, nhói ngực, khả năng thuộc nhóm 90% trường hợp viêm màng ngoài tim do nhiễm siêu vi trước đó", bác sĩ Danh nói.
Tràn dịch màng tim xảy ra khi có nhiều dịch tích tụ giữa hai lớp bao màng ngoài tim, nặng sẽ gây khó thở, sốc, tụt huyết áp. ThS.BS.CKII Huỳnh Thanh Kiều, Trưởng khoa Nội tim mạch 1, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, đánh giá bệnh nhân tỉnh táo, sức khỏe ổn định, không bị tụt huyết áp, không sốc tim. Vì thế, bác sĩ chưa chọc hút dịch mà điều trị bằng thuốc kháng viêm. Sau một ngày, tình trạng đau ngực giảm 50%. Sau ba ngày, bệnh nhân cải thiện triệu chứng đến 80-90%, không còn đau ngực, ăn uống tốt. Dịch màng tim giảm nhiều cho thấy tình trạng viêm cải thiện đáng kể. 5 ngày sau, bệnh nhân xuất viện, dùng thuốc kháng viêm trong ít nhất một tháng, cần tái khám theo dõi.
Bác sĩ Danh cho biết có hai dạng viêm màng ngoài tim là cấp tính (triệu chứng khởi phát đột ngột nhưng không kéo dài) và mạn tính (dấu hiệu kéo dài trên ba tháng). Viêm màng ngoài tim cấp tính có biểu hiện tương tự như viêm phổi, nhồi máu cơ tim... dễ gây chẩn đoán nhầm, làm chậm quá trình điều trị. Kết quả là bệnh tiến triển thành mạn tính, biến chứng dày màng ngoài tim, hạn chế khả năng co giãn trái tim.
Khi có dấu hiệu nghi viêm màng ngoài tim, người bệnh nên đi khám sớm để điều trị kịp thời. Hầu hết các trường hợp đáp ứng tốt với điều trị nội khoa có thể khỏi bệnh trong vài tuần đến ba tháng. Bác sĩ Danh khuyến cáo bệnh nhân đang điều trị bệnh cần nghỉ ngơi đầy đủ, tránh hoạt động mạnh, không tự ý uống thuốc hoặc bỏ thuốc, tái khám đúng lịch hẹn.
Thu Hà
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |