Nhồi máu cơ tim là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tử vong trên thế giới. Ngày 4/6, PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết trước đây, nhồi máu cơ tim chủ yếu xảy ra ở người lớn tuổi, hiện nay nhiều người khoảng 40 tuổi, thậm chí mới 25 tuổi cũng mắc bệnh.
Phó giáo sư Vinh lý giải nguyên nhân gây ra nhồi máu cơ tim cấp là do mảng xơ vữa trong lòng mạch vành bị nứt hoặc vỡ, các tế bào máu gồm tiểu cầu và hồng cầu đến bám vào, tạo thành cục huyết khối gây bít tắc đột ngột lòng mạch, khiến cơ tim bị thiếu máu nuôi. Nếu tình trạng này kéo dài dẫn đến hoại tử cơ tim, suy tim hoặc đột tử.
Với những người có yếu tố nguy cơ như lối sống kém lành mạnh, mắc các bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu..., quá trình này thường diễn ra nhanh hơn. Trong đó mỡ máu cao và hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ quan trọng và các bệnh này cũng có xu hướng trẻ hóa.
Mỡ máu cao dẫn đến tích tụ và hình thành mảng bám bên trong mạch máu theo thời gian, gây ra xơ vữa động mạch. Càng để lâu và không được điều trị, mảng bám càng lớn, dẫn đến các mạch máu bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn. Các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra, bao gồm nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, đột quỵ...
"Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây nhồi máu cơ tim ở người trẻ", phó giáo sư Vinh nói, giải thích thêm rằng các chất hóa học trong thuốc lá tham gia vào quá trình hình thành mảng xơ vữa, dẫn đến hẹp dần lòng mạch máu. Chúng làm tăng độ nhớt máu dẫn tới hình thành cục máu đông ở hệ tĩnh mạch và động mạch gây ra cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim cấp.
Các yếu tố lối sống: Hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu và nước ngọt có gas, ăn nhiều mỡ động vật, thực phẩm chế biến sẵn... làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim. Lối sống kém lành mạnh như ít vận động, ngủ không đủ giấc, căng thẳng kéo dài cũng là yếu tố nguy cơ.
Huyết áp tăng khiếp áp lực lên thành động mạch tăng, cơ tim phải phát triển dày hơn, cấu trúc tim phải thay đổi và hoạt động nhiều hơn để thắng được lực cản trong lòng mạch. Những thay đổi này khiến chức năng tim và hệ thống dẫn truyền tim bị rối loạn, gây ra các biến chứng như nhồi máu cơ tim, suy tim, suy tim mất bù, rung nhĩ...
ThS.BS.CKII Võ Anh Minh, Tim mạch can thiệp Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết huyết áp cao làm tăng nguy cơ tử vong do đột quỵ lên 4 lần và tăng nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch gấp ba lần so với những người không mắc bệnh.
Ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM trong năm 2023 và 4 tháng đầu năm nay tiếp nhận trên 50% bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, bệnh nhân cấp cứu nhiều nhất là nhồi máu cơ tim cấp. Khoảng 15% trong số đó ở độ tuổi 35-45. Trong đó, nhiều bệnh nhân có bệnh lý nền, lối sống kém lành mạnh.
Như anh Phi, 30 tuổi, hút thuốc lá từ năm 15 tuổi. 5 năm nay, anh hút trung bình 1-2 gói mỗi ngày. Đầu tháng 3, anh bất ngờ đau nặng ngực sau xương ức, khó thở, bác sĩ phát hiện nhồi máu cơ tim cấp. Ê kíp đặt stent tái thông mạch vành, tăng tưới máu cho vùng cơ tim bị thiếu máu nặng. Sau can thiệp, bệnh nhân khỏe, hết đau ngực và khó thở, xuất viện sau ba ngày.
Trường hợp khác là anh Sơn, 39 tuổi, có tiền sử rối loạn mỡ máu, hút thuốc lá nhiều năm. Anh xuất hiện triệu chứng đau ngực giờ thứ hai, kéo dài 30 phút. Khi cấp cứu, ê kíp tái thông động mạch vành phải.
Phó giáo sư Vinh cho biết hai người bệnh đều có yếu tố cơ địa dễ bị xơ vữa động mạch, tăng mỡ máu, mảng xơ vữa thuộc dạng dễ nứt vỡ kèm các thói quen kém lành mạnh, có bệnh lý nền.
"Nhiều người trẻ chủ quan không nghĩ mình có khả năng mắc bệnh", bác sĩ Anh Minh nói, thêm rằng phòng ngừa sớm chính là biện pháp tối ưu phòng tránh đột tử do nhồi máu cơ tim. Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) khuyến cáo "8 điều thiết yếu" để cải thiện và duy trì sức khỏe tim mạch. Cụ thể mỗi người duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất thường xuyên, không hút thuốc lá, ngủ đủ giấc, kiểm soát cân nặng, cholesterol, lượng đường trong máu và huyết áp.
Phó giáo sư Vinh khuyến cáo người từ 40 tuổi trở lên nên đi khám tầm soát nhồi máu cơ tim nếu có yếu tố nguy cơ. Hiện máy chụp cắt lớp vi tính (CT) 1975 lát cắt có thể phát hiện nhanh chóng hẹp nghẽn mạch vành gây thiếu máu cơ tim và giảm được lượng tia và cản quang so với CT thông thường. Ngoài ra, các phương tiện không xâm lấn như thảm lăn gắng sức, siêu âm tim gắng sức với xe đạp bàn nghiêng rất hữu ích trong phát hiện thiếu máu cục bộ cơ tim với chi phí vừa phải.
Trường hợp mạch máu tim tắc nghẽn hoàn toàn thì thời gian "vàng" can thiệp trong 2-3 giờ đầu sau khi xuất hiện các triệu chứng đau ngực hoặc nặng ngực, khó thở, cảm giác bồn chồn, khó chịu ở vùng thượng vị, buồn nôn, vã mồ hôi. Một số bệnh nhân có biểu hiện điển hình hơn như đè nặng vùng ngực trái sau ức, cơn đau lan lên vùng cổ, vai, cánh tay gây cảm giác nghẹn ở cổ, cứng hàm, đau mỏi vai và hai tay nên đến bệnh viện sớm trong 1-2 giờ đầu để bác sĩ cấp cứu.
Tại bệnh viện Tâm Anh, hệ thống chụp - can thiệp mạch số hóa xóa nền (DSA) cánh tay robot hiện đại tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) cùng hệ thống phần mềm siêu âm trong lòng mạch (IVUS), "la bàn" định hướng (DCR) hỗ trợ bác sĩ đặt stent tối thiểu thuốc cản quang, bảo tồn chức năng thận, giảm nguy cơ tái hẹp. Kỹ thuật này phù hợp với nhiều độ tuổi nhằm cải thiện kết quả điều trị cuối cùng.
Thu Hà - Minh Huyền
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |