Anh Tiến khô cổ, mặt tái nhợt, sút 14 kg (từ 100 kg xuống còn 86 kg) trong 5 tuần, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám. Kết quả xét nghiệm cho thấy đường huyết lúc nhập viện cao gấp 4 lần (bình thường dưới 140mg/dl), ceton trong máu tăng 20 lần (bình thường 0,03-0,3 mmol/L).
Ngày 15/4, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Tuyền, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, cho biết anh Tiến bị tiểu đường type 2, nếu điều trị chậm trễ có nguy cơ biến chứng do nhiễm toan ceton tiểu đường (tích tụ nhiều chất chuyển hóa dạng ceton có tính axit trong máu) như thở nhanh nông, nhịp tim nhanh, tụt huyết áp, lơ mơ, hôn mê.
Người bệnh được bù dịch, truyền insulin qua bơm tiêm tự động nhằm đưa đường huyết về mức ổn định và theo dõi để tránh tái nhiễm ceton.
Theo bác sĩ Tuyền, cơ thể tái hấp thu glucose khi đi qua thận. Tuy nhiên, khi lượng đường trong máu tăng cao, thận có thể không làm tốt công đoạn này, làm tăng lượng đường xuất hiện trong nước tiểu, khiến người bệnh đi tiểu nhiều hơn, khát nước liên tục. Vòng tuần hoàn uống nhiều nước, đi tiểu thường xuyên, khát nước là dấu hiệu rõ ràng của bệnh tiểu đường.
Sau một ngày điều trị, anh Tiến hết cảm giác khát nước nhiều, lượng nước uống trong ngày giảm còn hai lít, ăn cơm ngon miệng hơn. Sau 5 ngày điều trị, đường huyết ổn định, ceton về mức bình thường và được xuất viện.
Bộ Y tế năm 2023 ghi nhận Việt Nam có khoảng 7 triệu người mắc bệnh tiểu đường, trong đó hơn 55% trường hợp bị biến chứng lên tim, thận, mắt, bàn chân...
Dấu hiệu nhận biết đặc trưng của bệnh tiểu đường, gồm sụt cân nhiều, tiểu nhiều, khát nước nhiều. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, những triệu chứng này có thể không rõ ràng nên người bệnh ít đi khám sớm. Bác sĩ Tuyền cho biết phần lớn người bệnh phát hiện tiểu đường khi đã có biến chứng mạch máu và thần kinh gây tổn thương đến nhiều cơ quan như mắt (mờ mắt, tăng nhãn áp, cườm mắt), suy thận, tê bì hoặc mất cảm giác bàn chân.
Khi xuất hiện biến chứng tiểu đường, điều trị khó khăn hơn, chi phí tăng cao, chất lượng cuộc sống giảm, người bệnh có nguy cơ cao phải cắt cụt chi, suy thận mạn, suy tim, sốc tâm lý.
Người có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường type 2 gồm thừa cân béo phì, hút thuốc lá, ăn uống nhiều tinh bột đường, ít vận động, thức khuya thiếu ngủ... Bác sĩ Tuyền khuyến cáo nhóm người này cần khám sức khỏe, tầm soát bệnh tiểu đường thường xuyên, ít nhất một lần mỗi năm nhằm phát hiện và điều trị sớm.
Đinh Tiên
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiểu đường tại đây để bác sĩ giải đáp |