Ngày 7/7, ThS.BS.CKII Võ Anh Minh, Trưởng đơn vị Can thiệp Mạch vành, Trung tâm Can thiệp mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết chị Hồng đột ngột đau ngực, vã mồ hôi, ngất lúc nửa đêm. Khoảng hai phút sau, chị tỉnh lại nên người nhà nghĩ do bệnh lý thần kinh. Các triệu chứng nhập viện trên cũng dễ nhầm lẫn với cơn động kinh, co giật, nhồi máu não, xuất huyết não.
Sau khi loại trừ các bệnh lý thần kinh, bác sĩ chụp mạch vành ghi nhận bệnh nhân bị hẹp nhánh mạch máu chính nuôi tim (động mạch liên thất trước) đến 90% và đoạn mạch gần nhánh mạch này bị mảng xơ vữa che lấp hơn 70%. Đây chính là nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim khiến bệnh nhân tụt huyết áp, thiếu máu não dẫn đến ngất.
"Cơn đau tim chỉ kéo dài khoảng hai phút, nếu lâu hơn, rối loạn nhịp kéo dài, bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao", bác sĩ Minh nói.

Hình ảnh động mạch liên thất trước hẹp 90% (hình A) và sau khi được tái thông (hình B). Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh
BS.CKII Huỳnh Ngọc Long, Giám đốc Trung tâm Can thiệp mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM và ê kíp nhanh chóng đặt stent đường kính 4 mm cho người bệnh để khôi phục dòng máu đến tim. Sau can thiệp, mạch máu tim nở tốt. Bệnh nhân hết đau ngực, khó thở, hệ thần kinh hoạt động tốt, xuất viện sau ba ngày.
Chị Hồng có tiền sử tăng huyết áp, rối loạn lipid máu. Khoảng 2-3 tháng trước khi nhập viện, chị thỉnh thoảng xuất hiện cơn nặng ngực lúc nghỉ (mỗi cơn kéo dài 3-5 phút), cảm giác đè nặng vùng ngực, khó thở.

BS.CKII Huỳnh Ngọc Long (thứ 3 từ trái sang) và ê kíp đặt stent thông mạch máu tim cứu bệnh nhân nhồi máu cơ tim nguy kịch. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh
Nhồi máu cơ tim cấp là tình trạng dòng máu đến cơ tim bị tắc đột ngột gây tổn thương mô cơ tim. Sự tắc nghẽn xảy ra do cục máu đông hình thành trên mảng xơ vữa động mạch vành bị vỡ hay nứt. Người bệnh sẽ có biểu hiện như đau ép ở ngực, có thể lan lên cổ, hàm, sau lưng, kéo dài trên 10 phút; khó thở; vã mồ hôi; mệt mỏi; chóng mặt. Thực tế, ít người bệnh bị ngất như chị Hồng. Nếu không được cấp cứu trong "giờ vàng" (từ một đến ba giờ đầu khởi phát cơn đau ngực), người bệnh có nguy cơ gặp biến chứng rối loạn nhịp tim, suy tim, ngưng tim, vỡ tim...
Bác sĩ Long cho biết, nhồi máu cơ tim cấp có thể phòng ngừa bằng việc tuân thủ chế độ ăn tốt cho tim mạch, có lối sống lành mạnh như tập thể dục đều đặn, giảm stress, bỏ thuốc lá, tránh thừa cân - béo phì, kiểm soát tốt bệnh nền tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu... Người trên 50 tuổi hoặc người trẻ hút thuốc lá, thức khuya, stress, ít vận động... nên kiểm tra sức khỏe tim mạch mỗi 6-12 tháng.
Thu Hà
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.