Tái khám chuẩn bị phẫu thuật chỉnh khớp khối, bác sĩ phát hiện tim bà Ngọc đập nhanh gấp đôi bình thường, không thể mổ. Bà đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM kiểm tra thêm. Kết quả đo nhịp tim cho thấy tim đập nhanh 129 lần mỗi phút (bình thường của người trên 80 tuổi là 78,1 lần một phút).
Ngày 14/12, BS.CKI Võ Trần Nguyên Duy, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, chẩn đoán bà Ngọc mắc bệnh cường giáp (tăng sản xuất hormone tuyến giáp) đã biến chứng suy tim, kèm hẹp mạch vành nhẹ, tăng huyết áp.
Bác sĩ Duy giải thích hormone tuyến giáp có vai trò quan trọng trong trao đổi chất và hoạt động của tim. Cường giáp là tình trạng tuyến giáp tiết nhiều hormone giáp hơn mức cơ thể cần, có thể khiến tim đập nhanh, huyết áp cao, rối loạn nhịp tim, tim làm việc quá nhiều dễ suy tim. Rối loạn nhịp và huyết áp cao cũng khiến hẹp mạch vành gây đau tức ở ngực. Cường giáp là yếu tố dẫn đến bệnh tim nhanh hơn, người bệnh đối diện với nguy cơ cao đột tử nếu không điều trị.
Bà Ngọc được bác sĩ khoa Nội tiết - Đái tháo đường phối hợp Tim mạch điều trị. Sau hai tuần, bà đi lại dễ dàng hơn, tóc giảm gãy rụng, hết tức ngực, khó thở, chuột rút, ngủ ngon hơn. Bà xuất viện với chỉ định tái khám định kỳ, tránh biến chứng lên tim.
Người lớn tuổi mắc bệnh cường giáp dễ bị biến chứng tim mạch như rung nhĩ, tắc động mạch, nhồi máu cơ tim cấp tính, suy tim, huyết khối tĩnh mạch và đột tử, theo bác sĩ Duy. Ngoài tim mạch, cường giáp còn ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa xương làm giảm mật độ khoáng của xương gây loãng xương, xương dễ gãy.
Mọi người, nhất là người lớn tuổi, xuất hiện triệu chứng tim đập nhanh, đau tức ngực, mệt mỏi, chán ăn, sụt cân, thờ ơ, kích động hoặc suy giảm nhận thức, yếu cơ, nôn mửa cần đi khám sớm. Nên khám sức khỏe định kỳ hàng năm ít nhất một lần để tầm soát các bệnh về tuyến giáp, phòng biến chứng nguy hiểm.
Đinh Tiên
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp |