Năm vừa qua bạn thành công hay thất bại? Bạn sẽ tiếp tục công việc hiện tại hay chuyển sang một môi trường mới, thậm chí là một ngành nghề hoàn toàn mới? Đây là nỗi trăn trở của không ít người sau khi nhìn lại một năm lao động vất vả đã qua. Trước thềm năm mới, chắc hẳn ai cũng mong muốn tìm được một câu trả lời chính xác nhất cho chặng đường phía trước của mình. Đặc biệt là những người đang ở độ tuổi 30 - thời điểm chênh vênh giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.
Phần lớn các bạn ở độ tuổi này sẽ nằm trong trường hợp muốn thay đổi việc làm khác trong năm mới sau khi nhận xong lương, thưởng Tết. Tuy nhiên, điều trăn trở là, liệu bản thân bạn có đủ tự tin để đón nhận công việc và thử thách mới? Chúng ta có hiểu rõ những ngành nghề đó, hay chỉ muốn làm vì chúng đang quá "hot" trên thị trường? Tôi cho rằng, có hai yếu tố chính quyết định đến chuyện chuyển việc, đó là lương cao và độ "hot" của ngành.
Một chị bạn của tôi năm nay ngoài 30 tuổi, mới chuyển việc từ ngành kế toán sang một ngành nghề chẳng mấy liên quan là thiết kế. Chị đã bỏ lại phía sau những số liệu thống kê tuổi nghề, những vất vả, để tập trung hoàn toàn vào việc đầu tư cho bản thân với quyết tâm cao nhất. Sau hơn hai năm đi làm, từ một người mới vào ngành, chị đã và đang làm rất tốt công việc mình đang đảm trách. Cộng với tác phong và kinh nghiệm của người đã đi làm lâu năm, chị nhanh chóng xây dựng vững chắc hơn vị trí của mình.
Thực tế, có những chuyên môn, ngành nghề, người ta đo bằng số liệu tuổi nghề rất ngắn. Ví dụ như ngành lập trình viên, thiết kế, các ngành nghề liên quan đến IT, công nghệ 4.0... Càng lớn tuổi, bạn sẽ càng chậm đi, sức khỏe và thời gian không đảm bảo cho những công việc này. Nhưng không phải tất cả. Bạn lớn hơn thế hệ trẻ, mặc dù cơ thể không còn đáp ứng được sự thay đổi nhanh của xã hội, nhưng bạn có kinh nghiệm và sự trưởng thành hơn, trách nhiệm cũng cao hơn trong công việc. Các yếu tố này, sinh viên vừa tốt nghiệp ra trường chưa thể nào đạt được.
>> Lầm tưởng 'người có kinh nghiệm vì làm lâu một chỗ'
Nếu bạn có khả năng, có cố gắng và đủ năng lực thì dù ở độ tuổi bao nhiêu cũng có thể thành công được. Nhưng quan trọng là bất cứ sự thay đổi công việc nào cũng phải dựa vào nhu cầu, mong muốn và thị trường, không phải theo kiểu "đứng núi này, trông núi nọ". Vì luôn tồn tại song song bề nổi và mặt chìm trong tất cả vấn đề của cuộc sống. Không có nơi nào là thiên đường, và cũng không có nơi nào là địa ngục cả.
Vậy, làm thế nào để biết chúng ta có nên chuyển việc hay không? Theo tôi, các bạn cần trả lời những câu hỏi sau:
- Bạn hiểu gì về công việc muốn thay đổi? Điều này sẽ giúp bạn tránh tình trạng nhảy việc liên tục vì nhanh chán và vỡ mộng.
- Lý do bạn muốn từ bỏ công việc cũ là gì? Lương thấp, không có lộ trình thăng tiến, đồng nghiệp thiếu thân thiện hay sếp tồi?
- Tuổi nghề của công việc bạn muốn tiếp cận là bao lâu? Nếu ngành nghề đó chỉ "hot" trong 1-2 năm tới là bão hòa, bạn sẽ phải quay lại vòng lặp nhảy việc như hiện tại.
- Bạn muốn theo công việc đó vì lý do gì? Lương cao hay độ "hot" trên thị trường hay chỉ vì quá chán công việc và môi trường ở công ty cũ? Bạn đã biết hết những góc khuất bên trong công việc mới chưa?
Nếu có thể tìm được câu trả lời rõ ràng cho tất cả những câu hỏi trên, tức là bạn đã sẵn sàng cho một cuộc nhảy việc. Nhưng một khi đã quyết định làm điều đó, bạn cũng cần phải sẵn sàng chấp nhận mọi rủi ro có thể xảy đến. Điều quan trọng nhất là phải chuẩn bị đầy đủ kỹ năng, kiến thức và tâm lý tốt nhất để bước vào một hành trình mới.
>> Tuổi trẻ ổn định, trung niên dễ bấp bênh
Nên nhớ rằng, các đơn vị khác nhau luôn có những quy trình và tính chất công việc không giống nhau, cùng các mối quan hệ đồng nghiệp rất khác. Mọi người hay truyền tai nhau về câu chuyện "shock tâm lý" khi bước chân vào môi trường làm việc mới. Đặc biệt là nhóm người đã có nhiều năm gắn bó với một tổ chức, họ luôn có tâm lý sợ hãi khi phải bước ra khỏi "vùng an toàn" của bản thân. Tất nhiên, nếu bạn có chuyên môn tốt, thì dù 20 tuổi hay 40, 50 tuổi, doanh nghiệp vẫn sẽ trọng dụng. Ngược lại, nếu bạn không thật sự tốt, thì cho dù còn trẻ hay lớn tuổi, chưa có kinh nghiệm hay đã đi làm nhiều năm thì tỷ lệ bị đào thải vẫn sẽ rất cao và nhanh chóng tụt lại phía sau.
Nói chung, tuổi trẻ có sức khỏe và thời gian, cho phép bạn phạm sai lầm, thay đổi công việc liên tục để trải nghiệm và va chạm nhiều môi trường hơn. Nhưng khi lớn hơn một chút, ở độ tuổi ngoài 30 tuổi, bạn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nếu muốn chuyển ngành, chuyển việc, vì thời gian của bạn không có nhiều. Khi có gia đình, cuộc sống của bạn cần sự ổn định hơn là thay đổi liên tục như các bạn trẻ. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc người trẻ tuổi dễ xin việc và sẽ thành công khi chuyển nghề hơn. Có thể ngoài 30 tuổi, bạn khó khăn hơn thế hệ trẻ về thời gian và sức khỏe, nhưng bù lại sẽ có nhiều hơn sự va vấp, trải nghiệm, có kiến thức nền và đã có chút tiền tiết kiệm.
Năm mới không phải là sự biện minh, cho phép bạn được thay đổi. Mỗi cá nhân chúng ta, đều hy vọng khi bước vào năm mới sẽ có nhiều thành công hơn, học hành giỏi hơn, công việc ổn định và phát triển với mức thu nhập tốt hơn năm cũ. Thay đổi hay không là cho bản thân mỗi người tự quyết định sau khi đã suy xét thấu đáo mọi vấn đề. Hãy đặt mục tiêu là sự trưởng thành sau mỗi lần nhảy việc thay vì tham vọng phải thành công ngay. Bởi con người chúng ta chỉ thật sự trưởng thành từ những va vấp, những khó khăn. Không có ai trưởng thành bằng con đường phẳng lỳ cả.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.