(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Một số bạn đề cập đến vấn đề lương tăng định kỳ. Nhưng thực tế, lương ấy không dùng để tăng thu nhập mà để chống trượt giá. Doanh thu của công ty tăng nhưng lợi nhuận không tăng vì mọi chi phí đều tăng do giá cả thị trường thì lương của bạn cũng tăng nhưng thu nhập vẫn không đổi – tức là tăng về con số nhưng giá trị vẫn không đổi. Muốn tăng thu nhập thì con số ấy phải tăng đột biến, gấp 2–3 lần con số cũ mới được.
Công ty chúng tôi công khai bảng lương, công khai cách tính lương đối với từng bộ phận, bao gồm cả CEO. Lương trên hợp đồng lao động gọi là lương "cứng", đồng thời cũng là mức lương tối thiểu. Thu nhập thực tế cao hơn khoản lương "cứng" ấy nhiều vì tính theo doanh thu. Doanh thu tháng nào tăng thì thu nhập tăng, giảm thì thu nhập giảm. Dù giảm đến mức nào cũng không thể thấp hơn lương "cứng". Như vậy, bất kỳ nhân viên nào chỉ cần nhìn vào doanh thu là có thể xác định được tháng này mình hưởng bao nhiêu? Nếu doanh thu tăng đều đặn liên tiếp 5 năm thì toàn công ty ký lại hợp đồng lao động với mức lương "cứng" tương ứng với doanh thu của năm thứ ba.
Có những công ty minh bạch lương thưởng, có công ty không. Không minh bạch thì ta phải nhảy việc ngay từ đầu chứ đâu phải đợi đến cả chục năm mới chịu nhảy? Tôi không phản đối nhảy việc nhưng phải có mục đích. Nhân viên mới lương cao hơn nhân viên cũ đủ biết tổ chức nhân sự của công ty này rất tệ, không khuyến khích người ta gắn bó. Bạn đợi đến cả chục năm mới nhảy việc thì có khác gì "tự nhốt" chính mình?
>> Khó tăng lương vì 40 tuổi vẫn là nhân viên mới
Nếu là người có hiểu biết, khi phỏng vấn xin việc, bạn phải hỏi chế độ lương thưởng ngay. Công khai minh bạch thì không cần thỏa thuận lương còn không thì dù có thỏa thuận thành công cũng chỉ được mức lương to nhất thời, người ta sẽ cố tình "quên" không tăng lương cho bạn khiến cho mức lương ấy ngày càng thấp đi theo sự trượt giá. Với môi trường như vậy, mấy chục năm làm việc, chúng tôi chưa bao giờ để ý chuyện lương bổng mà chỉ lo làm việc, cạnh tranh lẫn nhau để trèo lên chức cao hơn (cứ thăng lên một cấp là lương "cứng" tăng gấp đôi).
Ai cũng làm tốt thì làm sao đánh giá ai giỏi hơn ai? Thành tích của bạn sẽ được lưu vào hồ sơ của bộ phận. Khi có cơ hội đề bạt, người ta sẽ đem thành tích của từng người ra công khai để mọi người tự so sánh với nhau, tâm phục khẩu phục, khỏi có lời ra tiếng vào là đề bạt không công bằng. Sau đó, cấp trên ký quyết định bổ nhiệm cấp dưới chỉ là vấn đề thủ tục. Bởi vậy, lương nhân viên càng cao thì mặt mũi ông chủ càng "nở" ra vì lợi nhuận chảy vào túi cũng lớn hơn (chỉ cần nhìn doanh thu là mọi người đều biết ổng được bao nhiêu).
>> Sếp từ chối tăng lương vì tôi là nhân viên mới
Trong công ty, cấp trên (bao gồm cả ông chủ) muốn ra lệnh cho cấp dưới làm gì phải có văn bản giấy trắng mực đen, không có chuyện ra lệnh miệng, "khẩu thuyết vô bằng". Cấp trên phải chịu trách nhiệm về mệnh lệnh, quyết định đó, cấp dười chỉ chịu trách nhiệm thi hành. Nhân viên thi hành đúng nhưng ra kết quả sai tức là mệnh lệnh sai thì cấp trên phải chịu trách nhiệm, không chối quanh đổ thừa đi đâu được. Bởi vậy, dù là CEO vẫn bị sa thải chứ không chỉ nhân viên cấp thấp.
Ông chủ là người tìm kiếm đơn hàng cho công ty. Dăm ba tuần ông lại ném ra một mệnh lệnh: "chúng ta nhận được đơn hàng lớn, thời gian giao hàng khá gấp, các anh xem có làm được không?". Tất nhiên là không có chuyện làm được hay không, làm không được cũng phải làm cho được. Không làm được thì người đặt hàng sẽ tìm công ty khác, mất mối. Làm được thì họ trở thành đối tác lớn thường xuyên của công ty. Để làm những đơn hàng này thì mọi kế hoạch nghỉ phép, thăm thân, chăm sóc gia đình, học thêm kỹ năng... của mọi người đều bị hủy hoặc hoãn lại cho đến khi làm xong. Tăng ca, làm thêm giờ là bình thường. Tuy thu nhập tăng nhưng rất mệt mỏi vì không đủ thời gian nghỉ ngơi hồi phục sức lực.
>> Muốn lương cao đừng ngại nhảy việc
Môi trường làm việc tốt cũng đồng nghĩa với áp lực công việc lớn là như thế. Chẳng có nơi nào môi trường làm việc tốt, lương cao mà nhân viên chỉ ngồi chơi xơi nước cả ngày. Có những công ty doanh thu cao mà lương vẫn thấp? Vì người ta tăng cường tuyển người dẫn đến áp lực công việc giảm. Quỹ lương theo doanh thu, nhiều người thì lương thấp.
Quan niệm của ông chủ công ty tôi là chỉ cần "tinh binh" không cần một đám "ô hợp", tuyển thêm người là chuyện bất đắc dĩ, khi số người hiện có xuất hiện dấu hiệu quá tải, không cáng đáng hết công việc. Lương cao thì sức lực cũng bị vắt kiệt chứ người ta đâu có trả lương cao để mình "cà kê". 10 người được tuyển, sau một thời gian chỉ còn một, hai người trụ lại được vì không chịu đựng nổi áp lực công việc căng thẳng. Những người trụ lại được là những người biết lên kế hoạch làm việc, tính toán chi ly thời gian. Những người làm việc tùy tiện, đụng đâu làm đó thường không trụ nổi.
Nếu bạn thích công việc lương cao, áp lực lớn thì nên nhảy việc tìm kiếm môi trường như thế. Còn nếu bạn có thu nhập ngoài kha khá, muốn công việc nhàn hạ "sáng cắp ô, đi tối cắp ô về" thì cứ thoải mái "tự nhốt mình" trong những công ty thiếu hệ thống quản lý chặt chẽ.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Lâm