Phản biện lại quan điểm của tác giả bài viết "'Bệnh nan y' khiến nhân viên Việt lương thấp", độc giả Thánh Tuệ đặt câu hỏi ngược lại: "'Thế nào là làm việc chuyên nghiệp?' - có lẽ đây là câu hỏi nhiều nhà tuyển dụng hỏi đầu tiên với các ứng viên của mình. Chuyên nghiệp là chuyên tâm vào nghề nghiệp, công việc. Mục đích của sự chuyên nghiệp là nhằm tạo ra sự hoàn chỉnh, chất lượng, hiệu quả và tin cậy, những điều đó chỉ có được khi tất cả các chi tiết dù là nhỏ nhất đều phải được thiết lập đồng bộ, nhất quán, hợp lý. Đó là một nhân viên chuyên nghiệp. Nhưng thế nào là một nhà tuyển dụng chuyên nghiệp?
Tôi không bao giờ có ý định làm việc cho bất kỳ công ty nào mà bộ phận tuyển dụng thiếu chuyên nghiệp, khi mà họ đưa ra mức lương ứng tuyển một đằng (cao) nhưng sau đó lúc ký hợp đồng lại một nẻo (ép xuống). Tôi cũng từng bỏ công ty cũ vì lý do sếp là người thiếu chuyên nghiệp. Họ nói tăng lương cho tôi nhưng lại để tôi chờ đợi quá lâu, và tăng không đúng như những gì họ hứa hẹn (nói tăng 8 triệu nhưng thực tế chỉ 400 nghìn đồng). Thậm chí, sếp cũ của tôi nói thẳng 'không tăng lương' ngay trước mặt tôi trong kỳ team building. Tôi cũng rất dị ứng với kiểu sếp 'nổ' đặc biệt là thưởng cho nhân viên rất hoành tráng như là nhân viên xuất sắc, rookie... nhưng phần thưởng chỉ là 300 nghìn, 500 nghìn...".
Đồng quan điểm, bạn đọc Anhvongoc.quinhon cho rằng: "Vấn đề gì cũng có hai mặt. Chủ và nhân viên đều cần có sự tương tác lẫn nhau. Hãy nhìn vào các công ty nước ngoài và cách họ tuyển dụng: trả lương cao xứng đáng, công bằng, quan tâm người lao động... Vì vậy, khi họ tuyển dụng, có khối người mơ ước được vào làm việc. Còn các doanh nghiệp của ta thì phần nhiều ngược lại: gia đình trị, ưu ái anh em, bà con họ hàng, làm việc không rõ ràng, công việc cá nhân lẫn lộn với việc chung, lương trả thấp hơn mặt bằng chung, coi thường người lao động... Vậy nên cần phải xem xét lại: công ty không tuyển được người lao động tâm huyết phải xem lại chính mình. Người lao động nhảy việc liên tục nhưng nếu thất nghiệp hoặc không có ai trọng dụng thì cũng phải tự xem lại mình. Đó là quy luật cung cầu".
Cùng chung nhận định về mối quan hệ và trách nhiệm của cả nhân viên và doanh nghiệp, độc giả Natuan66 nhấn mạnh: "Không phải lúc nào lỗi cũng do nhân viên. Có những công ty chủ không nói ra nhưng ngầm chỉ đạo là siết chi phí lương, làm một thời gian ai không chịu được thì cho nghỉ, tuyển người khác. Cách để họ không tăng lương là giao KPI thật cao, cho dù làm cỡ nào cũng không đạt, nên sẽ không có cớ đòi tăng lương... Nói chung, đi làm thuê, bạn phải chấp nhận những điều đó. Nếu giỏi, bạn có thể xin chỗ khác tốt hơn (nhưng số này rất ít, chỉ có các tập đoàn lớn mới đáp ứng được), còn nếu bạn dở thì sẽ phải chịu sự bất công".
>> Theo bạn, chuyện nhảy việc nhiều là do nhân viên hay tổ chức? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.