Chia sẻ với câu chuyện "Thấy mình vô dụng khi 33 tuổi vẫn chưa có việc ổn định", nhiều độc giả VnExpress cho rằng, việc làm một chỗ quá lâu dế khiến nhiều người rơi vào trạng thái ì, mất phương hướng khi gặp biến cố:
Làm một công việc quá lâu, người ta thường chủ quan, không còn cải thiện bản thân, lười biếng hơn, không còn nỗ lực, sáng tạo, không còn chấp nhận thua thiệt. Tôi phải thay đổi lối suy nghĩ đã theo lối mòn của mình, viết ra những gì mà tôi đã đánh mất là sự hăng hái, ham học hỏi và tư duy xây dựng quy trình làm việc đạt hiệu quả cao.
Làm thuê hay làm chủ đều có thể mất việc bất cứ lúc nào. Vốn dĩ chẳng có chữ ổn định nào trong công việc cả. Có chăng là lâu và nhanh thôi. Mọi thứ có thể ập đến bất cứ lúc nào. Bạn nên chấp nhận điều đó để hướng tới cái khác. Tự tin để tìm thêm công việc khác thay vì chấp nhận đi làm chỗ mới lương thấp, xa, áp lực. Tôi biết cảm giác của nhiều bạn làm một chỗ quá lâu và quen kiểu làm việc không áp lực, nhẹ nhàng rồi nên giờ đúng cái mất việc dễ bị mất phương hướng.
Tôi nghĩ về hai chữ "ổn định" theo một cách khác. Với tôi, "ổn định" là có đủ năng lực để quăng đâu cũng làm được, hoàn cảnh nào cũng thích nghi được. Bạn nên rút kinh nghiệm từ chuyện mất việc và cố gắng đừng lập lại sai lầm, chứ dằn vặt bản thân chỉ làm bản thân mình mệt mỏi thêm.
Tôi làm 10 năm tại một công ty, lương từ 5 triệu, 9 triệu, 12 triệu, 20 triệu và giờ là 28 triệu từ năm 2018 đến nay. 10 năm qua, tôi đã làm ở rất nhiều vị trí, phòng ban, trải qua rất nhiều áp lực, đến giờ đã tích lũy rất nhiều kinh nghiệm các ngành nghề, nhưng tôi lại suy nghĩ về việc nhảy việc. Tôi biết việc này sẽ rủi ro, vì tôi cũng đã 36 tuổi, nhưng tôi cần sự thay đổi. Có thể làm quá lâu một nơi khiến tôi cảm thấy nhàm chán.
Nếu ai có ý chí cầu tiến và cảm thấy chỗ hiện tại chưa đáp ứng được mình thì hãy can đảm nhảy việc (với điều kiện phải biết giá trị bản thân nằm ở mức nào). Mỗi một vị trí mới, ở môi trường mới, sẽ cần một lượng kiến thức mới và đó là cách để hoàn thiện nghề của mình.
>>Trung niên khó xin việc vì 'cái tôi lớn, sức ỳ cao'
Và quan trọng hơn là mỗi nghề sẽ có một độ tuổi để thay đổi về lượng và chất, nếu tới độ tuổi đó, bản thân vẫn không thay đổi được thì sẽ rất khó để đứng ở vị trí cao của nghề.
1. Người được cọ sát trong 5 môi trường (năm lần nhảy việc) sẽ nhạy bén, tiếp cận và giải quyết vấn đề tốt hơn. Họ tích lũy kinh nghiệm qua mỗi môi trường, vì vậy, ở họ có tính linh hoạt. Mỗi lần thay đổi công việc họ sẽ nạp lại kiến thức, hiểu biết để chuẩn bị cho việc thay đổi.
2. Tôi cho rằng người làm 20 năm cho một công ty là người khó thích nghi vs sự thay đổi và không dám bước ra khỏi vùng an toàn. Tôi từng biết một chị làm 12 năm cho một công ty, và càng ngày càng ì ạch vì làm quen một chỗ. Khi có biến cố, phải thay đổi công việc, họ sẽ khó thích nghi và đuổi kịp.
Bản thân tôi qua bốn lần thay đổi công việc, học được nhiều thứ từ các môi trường khác nhau đó, và tất nhiên, lương cũng tăng đột biến ít nhất 30%/ lần nhảy việc.
Lê Phạm tổng hợp
>> Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.