VnExpress - Bao tieng Viet nhieu nguoi xem nhat

Thứ hai, 3/6/2024
Y học thể thao - vận động: Điều trị bệnh lý cơ xương khớp...
Đinh Thị Huyền Cơ, 32 tuổi, Liên Phường, Phước Long B, Q9

Em có bé gái khi ở 32 tuần bị vỡ ối, nằm dưỡng tại bệnh viện đến 34 tuần thì phải phẫu thuật lấy bé. Bé lúc sinh được 2,8 kg, dài 54 cm. Hiện tại bé được 20 tháng, nặng 12 kg, cao 83 cm, bé biết đi lúc 15 m.
Vấn đề 1: hiện tại bé đi vẫn chưa được cứng cáp như ...

BS Nguyễn Văn Quang

Chào chị,

Bé gái nhà chị sinh ở lúc 34 tuần như vậy là bé sinh non. Hiện tại, cháu 20 tháng tuổi, cân nặng 12 kg, cao 83 cm, theo bảng chiều cao và cân nặng chuẩn với trẻ 20 tháng của WHO thì cháu phát triển đạt chuẩn.

Vấn đề một: Câu hỏi này của chị có thể chia làm hai ý:

- Thứ nhất: Bé 20 tháng tuổi mà bé đi chưa vững so với các bé khác. Mỗi bé sẽ khác nhau một chút về thời điểm biết đi, thông thường bé sẽ tập đi trong giai đoạn 12-18 tháng và sẽ hoàn thiện kỹ năng đi vững tới lúc 3 tuổi.

Bé nhà chị 20 tháng tuổi, đã biết đi ở tháng thứ 15 nhưng đi chưa vững so với trẻ khác thì chị đừng nên quá lo lắng, vì bé vẫn trong giai đoạn hoàn thiện kỹ năng đi vững. Có thể bé có tiền sử sinh non nên bị thiệt thòi hơn các trẻ sinh đủ tháng khác. Mọi cơ quan trong cơ thể bé còn chưa phát triển toàn diện, trong đó có hệ vận động nên bé chậm hơn các bé khác.

Thứ hai: Bé nhà chị đi được vài bước lại nhón gót đi bằng các đầu ngón chân. Trẻ đi nhón chân hay còn được gọi là trẻ đi nhón gót, là hiện tượng trẻ đi bằng đầu ngón chân hoặc phần trước của gan bàn chân khi di chuyển. Theo nghiên cứu, tật đi nhón gót hay gặp ở trẻ trong giai đoạn tập đi, tức là dưới hai tuổi.

Chị nên đưa trẻ đi khám khi sau hai tuổi nếu trẻ vẫn đi nhón gót. Chị cũng nên theo dõi xem bé chỉ đi nhón gót lúc tập đi hay còn xuất hiện thường xuyên trong những sinh hoạt hàng ngày khác của trẻ. Nguyên nhân do lúc này các gân cơ ở bắp chân (cẳng chân) của trẻ đã bắt đầu bị co rút và ngắn hơn bình thường, khiến cho gót chân bị nhón lên và trẻ không thể đặt chán xuống đất.

Vấn đề thứ hai: Theo như chị mô tả, hai con ngươi của bé lệch vào trong mà không ở giữa mắt như người bình thường. Bé lại có tiền sử đẻ non. Vì vậy, tôi đang nghĩ tới trường hợp trẻ bị lác mắt trong. Một số triệu chứng khác của trẻ bị lác mắt như thường nhìn lệch, nhìn nghiêng hoặc quay đầu mới nhìn thấy đồ vật bên cạnh.

Tuy nhiên, vì các triệu chứng chị cung cấp chưa đầy đủ và không rõ ràng, vì vậy để xác định rõ tình trạng mắt của bé, chị cần cho cháu đi khám sớm để được thăm khám kỹ hơn.

Cảm ơn chị.

Y học thể thao - vận động: Điều trị bệnh lý cơ xương khớp...
Nguyễn Việt anh, 43 tuổi, Nguyễn Kiệm, P3, Gò Vấp

Năm nay em 43 tuổi. Thời gian gần đây em hay bị đau đầu gối phải. Đầu gối khi co hay gập lại phát ra tiếng kêu lục cục. Bác sĩ cho hỏi em bị bệnh gì và nên đi khám ở đâu? Cảm ơn bác sĩ nhiều!

ThS.BS Phạm Thanh Nghị

Chào bạn,

Đau đầu gối có rất nhiều nguyên nhân như hoạt động quá tải, mòn khớp chè đùi, tổn thương sụn, thoái hóa khớp. Vì vậy, bạn nên đến khám và có thể cần đến hình ảnh cận lâm sàng tại các chuyên khoa chấn thương chỉnh hình để được thăm khám và chẩn đoán chính xác.

Cảm ơn bạn.

Trẻ em: Béo phì/Biếng ăn/Tăng chiều cao/Phát triển trí não/Tăng sức đề kháng
ĐV Chương, 36 tuổi, Nha Trang

Em có một bé trai sinh 4/2015. Bé sinh 3,6 kg, đến nay bé nặng 21 kg, cao 113 cm, tuy nhiên còn nói rất ngọng, nhiều câu từ bé nói đến mức bố mẹ cũng không hiểu được. Từ lúc sinh ra đến 6 tháng tuổi bé phát triển bình thường, nhưng từ tháng thứ 7 đến tháng thứ 48 bé chậm tăng cân, ...

TS.BS Đào Thị Yến Phi

Chào bạn,

Bé nhà bạn hiện được năm tuổi bốn tháng. Với cân nặng và chiều cao của bé, bé đang phát triển trong khoảng chuẩn bình thường. Tuy nhiên, việc nói ngọng của bé ở tuổi này là bất thường. Nói ngọng là hiện tượng ngôn ngữ bị rối loạn. Ngôn ngữ của trẻ hình thành dựa trên cơ sở các phản xạ có điều kiện. Ngôn ngữ được hình thành từ những tác động của các yếu tố môi trường bên ngoài kích thích vào thính giác. Nói ngọng gặp phổ biến ở trẻ nhỏ, nhiều người lớn cũng bị mắc chứng này.

Có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau mà dẫn đến tình trạng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ, đặc biệt là nói ngọng như do cấu tạo của thính giác khiến trẻ nghe kém, không nghe rõ, không nghe được, vì vậy không đủ vốn từ để sử dụng hay sử dụng nhưng sử dụng sai lệch (do nghe sai) vì vậy mà bị ngọng; ngậm núm vú giả thường xuyên cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nói ngọng.

Nghe có vẻ vô lý nhưng nhiều nhà khoa học đã chứng minh, khi cho trẻ ngậm núm vú giả nhiều, liên tục sẽ dẫn đến tình trạng lưỡi bị thè ra ngoài nên theo thói quen, khi phát âm lưỡi trẻ thường đưa ra ngoài khiến âm phát ra bị chệch đi. Rối loạn hành vi cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến rối loạn âm thanh. Khi chơi xem tivi, điện thoại, chơi game quá nhiều, trẻ học ngôn ngữ nhìn nói mà không theo các thông thường là nghe - nói, khiến thính giác không được kích thích gây rối loạn phát âm và hay cáu bẳn.

Cách chữa nói ngọng cho trẻ sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân, chính vì vậy quan trọng nhất khi chữa nói ngọng cho trẻ là tìm ra lý do gây ra tình trạng này. Trẻ nghe kém, phát âm có vấn đề hay bất thường ở tai mũi họng hoặc gia đình có người nói ngọng, do xem tivi quá nhiều... Bạn có thể đưa bé đến các bác sĩ chuyên khoa Nhi để được thăm khám và tìm nguyên nhân chính xác nhé.

Cảm ơn bạn.

Xét nghiệm: Sữa mẹ/Vi chất dinh dưỡng/Vitamin A, D, E, B...
Trịnh Mai Phương, 32 tuổi, Hà Đông, Hà Nội

Bé nhà em năm nay gần 4 tuổi, móng tay bé yếu và hay tự bị bóc ra. Bé ăn uống bình thường, không ăn rau. Bác sĩ cho hỏi cháu bị thiếu chất gì và bổ sung như nào? Em xin cảm ơn.

TS.BS Đào Thị Yến Phi

Chào bạn,

Tình trạng móng tay bị yếu và tự bóc ra có thể do bệnh lý ở móng, tuy nhiên cũng có thể do tình trạng thiếu hụt một số vi chất. Vì vậy bạn có thể đưa trẻ đến bác sĩ để được thăm khám và điều trị một cách toàn diện và khoa học nhất.

Cảm ơn bạn.

Trẻ em: Béo phì/Biếng ăn/Tăng chiều cao/Phát triển trí não/Tăng sức đề kháng
Già làng, 60 tuổi, Mỹ Đinh 1, Nam Từ Liêm

Cháu gái tôi 2,5 tuổi, cân nặng chỉ 9 kg, biếng ăn. Khi mới sinh 2,95 kg, 48 cm. Giải pháp đơn giản và hiệu quả nhất là gì? Mong bác sĩ tư vấn ạ.

TS.BS Đào Thị Yến Phi

Chào bác,

Rất tiếc bác không cung cấp thông tin về chiều cao của bé để bác sĩ đánh giá chính xác tình trạng dinh dưỡng. Tuy nhiên với cân nặng như trên, rất có thể em bé đã bị suy dinh dưỡng, cần đi khám ngay tại cơ sở dinh dưỡng để bác sĩ tìm nguyên nhân và có hướng điều trị kịp thời.

Tình trạng suy dinh dưỡng và biếng ăn có nhiều nguyên nhân liên quan đến khẩu phần ăn chưa hợp lý, cho ăn sai cách, sự thiếu hụt vi chất quan trọng liên quan đến tăng trưởng và cảm giác ngon miệng, chế độ sinh hoạt vận động không đúng... Việc điều trị cho tình trạng của em bé suy dinh dưỡng biếng ăn không hề đơn giản và nhanh chóng. Bên cạnh toa thuốc của bác sĩ, còn cần có sự kiên nhẫn phối hợp của gia đình.

Với trường hợp của bé nhà mình, bác có thể đưa con đi khám ở Trung tâm Dinh dưỡng - Y học Vận động Nutrihome để được đánh giá xem khẩu phần ăn của bé đã đầy đủ chưa. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ kiểm tra những nguyên nhân thực thể hoặc tâm lý dẫn đến tình trạng biếng ăn của trẻ. Tùy nguyên nhân, bác sĩ sẽ cho toa dinh dưỡng, chế độ ăn phù hợp nhất để cải thiện tình trạng. Đồng thời, bác sĩ có thể kê thêm thực phẩm chức năng, sữa hỗ trợ cho bé.

Cảm ơn bác.
Trẻ em: Béo phì/Biếng ăn/Tăng chiều cao/Phát triển trí não/Tăng sức đề kháng
Hồ Kiều Anh, 28 tuổi, Bùi Dương Lịch, P.Bình Hưng Hoà B, Q.Bình Tân

Con em là bé trai, sinh ngày 20/9/2019, lúc mới sinh nặng 2,7 kg. Hiện tại bé gần một tuổi rồi, nặng 9 kg, dài 74,5 cm. Tình trạng bé ăn thô rất kém. Cứ ăn gì vào mà cợm xíu là ói. Bé chỉ ăn cháo ray. Còn không ray là bé sẽ ói. Có lúc không ăn gì mà bé vẫn nhợn ói. ...

PGS.TS.BS Lê Bạch Mai

Chào bạn,

Bé nhà mình hiện chiều dài và cân nặng hiện trong mức bình thường so với các bạn cùng tuổi cùng giới. Bé ăn thô hay ói nhưng ăn cháo rây được thì có thể vấn đề nhai thức ăn của bé chưa tốt, có thể bé có vấn đề về răng miệng hoặc vấn đề về đường tiêu hóa. Bác sĩ cần thăm khám và có thể làm thêm một số xét nghiệm để có chẩn đoán và điều trị phù hợp. Ngoài ra bác sĩ cần đánh giá lại khẩu phần ăn của trẻ, cách chế biến, hương vị... có phù hợp với trẻ không. Sau đó, bác sĩ sẽ có những hướng dẫn thực hành dinh dưỡng hợp lý cho mẹ, đồng thời sẽ có những biện pháp tư vấn tâm lý cho trẻ để cải thiện tình trạng này.

Cảm ơn bạn.

Người lớn: Giảm cân/Tăng cân/Tăng cơ giảm mỡ/Tăng sức đề kháng/Chống lão hoá
Đỗ Đình Hoàn, 59 tuổi, PBC, Q.Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng

Tôi năm nay 59 tuổi, cân nặng 56 kg, cao 1,69 m. Tôi muốn tư vấn về chế đo dinh dưỡng và vận động để làm sao tăng cân trở lại mức 59-60 kg như trước đây 4-5 tháng ạ. Xin cám ơn.

BS CKI Phạm Mạnh Hoàn

Chào bác,

Việc bác sụt cân trong bốn đến năm tháng vừa qua có thể là nguyên nhân của khẩu phần dinh dưỡng không phù hợp nhưng cũng có thể là biểu hiện của một số bệnh lý thực thể.

Thế nên trước hết, bác cần đi khám tại chuyên khoa nội để tầm soát phát hiện các nguyên nhân bệnh lý có thể gây nên tình trạng sụt cân của bác. Dựa trên kết quả này, các bác sĩ dinh dưỡng sẽ xây dựng liệu trình dinh dưỡng - vận động phù hợp với tình trạng sức khỏe của bác, giúp bác lấy lại cân nặng đã mất trong các tháng qua.

Cảm ơn bác.

Nuôi con bằng sữa mẹ: Xét nghiệm sữa mẹ/Kích sữa mẹ/Tăng chất lượng sữa mẹ
Cù Thị Phương, 38 tuổi, Kinh Môn, Hải Dương

Bé nhà em được ba tuần tuổi, do không có sữa, bé được uống hoàn toàn bằng sữa ngoài, hiện tại đi ngoài hay bị táo bón, em đã thay đổi sữa có đặc tính mát hơn nhưng không thay đổi được tình trạng táo bón, xin cho em hỏi em muốn cải thiện tình trạng đi ngoài táo bón có giải pháp gì ạ? ...

PGS.TS.BS Lê Bạch Mai

Chào bạn,

Tình trạng táo bón của bé như thế nào bạn có thể nói rõ hơn không ạ. Nếu bé đi ngoài phải rặn nhiều, đi cầu khó chịu, hơn ba ngày không đi cầu, bụng chướng, quấy khóc, tiền sử có chậm đi cầu phân su thì gia đình nên cho bé đi khám để xác định nguyên nhân.

Nếu loại trừ các nguyên nhân bệnh lý thực thể, bạn cố gắng cho con bú sữa mẹ. Vì sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bú sữa mẹ giúp trẻ dễ đi cầu hơn, chống táo bón, ngoài ra sữa mẹ chứa nhiều dưỡng chất dễ hấp thu. Vì tình trạng của bạn không có sữa nên bạn có thể đến với trung tâm dinh dưỡng và y học vận động Nutrihome để được tư vấn tăng cường sữa mẹ.

Cảm ơn bạn.

Y học thể thao - vận động: Điều trị bệnh lý cơ xương khớp...
Nguyễn Thanh Vương, 26 tuổi, Xuyên Mộc, Bà Rịa Vũng Tàu

Em 26 tuổi, bị tật bẩm sinh hai chân. Em vẫn đi được nhưng khá yếu. Bác sĩ cho em hỏi chân có thể phẩu thuật chỉnh hình hay tập vật lý trị liệu ạ. Em có được phẫu thuật một lần rồi ạ. Xong em bị tai nạn xe giờ bị tật lại luôn ạ.

ThS.BS Nguyễn Thụy Song Hà

Chào em,

Thật khó để trả lời trường hợp của em. Vì chúng tôi không biết em bị tật như thế nào, đã phẫu thuật gì? Tai nạn xe như thế nào? Vì vậy, em cần đến trung tâm chuyên về chấn thương chỉnh hình để được thăm khám và tư vấn cho em kỹ càng.

Thân mến.

Người lớn: Giảm cân/Tăng cân/Tăng cơ giảm mỡ/Tăng sức đề kháng/Chống lão hoá
Nguyễn Văn Bảo, 26 tuổi, Quảng Bình

Em là nam năm nay 25 tuổi, cao 1,77 m, nặng 49 kg hiện tại em ăn uống rất nhiều nhưng người em vẫn ốm không tăng cân đôi khi còn giảm sụt 1-2 kg, chế độ dinh dưỡng em ăn uống tất cả không kiêng gì, tình trạng em không mắc bệnh gì, nhờ các bác giúp đỡ em có thể tăng cân lên ...

BS CKI Phạm Mạnh Hoàn

Chào bạn,

Với biểu hiện ăn nhiều nhưng vẫn sụt cân của bạn, bác sĩ khuyên bạn cần đi khám chuyên khoa ngay vì đó có thể là biểu hiện của các bệnh lý nội tiết (cường giáp, đái tháo đường...) hoặc các bệnh lý như lao, ung thư hoặc một số bệnh ác tính khác.

Sau khi đã loại trừ các bệnh lý thực thể, nguyên nhân dinh dưỡng mới được đặt ra. Lúc này, bạn có thể đi khám tại cơ sở dinh dưỡng để các bác sĩ tìm nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp.

Cảm ơn bạn.

Y học thể thao - vận động: Điều trị bệnh lý cơ xương khớp...
Phạm Thị Diệu Huyền, 35 tuổi, TP.HCM

Bé trai nhà tôi được 5 tuổi, nặng 17 kg, cao 95 cm. Thi thoảng bé hay kêu đau tay hoặc chân, và cần người bóp. Bé không bị té ngã. Xin nói thêm, ngày nhỏ tôi cũng bị đau tay và chân nhức từ trong xương ra, cần phải có người nắn bóp thì mới đỡ. Đi khám thì bác sĩ kêu là viêm ...

TS.BS Đào Thị Yến Phi

Chào bạn,

Đối với biểu hiện đau nhức tay chân của con bạn có thể là biểu hiện của thiếu canxi, thiếu vitamin D hay còn gọi là còi xương, cũng có thể là biểu hiện của một bệnh lý thực thể toàn thân. Bác sĩ sẽ thăm khám tìm nguyên nhân và tùy theo tình trạng hiện tại của bé mà tư vấn cho mẹ thực đơn hợp lý. Đồng thời, bác sĩ chỉ định cho bé làm các xét nghiệm vi chất, từ đó đánh giá tình trạng thiếu hụt và có chế độ bổ sung phù hợp.

Cảm ơn bạn.

Người lớn: Giảm cân/Tăng cân/Tăng cơ giảm mỡ/Tăng sức đề kháng/Chống lão hoá
dangminhtruc95, 26 tuổi, Hoài Ân, Bình Định

Em năm nay 26 tuổi, cao 1,68 m, nặng 49,5 kg. Em đang gặp vấn đề về dinh dưỡng, em ăn không ngon, ăn ngũ cốc hay uống sữa thì đau bụng đại tiện liền. Em dễ sút ký, em cảm giác như cơ quan tiêu hoá của em có vấn đề. Em có sổ giun và ăn uống nhiều nhưng vẫn không hấp thụ ...

PGS.TS.BS Cao Thị Thu Hương

Chào bạn,

BMI của bạn là 17,5 đang ở ngưỡng thiếu năng lượng trường diễn (gầy độ một). Về vấn đề ăn ngũ cốc hay uống sữa bị đau bụng, nhiều khả năng bạn đang bị bất dung nạp lactose, hội chứng ruột kích thích, bệnh đại tràng... Bạn cần được thăm khám bởi bác sĩ mới có thể kết luận được.

Để tăng ký, bạn cần phải có chế độ ăn uống hợp lý kết hợp vận động. Năng lượng ăn vào phải lớn hơn năng lượng tiêu hao. Cân đối tỷ lệ đường:đạm:béo là 60%:15%:25%. Bổ sung đủ vitamin và khoáng chất. Ngoài ra cần phối hợp vận động phù hợp với cơ thể để kích thích ăn uống. Bạn cần được tư vấn kỹ hơn với bác sĩ dinh dưỡng để đánh giá khẩu phần, xây dựng thực đơn đồng thời kiểm tra đánh giá các tình trạng gây cản trở việc ăn uống và hấp thu chất dinh dưỡng.

Bên cạnh đó, bạn cần làm các xét nghiệm đánh giá sự thiếu hụt các vitamin và khoáng chất trong một thời gian dài. Bạn cũng cần được hướng dẫn các bài tập vận động phù hợp với cơ thể để kích thích cảm giác ăn uống cũng như phối hợp với chế độ ngủ nghỉ, sinh hoạt làm việc hợp lý.

Nếu còn lo lắng vấn đề này, bạn có thể đến bác sĩ thăm khám để được các bác sĩ tư vấn chi tiết hơn. Cảm ơn bạn.

Người lớn: Giảm cân/Tăng cân/Tăng cơ giảm mỡ/Tăng sức đề kháng/Chống lão hoá
Minh Ngọc, 37 tuổi, Tân An, Long An

Em có hai bé, bé sau 22 tháng, cao 1,5 m, nặng 60 kg, em muốn xin thực đơn giảm cân vì em không có thời gian tập thể dục nhiều được. Em muốn giảm 10 kg trong 6 tháng ạ. Em cảm ơn.

ThS.BS Bùi Ngọc An Pha

Chào bạn,

BMI của bạn là 26,7, đang ở ngưỡng béo phì độ một. Để điều chỉnh cân nặng ở người béo phì là một quá trình đòi hỏi sự hợp tác của cả bác sĩ và bệnh nhân. Đây là một quá trình lâu dài và cần sự kiên trì. Để có thể giám cân, năng lượng ăn vào phải bé hơn năng lượng tiêu hao. Năng lượng tiêu hao bao gồm năng lượng chuyển hóa cơ bản (các hoạt động tiêu hóa thức ăn, hít thở, tuần hoàn máu, sự sống của các tế bào...), năng lượng cho các hoạt động hàng ngày (làm việc, học tập, vận động, chơi thể thao...), ngoài ra còn năng lượng cho bệnh lý (sốt, bỏng...).

Các giá trị này bác sĩ sẽ đánh giá dựa trên các chỉ số cân nặng chiều cao, tỷ lệ cơ, mỡ... tình trạng bệnh lý, mức độ hoạt động. Với năng lượng ăn vào, bác sĩ cần phải phỏng vấn khẩu phần ăn uống thông thường của bạn. Tổng hợp các dữ kiện trên mới ra được con số năng lượng phù hợp cho bạn. Tiếp theo đó, bác sĩ sẽ căn cứ trên tình trạng sức khỏe hiện tại để có thể đưa ra hướng dẫn cụ thể, nếu cần phải xét nghiệm các thông số của máu để đánh giá tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng tiềm ẩn và khả năng thích nghi với chế độ giảm cân.

Thông thường bạn cần phải được ăn uống cân đối các thành phần đạm đường béo theo đúng tỷ lệ dành cho người thừa cân - béo phì. Ăn đa dạng đủ tám nhóm thực phẩm. Bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất. Uống đủ nước. Sau khi đã hiểu được chế độ ăn, bạn bắt đầu phải thiết kế một chương trình vận động phù hợp với tình trạng dinh dưỡng và bệnh lý của bạn, đi kèm với chế độ sinh hoạt và ngủ nghỉ hợp lý.

Tất cả các yếu tố trên từ phía bác sĩ kết hợp với sự tuân thủ điều trị và sự quyết tâm từ người béo phì mới cho ra kết quả tốt được.

Cảm ơn bạn.

Y học thể thao - vận động: Điều trị bệnh lý cơ xương khớp...
Nguyễn Dũng, 55 tuổi, Láng Hạ, Đống đa, Hà Nội

Tôi 55 tuổi nam, cao 1,6 m, nặng 65 kg, tôi bị gút hơn 15 năm nay, trước đây acid uric trong máu của tôi thường cao hơn 540 mmol/L, cách đây 4 năm tôi có uống thuốc và thấy hàm lượng acid Uric trong máu ổn định khoảng 300 mmon/L và không bị đau cấp nữa. Tôi vận động thể thao đều. Nay đầu ...

BS Nguyễn Văn Quang

Chào bạn,

Bạn có nói là hiện tại bạn không còn đau cấp nữa mà vị trí đau là ở đâu? Nếu là ở đầu gối cần xác định rõ xem khớp gối của bạn đã bị ảnh hưởng bởi gout chưa. Leo cầu thang tòa nhà là một hoạt động khá nặng cho đầu gối mà bạn lại có cảm giác "đầu gối lạo xạo, hơi rơ’’.

Để có câu trả lời thấu đáo, chúng tôi cần thăm khám và lượng giá tình trạng khớp gối của bạn, từ đó mới chỉ định phương pháp tập luyện hiệu quả mà không gây tổn thương cho khớp với phương châm tập luyện đúng - đủ - an toàn và hiệu quả.

Cảm ơn bạn.

Trẻ em: Béo phì/Biếng ăn/Tăng chiều cao/Phát triển trí não/Tăng sức đề kháng
Nguyễn Thu Huyền, 40 tuổi, Đặng Thái Thân, quận Hoàn Kiếm, TP Hà nội

Con trai tôi sinh năm 2006, năm nay 14 tuổi, hiện giờ cháu chỉ cao 1,65 m và nặng 57 kg. Vậy cháu có phải là hơi thấp và thừa cân đúng không ạ? Tôi xin cảm ơn các bác sĩ.

ThS.BS Bùi Ngọc An Pha

Chào bạn,

BMI con bạn là 20,9 là đang ở ngưỡng bình thường. Về chiều cao, bác sĩ không rõ con bạn đang ở trong giai đoạn dậy thì như thế nào, nhưng so theo chuẩn là đang ở mức bình thường.

Cảm ơn bạn.

Trẻ em: Béo phì/Biếng ăn/Tăng chiều cao/Phát triển trí não/Tăng sức đề kháng
Trang Phạm, 6 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội

Con gái tôi tròn sáu tuổi. Lúc sinh, cháu nặng 3,1 kg, đủ 40 tuần. Hiện cháu cao 1,04 m và nặng 18,3 kg. Cuối tháng bảy, tôi có cho con đi khám ở bệnh viện vì thấy cháu thấp hơn nhiều so với các bạn cùng trang lứa. Kết quả nồng độ hormone tăng trưởng GH của cháu hơi thấp hơn bình thường một ...

TS.BS Phạm Thị Thu Hương

Chào bạn,

Về trường hợp của con bạn, chuyên sâu về nội tiết nhi. Bác sĩ đề nghị bạn đưa con đến khám và theo dõi tư vấn tại phòng khám nội tiết nhi để có hướng điều trị kịp thời.

Cảm ơn bạn.

Trẻ em: Béo phì/Biếng ăn/Tăng chiều cao/Phát triển trí não/Tăng sức đề kháng
Lê Vân, 29 tuổi, Bình Phước

Em có hai bé gái sinh đôi ngày 15/12/2018. Bé thứ nhất: sinh nặng 2,4 kg, cao 46 cm. Bé thứ hai: sinh nặng 2,4 kg, cao 45 cm. Hiện tại bé được 20 tháng 13 ngày thì:
Bé thứ nhất nặng 9,8 kg, cao 84 cm
Bé thứ hai nặng 10,5 kg, cao 86 cm
Tầm 3-4 tháng gần đây bé chỉ tăng chiều ...

PGS.TS.BS Lê Bạch Mai

Chào bạn,

Hai con đều đang phát triển trong khoảng chuẩn, không bị suy dinh dưỡng, tuy nhiên cân nặng của hai con bị thiếu so với chiều cao.

Việc hai bé chững cân trong ba tháng liên tục là dấu hiệu bất thường. Biểu hiện giật mình khóc đêm, biếng ăn có thể là triệu chứng của sự thiếu hụt các vi chất quan trọng cho sự phát triển của trẻ. Trong trường hợp này, gia đình nên đưa hai con đi khám tại cơ sở dinh dưỡng để các bác sĩ khám, làm xét nghiệm và có biện pháp khắc phục kịp thời.

Bé nên được khám bởi các bác sĩ dinh dưỡng để tầm soát các nguyên nhân của tình trạng kém hấp thu. Bác sĩ sẽ xây dựng chế độ ăn, các bài tập vận động phù hợp nhất cho sự phát triển tối ưu về thể chất và trí não. Do đó, mẹ nên đưa bé đến khám bác sĩ sớm để chấm dứt tình trạng chậm tăng cân của trẻ.

Cảm ơn bạn.

Bệnh mãn tính: Tiểu đường/Cao huyết áp/Bệnh thận/Bệnh gan/Ung thư
Mai Khanh, 38 tuổi, Hải Hậu, Nam Định

Tôi cơ địa huyết áp thấp, cân nặng 48 kg. Mỗi ngày tôi uống tầm 1-1,5 lít nước. Tuy nhiên, vào mùa đông thường đi tiểu tiện rất nhiều lần, tầm 8-10 lần trong ngày, 1-2 lần trong đêm. Kết quả siêu âm thận và niệu quản không có gì bất thường. Do sợ nguy cơ bị bệnh thận (đi tiểu tiện nhiều) nên tôi ...

ThS.BS Bùi Ngọc An Pha

Chào bạn,

Về vấn đề đi tiểu nhiều chưa hẳn là bệnh lý cần đánh giá thêm nhiều thứ mới có thể xác định được. Khi thời tiết lạnh cũng sẽ làm cho bạn đi tiểu nhiều lần, để hạn chế tiểu đêm, bạn nên uống ít nước sau 20h.

Để đánh giá tình trạng của thận chúng ta sẽ dựa vào các xét nghiệm chứ không dựa vào triệu chứng của đi tiểu nhiều. Nếu tiểu lắt nhắt có thể đó là bệnh của đường tiết niệu như nhiễm trùng tiểu, sỏi niệu, viêm bàng quan, bàng quang thần kinh... Bạn nên đi kiểm tra lại. Nếu đã được kết luận là hệ thận niệu bình thường thì bạn có thể yên tâm. Về chế độ ăn, mặn nhạt cần dựa vào khẩu phần của bạn và huyết áp cụ thể của bạn mới có thể đưa ra lời khuyên được.

Cảm ơn bạn.

Trẻ em: Béo phì/Biếng ăn/Tăng chiều cao/Phát triển trí não/Tăng sức đề kháng
Lê Quang Vân, 42 tuổi, Long An

Bé nhà nay bốn tuổi nhưng nặng có 12 kg, chiều cao một mét, cháu rất làm biếng ăn, vận động tốt. Làm sao cho cháu ăn ngon và tăng cân? Đi bác sĩ dinh dưỡng cho thuốc bổ uống thì ăn được vài bữa, sau đó trở lại tình trạng cũ. Lúc mới sinh cháu nặng 2,6 kg.

PGS.TS.BS Lê Bạch Mai

Chào bạn,

Với số đo trên, con bạn đang có tình trạng suy dinh dưỡng, cần đi khám ngay tại cơ sở dinh dưỡng để tìm nguyên nhân và có hướng khắc phục kịp thời. Biếng ăn có nhiều nguyên nhân như khẩu phần ăn thiếu cân đối về lượng chất dinh dưỡng, cách cho ăn sai, con thiếu vi chất liên quan đến sự ngon miệng...

Để tìm ra giải pháp, gia đình cần đưa con đi khám tại cơ sở dinh dưỡng uy tín để các bác sĩ thăm khám, làm một số xét nghiệm cần thiết để tìm nguyên nhân và từ đó có cách điều trị phù hợp.

Các loại thuốc bổ có tác dụng bổ sung một số vi chất thiếu hoặc giúp con dễ tiêu hóa hơn. Tuy nhiên, tác dụng này chỉ có trong một thời gian ngắn, nếu tự ý lạm dụng thuốc kéo dài có thể gây nên những ảnh hưởng không tốt lên cơ thể con.

Cảm ơn bạn.

Y học thể thao - vận động: Điều trị bệnh lý cơ xương khớp...
Xuân Thu, 44 tuổi, Bình Dương

Mẹ tôi năm nay 80 tuổi, bà thường xuyên bị đau gót chân trái và mỗi buổi sáng. Đã điều trị viêm gan chân nhiều năm không bớt. Mong được bác sĩ tư vấn. Cảm ơn nhiều.

BS Nguyễn Văn Quang

Chào bạn,

Có thể mẹ bạn bị viêm cân gan chân. Bệnh lý này hay gặp ở người lớn tuổi hoặc những người phải đi lại nhiều. Ngoài việc điều trị bằng thuốc, mẹ bạn cần tránh đi chân đất, ngay cả trong nhà; tránh ăn uống thực phẩm lạnh; xoa bóp lòng bàn chân để kích thích tăng tuần hoàn tại chỗ.

Cảm ơn bạn và chúc mẹ bạn mau bình phục.