Chào các bác sĩ,
Khi bệnh nhân phải đặt thông tiểu, có khi nào bệnh nhân tự giật ống thông hay kkhông? Sẽ xảy ra hiện tượng gì & cách giải quyết?
Xin cảm ơn.
Tôi bi u nang thận trái đã 3 năm nay, nay cảm thấy đau, xin bác sĩ chỉ dùm phẫu thuật có được không và tốn kém bao nhiêu tiền?
Chào bác,
Về nang thận, đầu tiên chúng ta cần nhận định được những đặc điểm của nó như thế nào, từ đó mới có biện pháp can thiệp và điều trị phù hợp. Nang thận có rất nhiều loại. Thứ nhất là nang thận đơn độc (tức là trên thận chỉ xuất hiện duy nhất 1 nang); hoặc có nhiều nang kích thước khác nhau. Một số còn có đặc tính di truyền ở những trường hợp bệnh thận đa nang, tức là có rất nhiều nang trên thận như chùm nho.
Nhận biết đặc điểm của nang thận có vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị. Xác định được nang lành tính hay ác tính có thể dựa trên những bằng chứng về hình ảnh học. Đơn giản nhất có thể dùng siêu âm, nhưng để xác định một cách chính xác rõ ràng hơn thì chúng ta nên chụp CT hoặc cắt lớp vi tính có cản quang để xem nang đó có đặc tính như thế nào (kích thước, vị trí, thành nang, vách nang có chồi trong nang không, dịch trong nang có gì đặc biệt không (trong hay có độ đậm khác biệt). Dựa trên những thông tin đó, chúng ta mới có thể biết được nang đó lành tính hay ác tính, nguy cơ ác tính nhiều hay ít.
Về phương diện điều trị, những trường hợp nang đơn độc lành tính thường không có hoặc hiếm có triệu chứng. Bởi nang thận phải to hoặc có biến chứng như nhiễm trùng, xuất huyết... mới có thể gây đau và cần can thiệp phẫu thuật. Hầu hết các trường hợp bệnh thận đa nang có thể giải quyết triệu chứng, khi nào gây đau mới cần phải phẫu thuật. Đối với nang thận đơn độc nhỏ có thể chọc hút lấy dịch, sau đó bơm những chất gây xơ vào nang. Những nang có nguy cơ ác tính phải điều trị phẫu thuật, bác sĩ thường là cắt một phần hoặc cắt bỏ thận.
Việc điều trị và phẫu thuật như thế nào cần bác phải đến bệnh viện để xác định thêm. Nếu đơn giản nhất là biện pháp chọc hút nang thì sẽ không tốn kém nhiều chi phí. Nhưng khi phải phẫu thuật cắt bỏ nang thì việc điều trị sẽ phức tạp, lâu dài và cần nhiều chi phí hơn. Do đó, bác cần cần cân nhắc và đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được đánh giá chính xác hơn.
Chúc bác nhiều sức khỏe.
Thưa bác sĩ, tôi thường cho con trai tôi tè vào một cái chai thuỷ tinh, thường thì chỉ đổ 1 - 2 lần/ngày vì chai to. Sau một thời gian, tôi thấy xung quanh chai có cặn màu trắng đục, nước tiểu trong, nhạt. Vậy xin hỏi liệu con tôi có bệnh gì liên quan tới thận không ạ, vì cháu cũng rất ...
Chào bạn, TIểu nhiều lần được xem là những trường hợp đi tiểu ít nhất 8 lần/ngày. Ở người bình thường sẽ không đi tiểu vào ban đêm nhiều. Một số người có thể thức dậy 1 lần để đi tiểu. Trường hợp của bạn là đi 1 tiếng 1 lần thì đã có triệu chứng tiểu nhiều lần trong ngày. Về ban đêm, nếu chỉ dậy 1 lần đi tiểu thì vẫn là trong giới hạn sinh lý bình thường.
Tiểu nhiều lần do rất nhiều nguyên nhân. Nhiều trường hợp không phải do bệnh lý đường tiểu mà do một bệnh lý khác gây ra tình trạng này. Khi uống quá nhiều nước cũng có thể dẫn đến việc tạo nước tiểu nhiều, hoặc các loại thuốc gây lợi tiểu cũng khiến lượng nước tiểu tăng lên. Các bệnh lý gây lợi tiểu thẩm thấu như đái tháo đường, tình trạng đái tháo nhạt (do hiện tượng rối loạn hormone kiểm soát cân bằng hấp thu nước) dẫn đến đa niệu và tạo ra lượng nước tiểu nhiều, khiến chúng ta phải đi tiểu nhiều lần. Những nguyên nhân tại đường tiểu có thể kể đến là những bệnh lý đường tiểu dưới như rối loạn thần kinh cơ bàng quang, nhạy cảm niêm mạc bàng quang, viêm bàng quang hoặc sỏi...
Ngoài ra còn có các bệnh lý về tuyến tiền liệt, viêm ống dẫn nước tiểu... tất cả đều có thể liên quan đến tình trạng tiểu nhiều lần. Với trường hợp của bạn, lời khuyên vẫn là nên đến bệnh viện có chuyên khoa tiết niệu để được kiểm tra, tìm ra nguyên nhân do đâu gây nên tình trạng đi tiểu nhiều lần, từ đó có những biện pháp điều trị phù hợp. Chúc bạn nhiều sức khỏe!
Nếu còn bất kỳ thắc mắc gì, bạn có thể gọi tổng đài của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để đặt lịch khám trực tiếp với bác sĩ. Liên hệ Hotline Hà Nội: 1800 6858, TP.HCM: 0287 102 6789 để được hỗ trợ. Trân trọng!
Chào bạn, Bạn bị sỏi thận cách đây 6 tháng và bây giờ cảm thấy đau vùng bụng bên trái, lan xuống bẹn thì có khả năng sỏi đã di chuyển từ thận xuống, kẹt trong ống dẫn nước tiểu (niệu quản) khiến nước tiểu không xuống được đường bài tiết nên thận bị căng ra, gây đau. Hơn nữa, bài thuốc chữa sỏi dân gian bạn đang dùng được khuyến cáo là chưa mang lại hiệu quả chắc chắn, rất dễ gây ra tác dụng phụ nếu thuốc không phù hợp.
Bạn cần đến BVĐK Tâm Anh để bác sĩ kiểm tra xem có đúng là sỏi đang bị kẹt hay không, thận có bị ứ nước hay không. Đối với trường hợp sỏi nhỏ và mức độ tắc nghẽn không nhiều, không có biến chứng nhiễm trùng hay suy thận, có thể điều trị nội khoa như dùng thuốc giảm đau, thuốc hỗ trợ tống xuất sỏi. Nếu điều trị nội khoa không mang lại hiệu quả thì cần phải tiến hành phẫu thuật lấy sỏi để để tránh tổn thương, dẫn đến suy thận. Chúc bạn nhiều sức khỏe.
Chào bạn, Trước tiên chúng ta phải xem xét tình trạng tiểu đêm của bạn như thế nào. Theo thông tin bạn cung cấp, mỗi đêm bạn chỉ đi tiểu 1 lần. Tình trạng tiểu đêm ít như thế thường không gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Và nếu mà không ảnh hưởng gì đến sinh hoạt hàng ngày, không gây mất ngủ, không gây mệt mỏi thì không cần điều trị gì cả. Tuy nhiên để tình trạng tiểu đêm không xảy ra nữa, hay là không bị tăng thêm, bạn nên hạn chế lượng nước nạp vào cơ thể, hoặc đừng sử dụng những thức ăn thức uống gây lợi niệu vào ban đêm. Vấn đề thứ hai là bạn là sỏi thận. Như bạn mô tả thì có lúc nhìn thấy, có lúc không thì có thể là do kích thước sỏi bé quá. Nếu sỏi từ 2-5mm thì một số trường hợp siêu âm định vị không tốt cũng không nhìn thấy được sỏi trên thận.
Trong những trường hợp có sỏi nhỏ, nếu dưới 5mm thì vẫn không khuyến cáo điều trị gì đặc biệt, chỉ là theo dõi và chờ đợi thôi. Chúng ta chủ động theo dõi, đi kiểm tra định kỳ, ví dụ như 6 tháng thì mình đi siêu âm để kiểm tra sỏi có thay đổi gì không, kích thước như thế nào, có tăng thêm hay không. Những trường hợp sỏi lớn mới cần điều trị, những trường hợp sỏi nhỏ như của bạn thì không có khuyến cáo sử dụng thuốc hay đặc trị, chỉ cần uống đủ 2-3 lít nước mỗi ngày là được. Chúc bạn vui khỏe!
Nếu còn bất kỳ thắc mắc gì, bạn có thể gọi tổng đài của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để đặt lịch khám trực tiếp với bác sĩ. Liên hệ Hotline Hà Nội: 1800 6858, TP.HCM: 0287 102 6789 để được hỗ trợ. Trân trọng!
Chào bạn!
Triệu chứng đi tiểu nhiều lần trong ngày có thể do rất nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên bạn chưa cho bác sĩ biết là lượng nước tiểu mỗi lần đi tiểu là bao nhiêu, nhiều hay ít. Ngoài đi tiểu nhiều lần thì còn có các triệu chứng nào khác kèm theo hay không, như tiểu đau buốt, nước tiểu đục, tiểu máu.
Đi tiểu nhiều lần có thể là một dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng đường tiểu. Để biết chính xác bệnh này, bác sĩ sẽ cần thăm khám để khai thác triệu chứng rõ hơn, cần xét nghiệm nước tiểu và siêu âm bụng kiểm tra. Với trường hợp nhiễm trùng tiểu, người bệnh chỉ cần uống thuốc kháng sinh, kháng viêm là sẽ đỡ. Giả sử trường hợp con của bạn chỉ có triệu chứng đi tiểu nhiều lần, nhưng lượng nước tiểu mỗi lần đi tiểu ra khá ít. Đây cũng có thể là dấu hiệu của bệnh lý bàng quang tăng hoạt, do rối loạn chức năng thần kinh chi phối cho bàng quang, khiến bàng quang co bóp nhiều lần, gây mắc tiểu liên tục.
Để chữa bệnh này, bé cần tập thói quen nhịn tiểu, đi tiểu theo giờ, kết hợp với dùng thuốc để giảm số lần đi tiểu trong ngày. Trường hợp đi tiểu nhiều lần, nhưng mỗi lần đi tiểu thì lượng nước tiểu ra khá nhiều, đây có thể là dấu hiệu của bệnh đái tháo nhạt. Khi đó, bác sĩ cần làm thêm một số xét nghiệm để xác định nguyên nhân thì mới có hướng điều trị cụ thể được.
Nếu còn bất kỳ thắc mắc gì, bạn có thể gọi tổng đài của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để đặt lịch khám trực tiếp với bác sĩ. Liên hệ Hotline Hà Nội: 1800 6858, TP.HCM: 0287 102 6789 để được hỗ trợ.
Trân trọng!
Xin chào bác sĩ, em cao 1,74m nặng 80kg, từ 3 4 năm nay khi xét nghiệm mức cretinine trong máu của em luôn ở mức 90-100, 1 ngày em đi tiểu 8-10 lần khá nhiều nước, em xin hỏi đó có phải là dấu hiệu của việc sau này em sẽ bị suy thận hay không?
Chào bạn,
Nếu bạn đi tiểu mỗi ngày 8-10 lần trong vòng 24 giờ, điều này là hoàn toàn bình thường. Việc bạn uống nước nhiều, thì đi tiểu nhiều là hoàn toàn hợp lý. Tần suất đi tiểu như thế không có gì là đáng ngại. Đặc biệt, khi bạn làm việc trong môi trường máy lạnh, ít ra mồ hôi, nên sẽ đi tiểu nhiều. Tuy nhiên, nếu bạn cũng đi tiểu nhiều vào ban đêm, thì nhiều khả năng là có liên quan đến thận hay niệu khoa, cụ thể như là tăng hoạt bàng quang.
Tuy tình trạng hiện tại của bạn là bình thường, nhưng chúng tôi cũng khuyên bạn nên đi khám sức khỏe định kỳ để các bác sĩ có thể chăm sóc tốt hơn và cũng đảm bảo việc duy trì sức khỏe, giúp bạn làm việc một cách hiệu quả.
Chúc bạn vui khỏe.
Chào bạn, Tiểu bọt do rất nhiều nguyên nhân. Có thể những nguyên nhân không phải do bệnh lý, nhưng cũng có những nguyên nhân liên quan đến những bệnh lý tương đối nghiêm trọng. Thông thường, những trường hợp trong nước tiểu có protein thì sẽ có hiện tượng tạo bọt. Những trường hợp trong nước tiểu có protein thường là đã có những tổn thương ở trên thận, làm cho màng lọc trên thận hoạt động không tốt. Khi màng lọc hoạt động không tốt, các protein trong máu sẽ đi qua màng lọc vào trong nước tiểu. Những bệnh lý gây tiểu đạm như bệnh về huyết áp mà có tổn thương trên thận hoặc là bệnh tiểu đường tổn thương trên thận, hoặc là bệnh thận mạn tính hay cấp tính...
Một số trường hợp nhiễm khuẩn đường tiết niệu cũng gây ra những tình trạng giống như vậy. Trong trường hợp của bạn có những triệu chứng gợi ý có liên quan đến thận ví dụ như: đau lưng, tê tay chân, nước tiểu có bọt... Những triệu chứng này thực ra không phải những triệu chứng đặc hiệu về thận, nhưng chúng ta cần phải lưu ý. Do đó, tốt nhất là bạn nên đi khám bệnh để kiểm tra, tối thiểu là phải đi thử nước tiểu để xem thận có đang hoạt động tốt hay không, nước tiểu có đạm hay không và xem thận có bị ảnh hưởng hay không bằng cách siêu âm hay chụp phim. Chúc bạn vui khỏe!
Em chào bác sĩ, em gần đây hay bị suy nhược, mất khả năng lao động, em đi xét nghiệm máu và nước tiểu chức năng thận thì chỉ số createnin là 124 umol/l. Bác sĩ dưới chỗ em chuẩn đoán em bị suy thận độ 1. Em có tiền sử bị bệnh di, mộng tinh 15 năm, giờ mỗi khi ngủ dậy ban ...
Chào bạn,
Bạn còn trẻ nên quan tâm đến sức khỏe là hoàn toàn chính xác. Theo như bạn chia sẻ, bạn tiểu nhiều tinh trùng, cả ban ngày và ban đêm thì tôi nghĩ là không chính xác. Bởi vì tiểu liên tục như thế thì bạn sẽ rất mệt. Nhiều khả năng là bạn tiểu đạm (tiểu protein) mà bạn không biết. Về chỉ số Creatinin của bạn là 124umol/l thì nhiều khả năng là bạn đã có bệnh thận. Đặc biệt là có thể ở giai đoạn thứ 2.
Hiện tại thì đã nới lỏng giãn cách, nên chúng tôi khuyên bạn nên đi khám chuyên khoa Tiết niệu Thận học càng sớm càng tốt. Các bác sĩ chuyên khoa Thận học và Nam học sẽ cùng kết hợp với nhau để điều trị cho bạn, giúp duy trì sức khỏe, đảm bảo không ảnh hưởng đến công việc và hạnh phúc gia đình.
Chúc bạn nhiều sức khỏe.
Chào bạn, Chúng ta biết rằng, nước tiểu có bọt không phải lúc nào cũng là bệnh lý. Một số trường hợp có thể do phản ứng của nước tiểu đối với các hóa chất trong nhà vệ sinh, hoặc là do tia nước tiểu quá mạnh dẫn đến tạo ra bọt. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý tiểu có bọt cũng có thể là triệu chứng của một số bệnh lý tương đối nghiêm trọng. Tình trạng tiểu bọt có kèm theo các thay đổi của nước tiểu (nước tiểu thay đổi màu sắc, nước tiểu đục không trong, có mùi hôi...) thường sẽ có liên quan đến các bệnh lý của đường tiết niệu. Một trong những nguyên nhân khiến nước tiểu có bọt là do trong nước tiểu có chứa quá nhiều chất đạm (protein).
Các bệnh lý gây ra tiểu đạm có thể bao gồm tăng huyết áp gây tổn thương thận, bệnh thận mãn tính và cấp tính, đái tháo đường gây tổn thương thận... Những bệnh này có thể khiến màng lọc thận suy yếu, tổn thương, từ đó các protein trong máu đi qua màng lọc, đi vào trong nước tiểu, gây ra tình trạng nước tiểu chứa nhiều protein và tạo bọt. Để biết được tiểu có bọt là do nguyên nhân gì thì tốt nhất bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra, chẩn đoán nguyên nhân, đồng thời cũng phải xem trong nước tiểu có albumin hay không. Đó là những điều bạn cần lưu tâm. Chúc bạn sức khỏe.
Nếu còn bất kỳ thắc mắc gì, anh có thể gọi tổng đài của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để đặt lịch khám trực tiếp với bác sĩ. Liên hệ Hotline Hà Nội: 1800 6858, TP.HCM: 0287 102 6789 để được hỗ trợ. Trân trọng!
Chào bạn,
Chúng ta biết rằng, khi sỏi bị kẹt trong ống niệu quản gây ra cơn đau quặn thận, nó có thể làm giảm chức năng tạm thời của thận bên đó. Tuy nhiên, khi sỏi đã xử lý thoát ra được rồi thì chức năng thận sẽ hồi phục và đa số sẽ trở về trạng thái bình thường.
Trường hợp của bạn cho biết là bị tiểu đêm khoảng 2 năm nay, trung bình từ 4 - 5 lần/đêm. Theo tôi, tình trạng này tương đối nghiêm trọng và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Tiểu đêm có thể do rất nhiều nguyên nhân gây ra. Thông thường nhất là do có lượng dịch nhập vào ban đêm quá nhiều hoặc sử dụng các chất (như từ thức ăn, thức uống) gây ra lợi niệu vào ban đêm. Nguyên nhân khác có thể liên quan đến tình trạng phù ngoại biên, ví dụ ở những người bị suy gan, bệnh tim...; hoặc một số trường hợp có bệnh thận mạn tính dẫn đến giảm cô đặc nước tiểu, khiến lượng nước tiểu ban đêm nhiều hơn.
Ngoài ra, một hiện tượng rất phổ biến gây tiểu đêm, đặc biệt là ở người lớn tuổi, là tăng tiết nước tiểu vào ban đêm. Hiện tượng này xảy ra do một loại hormone được tiết ra từ não không sản xuất đủ vào ban đêm, làm quá trình hấp thu nước không diễn ra đúng cách, dẫn đến nước tiểu được bài tiết qua thận quá nhiều. Muốn biết có bị tăng tiết nước tiểu ban đêm hay không thì phải theo dõi được lượng nước tiểu, đo lường lượng nước tiểu ban đêm và lượng nước tiểu trong 24h. Nếu lượng nước tiểu ban đêm nhiều hơn 1/3 so với tổng lượng nước tiểu trong 24h thì có thể có hiện tượng tăng tiết nước tiểu vào ban đêm. Khi có tăng tiết nước tiểu vào ban đêm thì cần sử dụng một số loại thuốc để điều chỉnh tình trạng này.
Trong trường hợp của bạn, tôi nghĩ bạn nên đến bệnh viện có chuyên khoa Tiết niệu để bác sĩ thăm khám và đánh giá lại chi tiết nguyên nhân gây ra tiểu đêm, từ đó có phương pháp điều trị phù hợp.
Nếu còn bất kỳ thắc mắc gì, bạn có thể gọi tổng đài của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để đặt lịch khám trực tiếp với bác sĩ. Liên hệ Hotline Hà Nội: 1800 6858, TP.HCM: 0287 102 6789 để được hỗ trợ.
Trân trọng!
Chào bạn, Tiểu đêm là tình trạng phải đi tiểu ít nhất 1 lần trong đêm, còn trường hợp tiểu đêm của bạn từ 7-10 lần là khá nhiều. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng tiểu đêm chứ không phải chỉ do các bệnh về thận, chẳng hạn như uống quá nhiều nước vào buổi tối, sử dụng một số thuốc hoặc chất gây lợi tiểu hay một số bệnh lý về tim, gan như suy tim, xơ gan, phù ngoại biên cũng gây tiểu đêm. Ngoài ra, một nguyên nhân khá phổ biến gây ra tình trạng tiểu đêm là hiện tượng tăng tuyến hormone ADH không phù hợp, dẫn đến việc không tiết ra hormone, làm cho lượng nước trong thể tích tuần hoàn bị hạn chế bài tiết ra ngoài (hiện tượng tăng giữ nước) nên nước tiểu vào ban đêm rất nhiều.
Để tránh tình trạng tiểu đêm nhiều gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, bạn nên đến Trung tâm Tiết niệu Thận học - BVĐK Tâm Anh để tìm ra nguyên nhân, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị phù hợp. Điều trị ban đầu có thể là những biện pháp không dùng thuốc như hạn chế uống nước vào ban đêm, giảm bớt chất gây lợi tiểu... Trong trường hợp những biện pháp này không mang lại hiệu quả thì có thể tiến hành điều trị nội khoa để cải thiện tình trạng tiểu đêm. Chúc bạn sức khỏe.
1. Xin cho hỏi mẹ tôi năm nay 87 tuổi , đang chạy thận nhân tạo được gần 4 tháng, vẫn đang chạy tạm ở cổ, do cầu tay AVF đã mổ nhưng chưa lớn để có thể chạy được ở tay. Xin bác sĩ cho hỏi có khi nào việc mổ cầu tay AVF khong thành công không? Và nếu cầu tay AVF ...
Chào bạn,
Nếu mẹ bạn mổ cầu tay 4 tháng vẫn chưa sử dụng được thì về lâu dài chưa chắc là sẽ sử dụng được. Bởi khi mổ Fistule ArterioVeinu (FAV) có nguyên tắc số 6, tức là 6 tuần. Nghĩa là từ sau mổ cho đến khi có thể sử dụng được là 6 tuần. Thứ 2, khẩu kính của mạch máu phải trên 6mm. Thứ 3, về độ nông là phải dưới 6mm. Do đó, nếu đã qua 4 tháng mà vẫn chưa sử dụng được thì về lâu dài sẽ khó có thể sử dụng được.
Thường thì sau mổ xong khoảng 48-72 tiếng, bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân cách tập các động tác uốn, duỗi đơn giản. Sau đó là các động tác cầm nắm, nâng duỗi để cho các Fistule nở ra, nông hóa. Mẹ bạn đã mổ cầu tay và qua 4 tháng, dù có tích cực tập luyện nữa thì cũng chưa đảm bảo có thể làm giãn nở khẩu kính ra ở mức 6mm.
Trong trường hợp này, thì chúng tôi sẽ chuyển vị trí sang tay khác hay di chuyển lên phía khuỷu tay... Với một số trường hợp dáng người nhỏ, mạch máu nhỏ; người cao huyết áp, xơ vữa động mạch khiến do kích thước lòng mạch máu hẹp lại... chúng tôi sẽ đề xuất phương pháp lọc màng bụng. Phương pháp này không sử dụng đến mạch máu, nên người bệnh không cần phải lo lắng việc này.
Hơn nữa, việc sử dụng mạch máu ở cổ, dưới đòn rất dễ nhiễm trùng, nên cần được theo dõi sát sao. Chúc mẹ bạn nhiều sức khỏe!
Chào bạn,
Thận ứ nước ở trẻ 6 tháng tuổi thường là tình trạng bẩm sinh, cần được tái khám theo dõi định kỳ, có thể cần phải điều trị triệt để nguyên nhân sớm nhất để giảm thiểu tối đa việc suy giảm chức năng thận. Chế độ ăn uống ở trẻ cần đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ tăng trưởng thể chất và không gây rối loạn nội môi trong cơ thể trẻ. Bạn nên đưa bé đi thăm khám tại chuyên khoa Thận để các bác sĩ sẽ hỗ trợ cho bé của bạn.
Chào bạn!
Sỏi thận là bệnh lý thường gặp nhất của đường tiết niệu, hình thành do sự lắng đọng các khoáng chất trong nước tiểu. Tại Việt Nam có khoảng 10 - 14% dân số mắc sỏi thận. Việc điều trị sỏi thận tùy thuộc vào kích thước, vị trí và cấu tạo của sỏi.
Với sỏi thận kích thước nhỏ (< 5mm) có thể điều trị bằng thuốc, uống đủ nước (3 lít/ngày). Mục đích chính là điều trị triệu chứng và hỗ trợ bệnh nhân tự tiểu ra sỏi. Hiện nay có một số thuốc điều trị sỏi thận có tác dụng kiềm hóa nước tiểu giúp làm tan sỏi. Tuy nhiên, thuốc không có tác dụng với sỏi cấu tạo bởi canxi (sỏi canxi chiếm hơn 80% các loại sỏi).
Với sỏi thận có kích thước lớn hơn, lựa chọn điều trị bằng các phương pháp ngoại khoa. Hiện nay với sự phát triển của y học đã có các phương pháp điều trị ngoại khoa ít xâm lấn, mang lại hiệu quả cao như: tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi thận qua da, nội soi niệu quản ngược dòng tán sỏi bằng ống soi cứng hoặc mềm…
Sỏi thận nếu không điều trị kịp thời có thể gây lên các biến chứng như: tắc nghẽn đường tiết niệu gây thận ứ nước, nhiễm khuẩn niệu… Về lâu dài có thể gây giảm chức năng thận dẫn đến suy thận.
Em của bạn có sỏi thận 2cm, cần phải đi khám tại bệnh viện có chuyên khoa về ngoại Thận Tiết Niệu. Bác sĩ sẽ thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán, tư vấn phương pháp điều trị cụ thể, bạn nhé.
Nếu còn bất kỳ thắc mắc gì, bạn có thể gọi tổng đài của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để đặt lịch khám trực tiếp với bác sĩ. Liên hệ Hotline Hà Nội: 1800 6858, TP.HCM: 0287 102 6789 để được hỗ trợ.
Trân trọng!
Chào chị!
Khi trẻ em bị giãn đài bể thận, bác sĩ sẽ xem độ dài của đường kính trước sau tại đoạn giãn là bao nhiêu mm để đưa ra hướng điều trị thích hợp. Trường hợp con của chị, bị giãn đài bể thận độ 1 thì thường kích thước đường kính trước sau tại đoạn giãn sẽ không lớn.
Hẹp khúc nối bể thận - niệu quản là một bất thường tại phần nối giữa bể thận và niệu quản. Tình trạng này gây cản trở dòng nước tiểu từ thận xuống niệu quản. Nước tiểu giữa bể thận với niệu quản sẽ bị tắc nghẽn, làm bể thận bị ứ nước và giãn to. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, thận có khả năng bị hủy hoại hoàn toàn. Hẹp khúc nối bể thận - niệu quản có thể xuất hiện tại một bên hay hai bên. Tỉ lệ hẹp bên trái thường cao hơn bên phải gấp hai lần. Đây là nguyên nhân gây tắc nghẽn thường gặp nhất ở trẻ em.
Quay trở lại trường hợp con của chị, bé bị giãn đài bể thận độ 1, thường không quá nghiêm trọng. Các bác sĩ nhi sẽ chưa mời bác sĩ tiết niệu ngay. Thay vào đó, mỗi tháng, chúng tôi sẽ theo dõi thận của bé thông qua siêu âm. Ví dụ như tháng này, kết quả siêu âm cho thấy kích thước đường kính trước sau tại đoạn giãn là 10mm. Tháng sau, kết quả siêu âm của bé lại lên đến 18mm. Khi đó, bác sĩ nhi sẽ phải hội chẩn với bác sĩ tiết niệu để theo dõi tình trạng của bé, cân nhắc có cần can thiệp phẫu thuật hay không. Với các trường hợp kích thước đường kính trước sau tại đoạn giãn nếu nhỏ dần theo thời gian rồi biến mất sẽ không đáng lo ngại.
Vì thế, chị nên đưa bé đi siêu âm để bác sĩ kiểm tra kích thước đường kính trước sau tại đoạn giãn có tăng theo thời gian hay không. Ngoài ra, người bệnh hẹp khúc nối bể thận - niệu quản rất ít khi bị nhiễm trùng đường tiểu. Tuy nhiên, hội chứng này cũng làm tăng nguy cơ đọng nước tiểu. Nếu xuất hiện vi khuẩn niệu rất dễ gây nhiễm trùng đường tiểu.
Giãn đài bể thận nhỏ sẽ không ảnh hưởng lắm đến thận vì không gây chèn ép lên các mô của thận, không làm ảnh hưởng đến các chức năng của thận. Tuy nhiên, theo thời gian, nếu không được chữa trị sớm, bệnh tiến triển thì nguy cơ chèn ép lên các mô của thận rất cao, gây tác động tiêu cực tới chức năng của thận.
Về ăn uống và sinh hoạt, bé cần uống đủ nước và hạn chế ăn mặn. Người nhà tránh cho bé ăn những thực phẩm như khế, mì ăn liền, đồ ăn đóng hộp… Vì các loại thực phẩm này tạo ra rất nhiều oxalate, có thể gây ảnh hưởng xấu đến thận. Chúc bé mau khỏe!
Chào Bác sĩ. Lúc em mang thai con em 36 tuần thì bệnh viện chẩn đoán bé bị giãn bể thận nhẹ không nghiêm trọng. Bác sĩ có bảo em sinh bé được một tháng thì nên đi bệnh viện khám nhưng em gọi hỏi thì bác sĩ ở bệnh viện báo em bé 6 tháng mới đi khám được vì bé nhỏ quá không ...
Chào bạn,
Theo phác đồ điều trị của thế giới, khi thai nhi được chẩn đoán giãn đài bể thận, bác sĩ sẽ phải siêu âm ngay sau khi bé chào đời. Vì đây là giai đoạn cho kết quả siêu âm chuẩn xác nhất. Kết quả siêu âm sẽ cho bác sĩ đánh giá mức độ giãn đài bể thận. Ngoài ra, bé cũng được xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra xem có bị nhiễm trùng hay không. Đây là kiểm tra bắt buộc đối với các bé bị giãn đài bể thận khi còn ở trong thai.
Vì thế, mẹ nên cho bé đi siêu âm càng sớm càng tốt. Nếu mức độ giãn đài bể thận không nhiều, bác sĩ sẽ hẹn tái khám sau một tháng. Khi tái khám, bác sĩ sẽ siêu âm kiểm tra mức độ giãn đài bể thận đã tiến triển như thế nào. Ngoài ra, nếu có nhiễm trùng nước tiểu, bé sẽ phải được điều trị ngay. Vì nếu trì hoãn chữa trị, bé có nguy cơ bị hỏng các tổ chức thận rất cao, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Chúc bé mau bình phục!
Trân trọng!
Chào bạn,
Việc xây dựng chế độ ăn phù hợp cho người suy thận phải thực hiện từ bác sĩ điều trị đang theo dõi bệnh hoặc bác sĩ dinh dưỡng, bạn không nên tự xây dựng. Bởi qua mô tả của bạn đã thấy rõ những sai lầm nguy hiểm. Ví dụ những thực phẩm giàu đạm cần hạn chế ở người suy thận mạn độ 3 là lòng trắng trứng, không nhất thiết dùng sữa không đường mà thật ra là nên dùng sữa có đường.
Ngoài ra, bạn cần cung cấp thêm thông tin, bạn sụt cân 5 kg trong bao lâu và trước đó có béo phì không hay là bình thường để bác sĩ có thể có câu trả lời chính xác hơn.
Về tình trạng người uể oải, mệt mỏi, không tập trung có thể do nguyên nhân thiếu năng lượng hoặc thiếu máu…
Do đó, bạn nên đến bệnh viện sớm để gặp bác sĩ dinh dưỡng với đầy đủ các kết quả xét nghiệm hiện có (hoặc phải làm thêm để đánh giá chính xác mức độ bệnh), để có một chế độ ăn phù hợp và phải theo dõi tái khám định kỳ với bác sĩ thận niệu, bác sĩ dinh dưỡng.
Chúc bạn nhanh khỏe.
Nếu còn bất kỳ thắc mắc gì, bạn có thể gọi tổng đài của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để đặt lịch khám trực tiếp với bác sĩ. Liên hệ Hotline Hà Nội: 1800 6858, TP.HCM: 0287 102 6789 để được hỗ trợ.
Trân trọng!
Chào bạn,
Chế độ dinh dưỡng cho người suy thận đang chạy thận sẽ thay đổi khá nhiều tùy theo mức độ suy thận, tần suất chạy thận, trước hay sau chạy thận, tình trạng bệnh lý khác của người bệnh…
Theo những yếu tố đó, khẩu phần ăn uống của người suy thận đang chạy thận thay đổi từng ngày, từng tuần. Vì thế, để xây dựng được thực đơn phù hợp, bác sĩ cần phải phối hợp với bác sĩ điều trị kiểm tra kỹ lưỡng và có những tính toán chuẩn xác. Đồng thời, muốn kiểm soát bệnh tốt, bác sĩ cần sự tuân thủ chặt chẽ của người bệnh và tái khám đúng hẹn.
Do đó, bạn nên đưa người nhà đến bệnh viện có chuyên khoa Tiết niệu Thận học để được kiểm tra và phối hợp với bác sĩ dinh dưỡng để đưa ra lời khuyên chính xác.
Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe.