VnExpress - Bao tieng Viet nhieu nguoi xem nhat

Thứ sáu, 13/12/2024
Thưa bác sĩ. Em bị bệnh ống kẽ thận mạn, ngày đi tiểu rất nhiều lần, lượng nước tiểu nhiều, không uống nước cũng đi, đi ngày 3-4 lít nước làm mất nước khô da. Đi khám nhiều nơi rồi nhưng đâu cũng bảo chức năng thận vẫn còn hoạt động ổn nhưng em bị thế này cũng đc 3-4 tháng rồi. Giờ muốn đang ...
Thái Trung Nam, 38 tuổi, Bắc Từ Liêm, Hà Nội

THS.BS Hà Tuấn Hùng

Phó trưởng Khoa Nội Tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội

Chào bạn, bệnh ống kẽ thận mạn có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể do nhiễm trùng hoặc do các bệnh lý tự miễn, có thể do thuốc. Tuy nhiên việc đi tiểu nhiều cũng không xảy ra ở giai đoạn đầu bệnh ống kẽ thận mạn, ở giai đoạn này đa phần chỉ xảy ra tăng huyết áp và đi tiểu không quá nhiều.

Trường hợp của bạn, tôi khuyến cáo bạn nên đến thăm khám tại các bệnh viện để làm các xét nghiệm chẩn đoán loại trừ thêm các bệnh lý khác gây đi tiểu nhiều, ví dụ như đái tháo đường...

Nếu còn bất kỳ thắc mắc gì, bạn có thể gọi tổng đài của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để đặt lịch khám trực tiếp với bác sĩ. Liên hệ Hotline Hà Nội: 1800 6858, TP.HCM: 0287 102 6789 để được hỗ trợ. Trân trọng!

Chào bác sĩ, tôi phát hiện bị suy thận cấp 1 từ 5 năm trước. Lúc đó chỉ số Cre là 130, uric là 540. Có điều trị ở bệnh viện 1 năm kết hợp với chế độ ăn kiêng của bệnh viện xuống còn 120. Sau đó uống thuốc nam duy trì đến tận bây giờ vẫn uống, nhưng mới siêu âm lại gần ...
Nguyễn Hùng, 43 tuổi, Ba Đình, Hà Nội

THS.BS Hà Tuấn Hùng

Phó trưởng Khoa Nội Tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội

Chào bạn, bạn chia sẻ đã phát hiện bệnh lý thận mãn tính các đây 5 năm với các chỉ số creatinin đã được điều chỉnh, tuy nhiên gần đây đã tăng lên, tức là bệnh suy thận của bạn đang tiến triển lên. Hầu hết với các bệnh nhân đã mắc bệnh thận mãn tính, khuyến cáo không nên sử dụng thuốc nam, nhất là thuốc từ lá cây hoa cỏ không rõ nguồn gốc. Bản chất những loại thuốc này cũng không giúp ích được nhiều cho bệnh lý thận của bạn, đôi khi còn mang lại những bất lợi bao gồm tăng kali máu, tăng tình trạng suy thận và đặc biệt có thể gây tổn thương tế bào gan, có suy gan kèm theo.

Trường hợp của bạn, chúng tôi khuyến cáo bạn nên theo dõi định kỳ hằng tháng tại bệnh viện và điều chỉnh lại chế độ ăn, sinh hoạt, kiểm soát huyết áp và cần thăm khám với các bác sĩ chuyên khoa Tiết niệu thường xuyên hơn. Sau khi mức creatinin của bạn ổn định có thể kéo dài thời gian tái khám 3-6 tháng, không nên tự ý sử dụng thuốc nam hay thực phẩm chức năng, không mang lại hiệu quả.

Trân trọng.

tư vấn bệnh thận
 
 

Chào bác sĩ, xin cho tôi biết suy thận thì được phép ăn những loại thức ăn nào? Có nên áp dụng chế độ ăn chay hoàn toàn khi bị suy thận hay không? Lượng ure trong máu 0,56g/1 là suy thận ở mức độ nào? Cảm ơn bác sĩ.

Mỹ Linh, 36 tuổi, Quận 8, TPHCM

BS.CKI Đào Thị Yến Thủy

Trưởng khoa: Khoa Dinh dưỡng Tiết chế Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Chào bạn,
Suy thận có nhiều loại, gồm suy thận cấp hoặc suy thận mãn và do nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó, tùy mức độ suy thận, có chạy thận hay chưa…thì cách điều trị và hạn chế dịch, hạn chế thức ăn cũng sẽ khác nhau.
Nhìn chung, khi chức năng thận bị suy giảm thì thường sẽ hạn chế ăn chất đạm (giảm ăn thực phẩm nhiều đạm như thịt, cá, trứng, tôm…). Với nhóm thức ăn bột đường như cơm, bún, mì, khoai, bắp ... và chất béo dầu mỡ thì được ăn bình thường hoặc tăng một chút, giảm muối, có thể phải giảm nước...
Chế độ ăn chay kiểu kiêng thịt, cá, trứng, sữa, chỉ dùng đạm thực vật như đậu hũ, nấm, đậu, hạt khác có thể áp dụng ở người suy thận, nhưng liều lượng ăn bao nhiêu thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị hoặc bác sĩ dinh dưỡng. Hiện tại, lượng ure máu bạn hơi cao, bác sĩ khuyên bạn nên làm xét nghiệm“độ lọc cầu thận” để biết mức độ suy thận.
Vì thế, bạn nên thu xếp đến các bệnh viện có chuyên khoa Tiết niệu Thận học để được kiểm tra và đưa ra lời khuyên chính xác.
Chúc bạn nhiều sức khỏe.

Chào bác sĩ, Tôi muốn hỏi người bị bệnh thận không nên uống sữa đậu nành phải không? Xin các bác sĩ tư vấn cho tôi những loại thức ăn gì nên hạn chế khi bị bệnh thận. Cảm ơn bác sĩ.
Nguyễn Cường, 31 tuổi, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bình Thạnh, TPHCM

BS.CKI Đào Thị Yến Thủy

Trưởng khoa: Khoa Dinh dưỡng Tiết chế Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Chào bạn,
Người bệnh thận có thể uống sữa đậu nành lượng vừa đủ (1-2 ly/ ngày) cân đối với lượng chất đạm khác ăn vào và tình trạng bệnh. Bởi chất đạm trong sữa đậu nành cũng cao bằng lượng đạm trong sữa tươi, nhưng hấp thu kém hơn. Thông thường, người bệnh thận cần phải giảm chất đạm như thịt, cá, trứng, tôm, sữa (trừ sữa giảm đạm), giảm muối, có khi phải hạn chế nước, đặc biệt nước luộc rau…
Do đó, bạn nên đến bệnh viện để được tư vấn chi tiết, trên cơ sở phối hợp giữa bác sĩ dinh dưỡng với bác sĩ đang theo dõi điều trị.
Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe.

Chào bác sĩ, cho em hỏi ba em năm nay 60 tuổi cơ địa yếu, đang lọc màng bụng được 1 năm thì có tiêm vắc xin covid được không ạ? Tại cơ địa yếu và già rồi ba lại đau nhiều bệnh nên không có sức đề kháng. Bác sĩ tư vấn giúp em nếu đang lọc màng bụng mà ốm yếu thì ...

Hương Liên, 25 tuổi, Thuận An, Bình Dương

TTUT.PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên

Giám đốc Trung tâm Tiết niệu Thận học Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Chào bạn!

Để giảm nguy cơ bị nhiễm hoặc khi mắc COVID-19 tránh chuyển nặng, mọi người nên được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Người béo phì, người bệnh nền, người suy thận dù chưa hay đang lọc máu bằng thận nhân tạo hay lọc màng bụng càng nên tiêm vaccine.

Về mức độ đáp ứng với vaccine, tùy cơ địa từng người, người bình thường không có bệnh gì cũng có khi đáp ứng kém. Người bệnh nền cũng có khi đáp ứng tốt, tạo kháng thể sau vaccine.

Nếu đang lọc màng bụng mà cơ thể yếu, có thể đáp ứng chậm hơn và kém hơn người khác. Vì vậy, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới khuyến cáo những người có bệnh nền hoặc suy giảm miễn dịch nên có mũi tiêm thứ 3 (mũi tăng cường) sau mũi 2 khoảng 6 tháng. Tóm lại, bạn nên đưa ba của bạn đi tiêm vaccine. Bạn không nên nghĩ chủ quan rằng ba chỉ ở trong nhà không đi đâu là an toàn. Vì có thể người nhà đi ra ngoài và mang nguy cơ nhiễm về cho ba. Để hiểu rõ hơn, bạn có thể vô YouTube, tìm mục: bác sĩ Tạ Phương Dung, Người bệnh thận mạn có nên tiêm vaccine không? nhé! Chúc bác nhiều sức khỏe!

Thưa bác sĩ, tôi bị bướu thận 1 bên và đã phẫu thuật cắt bỏ bướu. Tất cả các chỉ số xét nghiệm máu và nước tiểu liên quan chức năng thận trước và sau phẫu thuật đều trong giới hạn bình thường. Từ giờ trở đi tôi nên ăn uống như thế nào cho phù hợp và bổ thận? Xin cám ơn bác sĩ.
Trần Quốc Hùng, 30 tuổi, Thủ Đức, TPHCM

BS.CKI Đào Thị Yến Thủy

Trưởng khoa: Khoa Dinh dưỡng Tiết chế Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Chào bạn,
Nếu sau cắt bướu thận mà chức năng thận bình thường, bạn có thể ăn uống như người bình thường. Nghĩa là nên đa dạng thực phẩm hàng ngày và cân đối giữa các nhóm chất bột - đạm - béo. Tuy nhiên, bạn đừng quên tái khám định kỳ để theo dõi tiếp theo, không nên bỏ giữa chừng.
Hiện tại không có chế độ ăn “bổ thận” mà chỉ có chế độ ăn “không hại thận” là uống đủ nước, không nhịn tiểu, ăn đủ thực phẩm giàu đạm nhưng không quá dư (người trưởng thành ăn khoảng 60-100g thực phẩm giàu đạm trong bữa ăn chính), không ăn quá nhiều gia vị mặn. Hàng ngày nên uống nước tinh khiết chứ không nên uống nước khoáng, nếu không bị tiêu chảy, nôn ói hay mất mồ hôi nhiều…
Chúc bạn nhiều sức khỏe.