Ngày 10/6, BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng, chuyên khoa Ngoại Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bé Vy nhập viện trong tình trạng sốt cao, ổ áp xe gần hậu môn vỡ, các lỗ rò xuất hiện hình thành đường rò hậu môn chảy máu và dịch mủ. Rò hậu môn là tình trạng có đường hầm thông nối bất thường giữa ống hậu môn ra bề mặt da quanh hậu môn.
"Lỗ rò tiến triển do áp xe hậu môn", bác sĩ Trọng nói, thêm rằng bệnh nhi nhiễm trùng kéo dài, cách điều trị duy nhất là phẫu thuật gây mê xẻ đường rò, lấy hết mô viêm nhiễm.
Sau mổ, bé Vy được chăm sóc kỹ vết thương kết hợp kháng sinh điều trị tránh nhiễm trùng. Bé được ngâm rửa vết thương bằng dung dịch sát khuẩn ít nhất hai lần mỗi ngày, hạn chế mặc tã để vùng kín thông thoáng giúp vết thương nhanh lành.

Bác sĩ Đỗ Trọng (giữa) cùng ê kíp phẫu thuật cắt lỗ rò hậu môn. Ảnh: Tuệ Diễm
Rò hậu môn còn gọi là mạch lươn, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp nhất là trẻ trai dưới 12 tháng tuổi, rò đơn giản. Bé đau, sưng quanh vùng kín, có khối áp xe, tiết dịch hoặc chảy mủ, chảy máu tại hậu môn, dấu hiệu nhiễm trùng hoặc sốt.
Vùng hậu môn thường xuyên tiếp xúc cặn bã chứa nhiều vi khuẩn, nguy cơ viêm nhiễm cao. Trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh viêm nhiễm vùng này như viêm ống hậu môn, viêm tầng sinh môn, áp xe và rò.
Nhiều nguyên nhân gây rò như nhiễm trùng xoang tuyến bất thường bẩm sinh của hậu môn, chăm sóc và vệ sinh không đúng cách, táo bón lâu ngày. Trẻ đến viện sớm có thể điều trị nội khoa ngâm hậu môn vào dung dịch thuốc sát trùng pha loãng với nước ấm 1-2 lần mỗi ngày. Các trường hợp áp xe to cần rạch thoát mủ kết hợp kháng sinh uống. Phẫu thuật xẻ rò khi điều trị nội khoa thất bại.

Trẻ chào đời được vệ sinh sạch sẽ trước khi mặc tã. Ảnh minh họa: Tuệ Diễm
Để phòng bệnh, bác sĩ khuyến cáo người thân chăm sóc trẻ đúng cách. Không giữ vệ sinh vùng kín có thể gây biến chứng sưng tấy, viêm nhiễm, mưng mủ tạo điều kiện cho ổ mủ phát triển. Với trẻ gái, vệ sinh không đúng cách khiến vi khuẩn lây lan sang âm đạo dẫn đến viêm nhiễm hoặc nhiễm trùng tiểu.
Trước khi mặc tã cho bé, cần rửa sạch mông, bẹn, cơ quan sinh dục bằng nước ấm, lau khô. Không để vùng da bị ẩm ướt vì tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
Tuệ Diễm
*Tên bệnh nhi đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |