Chị Nguyễn Thị Thủy (32 tuổi, ngụ Bình Dương) sinh con đầu lòng bị vàng da và được điều trị chiếu đèn tại BVĐK Tâm Anh TP HCM. Sau khi chiếu đèn 2 ngày tại bệnh viện, em bé xuất viện trở về nhà. Tuy nhiên, vài ngày sau trẻ có biểu hiện vàng da trở lại. Lo ngại đến bệnh viện tốn kém, lại ngay mùa dịch bệnh nên chị Thủy đã đặt mua đèn chiếu vàng da trên mạng với giá 850.000 đồng. Tuy nhiên, khi sử dụng tình trạng không cải thiện, mẹ trẻ lập tức đưa trẻ đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh khám, điều trị.
BS.CKII Phạm Lê Mỹ Hạnh - Trưởng khoa Sơ sinh, Trung tâm Sơ sinh, BVĐK Tâm Anh TP HCM, cho biết, thông thường, liệu trình điều trị chiếu đèn vàng da thường 1-3 ngày là trẻ thuyên giảm. Một số trường hợp trẻ chiếu đèn tại bệnh viện về nhà có thể có tình trạng vàng da trở lại. Bác sĩ sẽ hướng dẫn phụ huynh theo dõi, có thể tái nhập viện nếu bé vàng da tăng tới ngưỡng phải can thiệp điều trị.
Tuy nhiên, một số phụ huynh ngại nhập viện nhiều lần, tự ý tìm mua đèn chiếu vàng da trên mạng sử dụng. Hiện nay, có nhiều loại đèn chiếu trị vàng da sơ sinh được bày bán trên các trang thương mại điện tử. Những đèn này thường không có thông số cường độ ánh sáng, chứng nhận kiểm định chất lượng. "Phụ huynh tự bỏ tiền mua đèn chiếu sơ sinh trị vàng da có thể gây tác dụng ngược khiến trẻ mất nước, sốc nhiệt, thậm chí khiến tình trạng vàng da nặng hơn vì không hiệu quả", bác sĩ Mỹ Hạnh khẳng định.
Theo bác sĩ Mỹ Hạnh, trẻ bị vàng da sau sinh 3-5 ngày là hiện tượng sinh lý bình thường do các hồng cầu của thai nhi bị phá hủy để được thay thế bằng hồng cầu trưởng thành. Khi hồng cầu bị vỡ sẽ phóng thích vào máu một lượng lớn chất có sắc tố vàng tên gọi là bilirubin gián tiếp làm cho trẻ bị vàng da. Mặt khác, gan trẻ sơ sinh còn chưa trưởng thành, men cần cho chuyển hóa bilirubin còn thấp trong 2 tuần đầu nên trong giai đoạn này bé hay bị vàng da. Phần lớn vàng da ở trẻ sơ sinh tự khỏi sau 7-10 ngày. Tuy nhiên, trong một số trường hợp bệnh lý làm cho vàng da nặng do chất bilirubin tăng quá cao sẽ thấm vào não có thể khiến trẻ hôn mê, co giật, thậm chí gây tử vong hoặc di chứng về tâm thần vận động vĩnh viễn.
Bình thường chất bilirubin gián tiếp không tan được trong nước mà tan trong mỡ, nhưng dưới tác động của ánh sáng đặc biệt, chất này sẽ được chuyển hóa thành những dạng đồng phân có thể tan trong nước và thải ra ngoài qua phân, nước tiểu. Muốn điều trị vàng da phải sử dụng chiếu đèn, một số trường hợp nặng phải thay máu. Ánh sáng trong điều trị vàng da phải là ánh sáng với cường độ, bước sóng phù hợp mới phát huy tác dụng điều trị.
Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, trẻ sau sinh sẽ được bác sĩ Sơ sinh thăm khám hàng ngày, tầm soát phát hiện vàng da sớm, áp dụng chiếu đèn điều trị kịp thời nên chưa bao giờ phải thay máu. Bệnh viện trang bị hệ thống đèn chiếu hiện đại, sử dụng đèn LED với ánh sáng xanh trong điều trị vàng da và hạn chế được những tác dụng phụ khi chiếu đèn. Ngoài ra còn có đèn chiếu 2 mặt để ánh sáng tiếp xúc toàn bộ cơ thể bé, kể cả vùng da dưới lưng khi bé nằm cho những trường hợp vàng da nhiều cần điều trị tích cực.
Theo bác sĩ Mỹ Hạnh, một số nghiên cứu cho thấy trẻ vàng da phải chiếu đèn kéo dài có thể tăng nguy cơ co giật, một số bệnh ung thư về sau. Tuy nhiên những trẻ này nếu không chiếu đèn kịp thời thì có thể phải thay máu, nhiều biến chứng hơn. Ngoài ra nếu bé sống sót cũng tăng nguy cơ tổn thương não và bị di chứng não suốt đời. Vì vậy, đến nay, chiếu đèn vẫn được xem là phương pháp đơn giản, an toàn và kinh tế. Vì một số tác dụng phụ, bé chỉ nên chiếu đèn khi cần thiết. Do đó, khi trẻ bị vàng da phụ huynh không nên tự ý chiếu đèn kéo dài tại nhà. Bố mẹ cần đưa con đi khám ngay để bác sĩ kiểm tra độ vàng da, xét nghiệm máu tìm nguyên nhân và điều trị phù hợp.
Bác sĩ Mỹ Hạnh cũng lưu ý phụ huynh, chăm sóc trẻ cần chiếu đèn trị vàng da, quan trọng nhất trẻ phải bộc lộ vùng da tiếp xúc tối đa với ánh sáng. Vì vậy, bé nên cởi trần, chỉ cần che mắt để tránh tổn thương võng mạc, che cơ quan sinh dục. Khi chiếu đèn phải cho bú thường xuyên để cung cấp đủ dinh dưỡng và nước cho trẻ, ngăn tình trạng mất nước. Tùy theo mức độ vàng da, sẽ có khoảng thời gian chiếu khác nhau. Khoảng cách đèn với bé khoảng 40 cm, không quá gần có thể gây bỏng da, không quá xa sẽ giảm tác dụng.
Tuệ Diễm