Có ý kiến cho rằng "Tuyển Việt Nam thời HLV Troussier 'chiến thuật hay, cầu thủ dở'". Nói vậy nghĩa là chúng ta chuyển từ một đội bóng phòng thủ chắc, tấn công cùn, sang một đội phòng ngự như gà mắc tóc và tấn công không đâu vào đâu - đúng nghĩa đá đẹp, thua cũng sướng?
Tôi không đồng tình với quan điểm ủng hộ lối chơi của tuyển Việt Nam hiện giờ. Đến đội tuyển Pháp - quê hương ông Troussier - cũng đá chủ yếu dựa vào tốc độ và chồng biên, chứ không dám phối hợp nhỏ trước vòng cấm như Tây Ban Nha. Vậy không biết lấy cơ sở gì để đặt mục tiêu đội tuyển Việt Nam phải cầm bóng tấn công ngay từ sân nhà khi đấu với các đối thủ hàng đầu châu Á?
Nhiều người bảo "phải kiên nhẫn, cho HLV thêm thời gian". Nhưng xin thưa, vấn đề là thể hình, thể lực, tốc độ của cầu thủ Việt không hề phù hợp với lối chơi kiểm soát bóng. Muốn thay đổi điều đó có lẽ phải cần chờ vài thế hệ. Vậy không lẽ từ giờ đến lúc đó chúng ta cứ mặc kệ những kết quả thất vọng để chờ đợi những thay đổi trong tương lai không xác định?
Điều cần làm là phải tùy vào con người hiện có để chọn chiến thuật cho phù hợp, chứ không phải cứ đặt chỉ tiêu vu vơ, kỳ vọng hão huyền, rồi triển khai một cách gượng ép như cách chúng ta đang làm hiện tại. Hậu quả là những trận thua trong thế hơn người, thua với tỷ số của một set tennis hay thua mà không sút được quả nào.
Cơ bản thể lực cầu thủ (và con người Việt Nam nói chung) chưa bằng người khác nên đòi hỏi phải lên công, về thủ nhịp nhàng là rất khó. Thay vì nhìn vào cách đội tuyển Tây Ban Nha vô địch thế giới, tôi nghĩ rằng chúng ta phải nhìn vào cách Morocco hay gần hơn là Nhật Bản, Hàn Quốc vượt khó ở World Cup để học hỏi. Đá thu mình chờ thời và tấn công chớp nhoáng để hạ đối thủ mới là lối chơi phù hợp nhất với cầu thủ Việt.
>> 'Tuyển Việt Nam khó vượt Thái Lan nếu cứ đá phòng ngự'
Chúng ta tưởng Nhật Bản chuyên đá áp đặt nhưng đó là một sai lầm. Chẳng qua Nhật Bản đá với ta cũng tương đương Việt Nam đá với Brunei, nên chuyện áp đặt là rất dễ dàng. Còn khi đá với các đội mạnh ở châu Á và thế giới, người Nhật lại đá rất kín kẽ, chắc chắn chứ ít cầm bóng áp đặt.
Theo tôi cái cần thay đổi ở bóng đá Việt là khâu đào tạo trẻ chứ không phải huấn luyện viên. Chỉ có đào tạo ra những thế hệ cầu chuyển chất lượng, có chuyên môn cao mới có thể nâng tầm nền bóng đá nước nhà. Huấn luyện viên trưởng ĐTQG chỉ là người cầm quân đi đá giải, làm sao quản lý được chất lượng đào tạo ở các CLB?
Nếu cứ mỗi lần thua là người hâm mộ đòi thay huấn luyện viên ngay mà không hiểu bản chất vấn đề thì chúng ta vẫn sẽ mãi luẩn quẩn không thể tiến xa. Thực lực của bóng đá Việt Nam chỉ dừng ở mức vô địch ĐNA thôi thì dù có thay ai ngồi ghế chỉ đạo cũng vẫn vậy mà thôi. Nếu chỉ cần HLV giỏi là nền bóng đá đi lên thì có lẽ thế giới chẳng có nước nào đá bóng dở.
Xin nhắc lại, chọn HLV chỉ là bước cuối cùng trong việc phát triển một nền bóng đá. Trước đó, phải là công tác tuyển trạch, đào tạo trẻ, chăm sóc y tế, dinh dưỡng, giải Vô địch quốc gia, hệ thống giải trẻ... Muốn nâng tầm một nền bóng đá thì phải nâng cái móng kia lên trước chứ không phải xây cái mái thật cao. Đến bao giờ cầu thủ của ta đạt đẳng cấp châu Á thì hãy nghĩ đến việc thuê một HLV đẳng cấp thế giới về dẫn dắt đội tuyển và chơi áp đặt.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.