Thời gian qua, nhiều người chỉ trích lối chơi kiểm soát bóng mà HLV Philippe Troussier đang áp dụng cho đội tuyển Việt Nam. Nếu cho rằng chỉ có đá phòng ngự mới mang lại thành công cho đội tuyển thì hãy thử đưa 10 cầu thủ hàng trên xuống đứng cùng với thủ môn xem thử chúng ta thua hay thắng?
Đặt câu hỏi vì sao đội tuyển của chúng ta thành công dưới thời HLV Park với lối đá này? Thực ra không phải chúng ta đá tốt vì chơi phòng ngự, mà đơn giản là khi ấy đội tuyển có một dàn cầu thủ trưởng thành, đạt độ chín và đồng đều, tới từ nhiều lò đạo tạo trong nước. Với lợi thế về mặt con người như vậy, không có để ông Park xây dựng được một lối đá gắn kết và có sức mạnh.
Đó cũng là lý do mà sau nhiều năm nắm quyền tại đội tuyển, HLV người Hàn Quốc vẫn luôn trung thành với những gương mặt quen thuộc chứ ít khi gọi triệu tập những cái tên mới. Và khi lứa cầu thủ tài năng ấy qua đỉnh của phong độ, không có lớp cầu thủ trẻ đủ sức thay thế, ông Park cũng buộc lòng phải rời ghế HLV trưởng do không thể giúp bóng đá Việt Nam tiến xa hơn.
Thế nên, thay đổi để phát triển là nhiệm vụ không thể nào khác với một HLV kế nhiệm như ông Troussier. Chẳng lẽ chúng ta chỉ biết phòng ngự, phản công, mà không biết chủ động tấn công là gì? Đá như vậy, với những con người hiện có, chúng ta sẽ chẳng cách nào vượt qua nổi Thái Lan, Indonesia chứ đừng nói đến giấc mơ tham dự World Cup.
>> Tuyển Việt Nam như 'người si nói mộng' khi cố chơi kiểm soát bóng
Tình yêu với bóng đá với đội tuyển quốc gia của người Việt lúc nào cũng mãnh liệt. Nhưng điều đó cũng đi kèm với một tâm lý đó là người hâm mộ lúc nào cũng muốn chiến thắng và khi không thắng chúng ta lại quay sang chỉ trích HLV, đổ lỗi cho chiến thuật... Vậy mới nói, làm HLV đội tuyển Việt Nam chưa bao giờ là một công việc dễ dàng bởi không những áp lực phải đá tốt, mà còn phải chịu đựng sự soi xét của các cổ động viên.
Nói thật, nếu bộ khung đội tuyển của chúng ta vẫn cứ đồng đều như trước, các cầu thủ công hay, thủ tốt, ăn ý với nhau từng chút một thì chẳng có HLV nào muốn rời đi. Còn khi thời thế đã thay đổi, chúng ta bắt buộc phải thay một vị thuyền trường mới, với một dàn tuyển thủ mới chưa có độ chín, cùng những ngôi sao đã qua thời kỳ đỉnh cao, thì người hâm mộ cũng phải chấp nhận những thay đổi trong lối chơi.
Hãy để ông Troussier hay bất cứ HLV nào sau đó được theo đuổi và xây dựng triết lý của riêng mình. Đường dài mới biết ngựa hay, cứ chờ kết quả sau một thời gian đổi mới, khi ấy hãy đánh giá và quyết định có nên tiếp tục hay không?
Tieu Nho
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.