Chứng kiến màn trình diễn của đội tuyển Việt Nam thời gian qua, tôi tin rằng lối chơi kiểm soát bóng chưa thể mang lại thành tích tốt cho bóng đá nước nhà, vì lẽ đơn giản là chất lượng cầu thủ của chúng ta không thể đáp ứng được yêu cầu của lối chơi này.
Thay vì nâng tầm lối chơi phòng ngự phản công đã đạt được những thành công nhất định, với những con người phù hợp hơn, thì HLV Troussier lại quyết định "đập đi xây lại". Cái vòng luẩn quẩn này chỉ khiến bóng đá Việt Nam mất phương hướng. Ngay cả khi chúng ta tìm một HLV khác để thay thế thì câu hỏi đặt ra vẫn là đội tuyển sẽ đá theo phong cách nào?
Thay đổi là điều cần thiết để phát triển, nhưng nó phải phù hợp với con người và hoàn cảnh. Chúng ta không thể thay đổi theo kiểu mỗi đời HLV một cách chơi được. Chỉ nên thay đổi con người chứ lối chơi thì nên định hình cố định. Bóng đá Việt đến bây giờ vẫn chưa biết chơi như thế nào cho phù hợp thì rõ ràng chúng ta có vấn đề về tầm nhìn, chiến lược.
Nói về lối chơi kiểm soát bóng, muốn thành công thì cầu thủ phải hội đủ ba yếu tố cơ bản: thể lực, kỹ thuật, tư duy. Cầu thủ Nhật Bản mất rất nhiều năm để đạt được trình độ như hôm nay, phần lớn đến từ tầm nhìn của Liên đoàn, tiềm lực kinh tế và bản thân nền thể thao học đường trong nước cũng rất phát triển.
Nhưng đá kiểm soát bóng cũng chỉ có thời và phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng cầu thủ. Brazil hiện đang là ví dụ điển hình, bậc thầy kiểm soát bóng nhưng đã hơn 10 năm qua đội tuyển của họ chưa vào đến Chung kết một kỳ World Cup nào, hay gần nhất là thất bại liên tiếp ở vòng loại World Cup 2026, vì thiếu cầu thủ chất lượng để vận hành lối chơi này.
>> HLV Troussier loay hoay 'đập đi xây lại' đội tuyển Việt Nam
Trong khi đó, nhìn sang đội tuyển Italy khi vô địch World Cup 2006 và Chelsea vô địch C1 với lối đá phòng ngự phản công.Có thể thấy phòng ngự phản công khoa học là vua của mọi lối đá. Sau này, họ không còn thành công nữa là do chất lượng cầu thủ đi xuống. Và tất nhiên, những đội bóng này chỉ đá phòng ngự phản công khi gặp đội mạnh hơn. Còn khi gặp đội yếu hơn thì họ vẫn tấn công như thường.
Nói chung, lối chơi phải đa dạng chứ không phải gặp đội nào cũng chơi kiểm soát bóng được. Ông Troussier dường như chỉ có một lối chơi duy nhất cho mọi trận đấu nên việc thất bại là điều dễ hiểu. Chất lượng cầu thủ Việt bây giờ thuộc hàng trung bình yếu của châu Á nên đòi hỏi họ đá kiểm soát bóng gần như là nhiệm vụ bất khả thi. Khi nào cầu thủ Việt xuất ngoại thành công như Nhật, Hàn thì lối chơi này mới phát huy tác dụng. Còn không, lối chơi phòng ngự phản công vẫn là tối ưu nhất.
Bóng đá xét cho cùng vẫn là phải có thành tích chứ không phải đá cho vui, cho đẹp rồi thua cũng sướng. Chúng ta đã thành công với lối chơi phòng ngự phản công từ thời ông Park thì nên kế thừa và nâng tầm nó lên bằng những con người tốt hơn. Một lối chơi phòng ngự, chủ động nhường thế trận và quyền kiểm soát cho đối phương, nhưng chỉ một đợt phản công sắc bén là kết liễu được đối phương thì đội nào cũng ngán khi gặp Việt Nam. Chứ kiểm soát bóng mà vô hại thì cũng chẳng để làm gì.
Chọn lối chơi phòng ngự cũng không phải là không thể tiến xa như suy nghĩ của một số người. Lối chơi nào cũng phải phụ thuộc vào tố chất và chất lượng cầu thủ. Nếu không đáp ứng được thì chúng ta đừng cố để rồi phí công vô ích. Ở đây, tôi không đề cao hay hạ thấp bất kỳ lối chơi nào mà cần biết vận dụng linh hoạt với từng trận đấu.
Cái chúng ta cần bây giờ và cho các lứa cầu sau là định hình một lối chơi cố định và phát triển xung quanh nó, chứ không nên thay đổi cách chơi với mỗi đời HLV khác nhau. Nếu chúng ta cứ loay hoay với bài toán chơi bóng kiểu nào thì tranh cãi sẽ còn dài và không bao giờ có hồi kết.
BH Quang
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.