Đa số hiện giờ, người hâm mộ Việt Nam đang chê bai HLV Troussier, cho rằng tuyển Việt nam hiện tại không bằng thời ông Park Hang-seo. Tuy nhiên, tôi cho rằng mỗi HLV có cách chơi khác nhau. Có một điểm chung ở cả hai vị HLV này là họ đều muốn cống hiến hết mình vì tương lai của bóng đá Việt Nam.
Điểm mạnh của ông Park cũng như tính cách người Hàn Quốc, đó là truyền năng lượng tích cực vào cầu thủ, chứ kỹ năng của họ đã đạt đến giới hạn rồi. trong khi đó, ông Troussier lại là người đem lại sự đa dạng trong lối chơi của cầu thủ Việt. Có điều, ông thầy người Pháp có thể sẽ thất bại ở thời điểm hiện tại vì đa phần các cầu thủ từ lứa U21 đều đã thấm nhuần triết lý phòng thủ - phản công mà xưa nay từ HLV nội đến HLV ngoại ở ta đều đã áp dụng, từ cấp CLB đến đội tuyển quốc gia.
Tuy vậy, nếu bắt ông Troussier cũng đi theo cách chơi này thì chẳng có lý do gì chúng ta phải mất tiền mời cả một HLV ngoại về, trong khi các HLV nội có khi còn giỏi "đổ bê tông" hơn cả ông Park. Xét cho cùng, NHM Việt vẫn đang xoáy vào phần ngọn của vấn đề (chiến thuật) chứ chưa đề cập đến phần gốc rễ. Theo tôi, vấn đề cốt yếu vẫn nằm yếu tố con người, cụ thể là khâu đào tạo trẻ chứ không phải do HLV giỏi hay dở.
Nếu suy xét thật kỹ, ở lứa U16, U19, U21 của Việt Nam rất ít được thi đấu đỉnh cao, nên kỹ năng chơi bóng của các cầu thủ từ đỡ bước một, chuyền, chạy, sút, dẫn bóng, chọn vị trí đánh đầu... đều rất tệ. Nếu VFF muốn "xây nhà" vững chắc, nhiệm vụ đầu tiên là phải tập huấn HLV trẻ cấp CLB, nâng cao trình độ của họ lên, hoặc thuê HLV chuyên sâu về đào tạo trẻ đến từ các nền bóng đá kỹ thuật hàng đầu thế giới như Brazil, Argentina, Tây Ban Nha, Pháp... Có như thế đội tuyển của chúng ta, dù được dẫn dắt bởi HLV nội hay ngoại, thì khi bắt tay vào việc cũng không phải cầm tay chỉ việc từng chút một như hiện nay.
>> 'Tuyển Việt Nam khó vượt Thái Lan nếu cứ đá phòng ngự'
Nếu không dám đương đầu với thử thách sao biết mình yếu. Ông Park sau khi thất bại ở Vòng loại thứ ba World Cup cũng đã thốt lên rằng, có lẽ các cầu thủ Việt đã quen với lối đá đối phó với các đội ở Đông Nam Á (ít đánh đầu, di chuyển chậm, lối chơi nghèo nàn, chủ yếu phòng thủ "đổ bê tông" giống Việt Nam), nên khi gặp các ông lớn châu Á, chúng ta chỉ biết co cụm, chưa đá đã sợ thua.
Theo quan điểm chủ quan của tôi thì chiến thuật của HLV Troussier vẫn ổn, có chăng là do cầu thủ trẻ Việt Nam ít được cọ xát với các đội mạnh hơn, kỹ năng chơi bóng còn quá yếu. HLV trưởng ĐTQG chỉ có nhiệm vụ chính là lắp ráp chiến thuật. Chứ với chất lượng nhân sự như bây giờ, dù có là Pep, Klop, Mourino, Lippi... đến dẫn dắt đội tuyển Việt Nam cũng phải chào thua mà thôi.
Lứa cầu thủ tài năng như Quang Hải, Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh... đến nay đã đạt đỉnh chuyên môn rồi, khó lòng học thêm những kỹ năng nâng cao hơn nữa. Bản thân ông Park cũng đã hết bài vở để truyền đạt thêm, có chăng chỉ truyền lại cho lứa trẻ kế cận sau này như mong ước cống hiến dành cho bóng đá Việt Nam. Thế nên, thay vì chỉ trích ông Troussier, chúng ta nên ủng hộ để sự chuyển giao, thay đổi đem lại hiệu quả tối đa.
Ở những nước có nền bóng đá phát triển, HLV trưởng ĐTQG không phải hò hét chỉ dạy lại căn bản cho cầu thủ, họ chỉ đứng ngoài quan sát xem học trò tập luyện thế nào, phong độ ra sao để lắp ráp chiến thuật cho phù hợp. Thế nên, trước khi trách HLV Troussier, chúng ta cũng cần xe lại xem mình có những gì để đòi hỏi này nọ. Tôi cho rằng, ông thầy người Pháp đã có nghiên cứu về lịch sử bóng đá Việt Nam để tìm ra giải pháp hướng đến tương lai. Cái thất bại lớn nhất của ông không nằm ở chiến thuật mà là việc chưa hiểu rõ phương pháp đào tạo trẻ ở các CLB nên đặt yêu cầu quá sức của cầu thủ.
Tóm lại, chỉ khi nào VFF nhìn nhận lại khâu đào tạo trẻ, có thể mời chuyên gia giỏi về huấn luyện lứa U15, U17 những kỹ năng từ căn bản đến nâng cao, khi nào Việt Nam có mặt thường xuyên ở World Cup U17, U20, thì may ra bóng đá nước nhà mới có đủ cơ sở để bước chân ra châu lục. Còn không, dù Việt Nam có thay bao nhiêu HLV nữa cũng vẫn sẽ thất bại.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.