Nhận định trong bài viết "Tuyển Việt Nam sẽ 'chìm nghỉm' nếu không bỏ lối đá phòng ngự" của tác giả Mandsy đã để lọt một yếu tố cực kỳ quan trọng nhưng mang tính quyết định đến thành công của một đội bóng. Đó là lối đá kiểm soát bóng yêu cầu các cầu thủ trong đội hình phải thường xuyên ăn tập với nhau, mà yếu tố này gần như chỉ phù hợp với cấp độ câu lạc bộ - nơi mà cầu thủ được tập luyện và ra sân thi đấu đều đặn mỗi tuần nên cực kỳ ăn ý.
Trong khi đó, với cấp độ đội tuyển quốc gia, đặc điểm là các tuyển thủ được triệu tập nhiều lắm một năm cũng chỉ tập trung được vài đợt ngắn ngày. Thế nên, đòi hỏi đội tuyển Việt Nam phải đá kiểm soát bóng một cách nhuần nhuyễn và hiệu quả là một điều rất khó nếu không muốn nói là nhiệm vụ bất khả thi.
Từ thực tế lịch sử bóng đá thế giới, có hai trường hợp một đội tuyển quốc gia có thể thành công với lối đá kiểm soát bóng, đáng để chúng ta tham khảo, đó là:
Trường hợp thứ nhất, đội tuyển quốc gia có số cầu thủ đá chính chiếm khoảng hơn nửa đội hình chính đến từ một CLB có lối đá kiểm soát bóng. Trường hợp này giống như đội tuyển Bây Ban Nha năm 2010. Với bộ khung chính là các cầu thủ Barcelona, vốn nhuần nhuyễn lối đá Tiki Taka, từng không ít lần "hành hạ" đối phương với những bài "đá bóng ma" của mình, nên khi lên tuyển, những cầu thủ này dễ dàng triển khai lối đá tương tự. Tất nhiên, phải nhấn mạnh rằng, Barca vốn là một đội bóng rất mạnh nên cầu thủ lên tuyển mới không bị "chìm nghỉm".
>> Tuyển Việt Nam vô hại khi cố chơi kiểm soát bóng
Trường hợp thứ hai cũng khá thành công với lối chơi kiểm soát bóng ngắn chính là đội tuyển Nhật Bản. Bóng đá xứ mặt trời mọc có một sự đồng bộ về lối chơi từ các CLB ở giải VĐQG cho đến các cấp độ đội tuyển quốc gia. Hiện, đội tuyển Nhật Bản đang ngày càng củng cố được đẳng cấp trước các đối thủ mạnh đến từ châu Âu, Nam Mỹ... Và một điều đặc biệt nữa, đó là lối đá của Nhật Bản không phụ thuộc nhiều vào các ngôi sao. Trong nhiều trận đấu, họ không cần sự có mặt của các cầu thủ nổi tiếng đang chơi bóng ở châu Âu, nhưng vẫn giành được chiến thắng nhờ sự đồng đều trong đội hình.
Như vậy, xét theo cả hai trường hợp trên, bản thân tôi có phần bi quan với lối đá mà đội tuyển của chúng ta đang theo đuổi. Thực tế, giải VĐQG V-League đang mỗi CLB chơi một kiểu, và có một điểm chung là gần như chẳng có CLB nào có lối đá kiểm soát bóng. Thay vào đó, các đội bóng trong nước vẫn chuộng kiểu đá "phất bóng cho Tây chạy". CLB đá kiểm soát bóng ngắn duy nhất thì đến giờ lại không phải đội mạnh, không vào được top đầu giải quốc nội, chứ chưa xét đến cấp châu lục. Vậy nên làm sao đội tuyển quốc gia có thể trông chờ vào một bộ khung vững chắc để xây dựng lối đá kiểm soát bóng?
Chốt lại, nếu chỉ trông chờ vào một huấn luyện viên ngoại có tiếng, cộng với vài đợt tập trung ngắn mỗi năm, mà đòi phải xây dựng cho đội tuyển Việt Nam một lối chơi kiểm soát bóng nhuần nhuyễn và đạt được thành công, thì chẳng khác nào "người si nói mộng". Tôi vẫn luôn cổ vũ từng bước đi của đội tuyển nước nhà, nhưng với những gì đã và đang xảy ra với bóng đá Việt Nam, ngay cả những người lạc quan nhất cũng khó mà mơ mộng được.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.