Sau trận thua 0-2 trước Trung Quốc, đội tuyển Việt Nam tiếp tục có thất bại thứ hai liên tiếp với cùng tỷ số trước Uzbekistan. Điều đáng nói, các học trò của HLV Troussier thậm chí còn không dứt điểm được lần nào về phía khung thành của đối thủ.
Hiện nay, có hai luồng tranh luận về cách chơi bóng của đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Troussier. Một bên ủng hộ lối đá "kiểm soát", trong khi bên còn lại muốn đội tuyển quay về đá "phòng ngự phản công" như thời HLV Park Hang-seo. Ở đây, phải nói rõ rằng phòng ngự phản công khác với lối chơi tử thủ.
Thật sự, dưới thời HLV Park, đội tuyển của chúng ta cũng đã đạt tới ngưỡng giới hạn. Vì vậy, đội bóng cần phải đổi mới lối chơi để tiến lên, đó là quy luật tất yếu. Nhưng đổi mới như thế nào thì rõ ràng đang làm bùng nổ tranh luận như những gì đã diễn ra trong thời gian qua, từ khi HLV người Pháp lên nắm quyền chỉ đạo.
Tôi hiểu rằng, hoạch định chiến lược cho bóng đá Việt Nam phát triển là việc VFF đã và đang làm, bên cạnh đó, còn có sự hỗ trợ của GĐKT, Hội đồng HLV. Nhưng tôi vẫn có một thắc mắc rằng tại sao giai đoạn chuyển giao từ HLV Park sang HLV Troussier lại cứ phải "đập bỏ" hoàn toàn để xây lại từ đầu theo triết lý chơi kiểm soát bóng, mà không tận dụng, phát huy thế mạnh đã được kiểm chứng bao năm qua và từng bước điều chỉnh cho phù hợp với lối chơi mới.
Việc đập đi xây lại này đòi hỏi phải có nhân lực, vật lực - thứ mà nền bóng đá của chúng ta chưa đủ sức đáp ứng được. Và chỉ với một người đề xướng là HLV Troussier thì có dám chắc rằng bóng đá Việt Nam sẽ nhanh chóng thành công không? Hay chúng ta cứ đi tìm cái mới (được cho là mục tiêu vào Vòng chung kết World Cup 2026 hoặc 2030) mà chưa biết sẽ ra sao?
"Chưa học bò chớ lo học chạy", bóng đá khu vực ĐNA mà chúng ta còn chưa thống trị nổ thì nói gì đến các mục tiêu xa hơn? Ở đây không phải là bi quan nhưng muốn gì cũng phải có cơ sở. Cần phải xây dựng nền bóng đá căn cơ, tránh tai tiếng theo kiểu "xây nhà từ nóc" như thời gian qua. Vượt qua ĐNA hay gọi là "ao làng" và khẳng định trình độ ở khu vực châu Á thì ai cũng mong muốn, nhưng không nên vội vàng như một đứa trẻ, khi ra chợ thấy cái áo mới sặc sỡ là nằng nặc đòi ba mẹ mua về nhưng lại không mặc và phải bỏ đi.
>> Việt Nam không thể đá phòng ngự mãi như thời HLV Park Hang-seo
Nói về triết lý chơi kiểm soát bóng của HLV Troussier tại thời điểm này, tôi mạnh dạn nhận xét rằng chúng ta chưa đủ thực lực: thể trạng, sức bền cầu thủ kém, tư duy chiến thuật hạn chế, số lượng cầu thủ dùng cho thử nghiệm lối chơi hiện tại không đủ. Bằng chứng là sự chắp vá mà HLV Troussier bố trí đội hình vừa qua, và tư duy chơi kiểm soát bóng chưa sẵn sàng trong các cầu thủ nó đang bộc lộ khi bị kìm hãm về việc phải kiểm soát bóng nhiều, sợ mất bóng nên cứ chuyền qua chuyền lại, chuyền về, làm cho cầu thủ không còn sự sáng tạo và bài vở trong tấn công. Việc này HLV cũng không thể vào sân đá thay và cũng không thể thay đổi ngay trên phần ngọn được.
Như vậy, tại sao cứ phải chơi kiểm soát bóng mà không chọn một phương án nào khác vừa phù hợp với những gì đang có để đạt kết quả tốt hơn? Cần duy trì cách chơi bóng "biết người biết ta" và triết lý chơi kiểm soát bóng của HLV Troussier cũng cần triển khai song song cho cấp độ từ U17 đến U20. Bên cạnh đó, VFF cũng cần nâng cấp chất lượng V-League tốt hơn, tạo điều kiện cho cầu thủ trẻ, mở rộng thể lệ tại giải VĐQG cho cầu thủ Việt kiều tham gia nhiều hơn nhằm duy trì quốc tịch về sau.
Cải thiện thể lực dinh dưỡng cho cầu thủ là thứ có thể làm và đạt kết quả ngay, nhưng cải thiện thể trạng con người thì cần phải khoa học – sinh học đôi khi mất thời gian cả một thế hệ, do đó nguồn cầu thủ Việt kiều cũng là nguồn dồi dào cho lối chơi kiểm soát. Như vậy bóng đá của chúng ta sẽ tránh được sự tụt lùi rồi rơi vào cảnh lại thua các đội bóng ĐNA, làm ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng dẫn đến thua triền miên (việc này trong quá khứ đã từng diễn ra ở thời "thế hệ vàng" của Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Công Minh, Quốc Cường, Minh Chiến, Minh Quang...).
Nếu duy trì được song song như trên, đến khi đủ thực lực (hai hoặc ba năm nữa), tôi tin chúng ta sẽ hòa nhập lại thành một khối vững chắc. Khi đó, chơi kiểm soát bóng sẽ là lối chơi chủ đạo, bóng đá Việt Nam cùng lúc sẽ đạt được hai mục tiêu.
Lộc Trần
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.