Lê Thị Thanh Trà (quê Quảng Ngãi) học tập và làm việc tại TP HCM đã hơn 10 năm. Khởi đầu từ một nhân viên, cô thăng tiến trở thành phó phòng marketing trong một công ty lớn. Tập trung cho công việc nên cô cũng chưa có bạn trai, dù được nhiều người quen mai mối. Mục tiêu hiện nay của Trà là vị trí trưởng phòng sắp sửa được bổ nhiệm lại.
"Nếu lấy chồng, sinh con thời điểm này, sự nghiệp chắc chắn bị chững lại. Trong 3-5 năm tới, tôi muốn ưu tiên phát triển công việc và bản thân, sau này cũng có điều kiện nuôi con tốt hơn", Trà cho hay.
Đầu tháng 5, cô đến Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM (IVFTA-HCMC) để thực hiện trữ trứng và lưu giữ được 15 trứng khỏe mạnh, bảo tồn khả năng làm mẹ trong tương lai.
Hoàng Thị Minh Thư (32 tuổi, ngụ TP HCM) cũng vừa trữ lạnh thành công 10 trứng. Thư làm giáo viên tiểu học, từng có bạn trai nhưng chia tay cách đây 5 năm. Sau đó cô cũng chỉ tập trung với công việc và chăm sóc cha mẹ mà chưa nên duyên với ai. Thư xác định trong vài năm tới nếu chưa gặp được người phù hợp thì vẫn chưa kết hôn, dù mẹ thường xuyên hối thúc cô lấy chồng vì lo sợ quá tuổi sẽ khó sinh con.
"Tôi nói mẹ yên tâm vì tôi trữ trứng trước, sau này khi gặp người phù hợp sẽ kết hôn, dù quá tuổi vẫn sinh con bình thường nên mẹ tôi đồng ý", Thư cho biết.
Theo thống kê của Tổng Cục Thống kê Việt Nam vào năm 2021, độ tuổi kết hôn trung bình của nữ giới đang có sự gia tăng hàng năm, từ 22 tuổi vào năm 1999 tăng lên 24 tuổi vào năm 2021. Phụ nữ sinh sống ở các khu vực thành thị có xu hướng kết hôn muộn hơn ở các khu vực nông thôn. Xét theo trình độ học vấn, phụ nữ tốt nghiệp THPT trở lên có độ tuổi kết hôn trung bình muộn hơn 5 năm so với những phụ nữ còn lại.
Bác sĩ Phạm Thị Mỹ Tú, IVFTA-HCMC, cho biết thời gian qua bệnh viện ghi nhận tỷ lệ phụ nữ đến trữ trứng xã hội ngày càng cao. Mỗi ngày, các bác sĩ đều tiếp nhận các trường hợp có nhu cầu trữ trứng, chủ yếu là phụ nữ trong độ tuổi 28-35 tuổi, nguyên nhân do định hướng kết hôn và sinh con muộn. Thời gian cao điểm có 10-15 trường hợp/một tuần. Trong số ít trường hợp khác, phụ nữ đến trữ trứng trước khi điều trị ung thư; hoặc trước khi sử dụng hormone chuyển đổi giới tính.
Năm 2022, Hệ thống IVF Tâm Anh tiếp nhận gần 100 trường hợp phụ nữ trẻ trữ noãn làm mẹ. Trong 5 tháng đầu năm 2023, con số này tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Những trường hợp trữ trứng do kết hôn muộn chia sẻ rằng họ mong muốn cống hiến nhiều hơn khi tuổi còn trẻ hoặc chưa tìm kiếm được bạn đời phù hợp, nhưng đồng thời lo sợ khả năng sinh con giảm sút khi qua giai đoạn này.
"Thông thường, đứng trước một trường hợp trữ trứng, bác sĩ sẽ cân nhắc trên nhiều yếu tố về tuổi tác, bệnh lý đi kèm, dự định có con trong tương lai. Những trường hợp trữ trứng thành công, họ bày tỏ niềm vui khi vẫn có cơ hội phát triển sự nghiệp và bảo tồn được khả năng làm mẹ sau này", bác sĩ Tú chia sẻ.
Theo các nghiên cứu, phụ nữ sau 35 tuổi có khả năng mang thai kém hơn do số lượng và chất lượng trứng suy giảm; đồng thời dẫn đến các bất thường trong nhiễm sắc thể khiến thai nhi gặp phải các dị tật bẩm sinh... Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa được công bố hồi tháng 4, trên thế giới trung bình cứ 6 người thì có một người bị vô sinh. Ở nữ giới tình trạng vô sinh có thể diễn ra do một loạt các vấn đề về buồng trứng, tử cung, ống dẫn trứng, hệ thống nội tiết, hoặc đôi khi không thể xác định rõ nguyên nhân. Do đó, trữ trứng đang là phương pháp được nhiều phụ nữ quan tâm để bảo tồn khả năng sinh sản, đặc biệt là phụ nữ kết hôn muộn.
Theo ThS.BS Giang Huỳnh Như, Giám đốc IVFTA-HCMC, đã có những bệnh nhân đến bệnh viện trong tình trạng buồng trứng gần như cạn kiệt, suy giảm hoàn toàn do tuổi tác, hoặc suy giảm buồng trứng sớm do các bệnh lý phụ khoa kèm theo mà không hề hay biết. Họ phải chấp nhận xin trứng để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Do đó, phụ nữ trong độ tuổi sinh con nên tầm soát các bệnh lý có thể gây ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản. Phụ nữ chưa kết hôn mà vẫn muốn có con trong tương lai nên thực hiện trữ trứng trước 35 tuổi.
"Khi trữ trứng, đồng hồ sinh học của trứng sẽ dừng lại tại thời điểm đó. Chất lượng trứng được duy trì, phụ nữ chủ động được thời gian mang thai trong tương lai, tránh nguy cơ phải xin trứng về sau", bác sĩ Như nhấn mạnh.
Hoài Thương
* Tên nhân vật đã được thay đổi.