Trả lời:
Trữ trứng (noãn) xã hội lúc còn nang noãn chất lượng, chưa có kế hoạch hay điều kiện sinh con là xu hướng của nhiều phụ nữ hiện đại.
Bên cạnh khả năng thụ thai tự nhiên suy giảm, phụ nữ càng lớn tuổi càng có nguy cơ cao gặp biến chứng trong thai kỳ như tiểu đường, cao huyết áp; sẩy thai. Nguy cơ con chậm phát triển về thần kinh vận động cũng tăng. Bởi thai phụ càng lớn tuổi thì khả năng các nhiễm sắc thể ở trứng dính vào nhau càng cao, dẫn đến các bệnh như hội chứng Down, Edwards... Trữ trứng là giải pháp ngăn ngừa tác động về tuổi tác và bệnh lý ảnh hưởng khả năng sinh sản của nữ giới.
Trước khi phụ nữ kích thích buồng trứng và chọc hút trứng, bác sĩ khám và chỉ định thực hiện một số xét nghiệm cần thiết liên quan đến chỉ số dự trữ buồng trứng (AMH) và điều kiện sinh sản khác. Trứng được trữ trong bình nitơ lỏng, âm 196 độ C, chờ ngày tạo phôi.
Phương pháp thủy tinh hóa hiện nay cho phép trữ lạnh nhanh, không có sự hình thành tinh thể đá bên trong tế bào, nên tế bào trứng được bảo vệ an toàn, tỷ lệ sống cao khi rã đông.
Trứng có thể được trữ lạnh ở thời gian dài (lên tới 10 năm), không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sau khi rã. Nếu phụ nữ trữ trứng ở độ tuổi 20, sau đó ngoài 30 tuổi mới mang thai, trứng được rã đông sau hơn chục năm thì chất lượng vẫn tốt như độ tuổi 20. Tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (IVF Tâm Anh), tỷ lệ trứng sống sau rã đông lên đến 95%.
Tỷ lệ thành công khi thụ tinh ống nghiệm của các trường hợp trữ trứng phụ thuộc vào độ tuổi của phụ nữ thời điểm đông lạnh trứng và môi trường trữ.
Tuổi càng trẻ khả năng mang thai bằng trứng đông lạnh cao hơn. Ngược lại, thai phụ quá lớn tuổi, nguy cơ tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ, tăng huyết áp có thể xảy ra, gây nguy hiểm cho cả mẹ và con. Do vậy, bạn nên lưu ý thời gian mang thai và sinh con trong chuẩn độ tuổi sinh đẻ (dưới 35 tuổi) là tốt nhất cho mẹ và con.
Bác sĩ Vũ Mai Anh
Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp |