Ai cần kích trứng?
Hầu hết phụ nữ cần kích trứng vì một trong ba lý do dưới đây.
Thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) - phương pháp hỗ trợ sinh sản thường dùng để điều trị cho bệnh nhân vô sinh hiếm muộn. Bác sĩ thu thập trứng từ buồng trứng, trữ đông, sau đó đem thụ tinh với tinh trùng tạo phôi, chuyển phôi vào tử cung người phụ nữ giúp họ mang thai, sinh con.
Lấy trứng để đông lạnh khi chưa sẵn sàng sinh con, bảo tồn khả năng sinh sản về sau, tránh suy giảm chất lượng hoặc số lượng trứng.
Hiến trứng cho người khác.
Quy trình kích trứng diễn ra thế nào?
Mỗi tháng, buồng trứng giải phóng một quả trứng trưởng thành vào ống dẫn trứng, chờ thụ tinh với tinh trùng. Tuy nhiên, khi cần lấy trứng, bác sĩ cố gắng thu thập càng nhiều trứng trưởng thành càng tốt trong một chu kỳ rụng trứng.
Theo Lauren Roth, bác sĩ sản phụ khoa, nội tiết sinh sản và vô sinh tại Mỹ, trước hết, người phụ nữ được kiểm tra số lượng trứng bằng cách phân tích nồng độ hormone trong máu và kết quả siêu âm buồng trứng. Thời gian phù hợp là ngày thứ hai hoặc thứ ba của chu kỳ kinh nguyệt, cho phép bác sĩ dùng thuốc để lấy được nhiều trứng trưởng thành nhất.
Bệnh nhân sau đó được tiêm thuốc hormone nhằm kích thích trứng phát triển trong khoảng hai tuần. Các bác sĩ theo dõi phản ứng của phụ nữ với thuốc bằng siêu âm và xét nghiệm máu. Khi có đủ nang trứng phát triển trứng trưởng thành, bác sĩ tiêm thuốc lần cuối khoảng 36 giờ trước khi chọc hút để kích thích cơ thể người bệnh giải phóng trứng.
Lấy trứng có đau không?
Theo bác sĩ Roth, trong quá trình lấy trứng, bệnh nhân được cho dùng thuốc giảm đau và thuốc an thần nên gần như không gây khó chịu. Bác sĩ đưa một cây kim xuyên qua thành âm đạo vào buồng trứng, đi vào từng nang trứng, sử dụng lực nhẹ để hút chất lỏng và trứng ra ngoài.
Thông thường, các bác sĩ thu nhận được khoảng 15-20 quả trứng. Thủ thuật này diễn ra khá nhanh chóng, thường khoảng 20-30 phút.
Bệnh nhân có thể gặp một số tác dụng phụ nhẹ như chuột rút, đầy hơi..., nhưng hồi phục nhanh và có thể quay lại công việc sau 1-2 ngày nghỉ ngơi.
Kích trứng có gây tác dụng phụ?
Theo bác sĩ nội tiết sinh sản Josh Klein tại New York, Mỹ, một số người sử dụng thuốc kích thích buồng trứng gặp tác dụng phụ như đau đầu, thay đổi tâm trạng, mất ngủ, nóng hoặc lạnh, đau ngực, đầy hơi, giữ nước nhẹ do dao động nội tiết tố. Vết tiêm cũng có thể bị đau, đỏ hoặc hơi bầm tím.
Hội chứng quá kích buồng trứng sau khi dùng thuốc kích trứng có thể xảy ra dù ít gặp. Điều này khiến buồng trứng sưng lên, dẫn đến đau bụng, chướng bụng, buồn nôn, tăng cân và các triệu chứng khó chịu khác.
Anh Ngọc (Theo Parents)