Tôi thấy nhiều người sai lầm khi xem thường tài sản thừa kế của cha mẹ. Có một công thức rằng: của cải = tư liệu sản xuất + phương thức suất = đầu vào sản phẩm + trình độ vận hành. Cho nên, chúng ta đừng có thần thành hóa trình độ vận hành của mình mà coi khinh tư liệu sản xuất nữa.
Ở đây, tư liệu sản xuất phần lớn có được là do thừa kế từ ông bà, cha mẹ để lại... Các bạn có thể học tập, đạt trình độ cao, nhưng khi ra ngoài đời, cũng vẫn phải dựa vào tư liệu sản xuất của người khác (chủ công ty thuê bạn vận hành) thì mới kiếm được tiền.
Các bạn có thể có cơ hội tiếp cận được tư liệu sản xuất mình cần theo cách xin việc và hài lòng với nó, không có nghĩa là ngoài kia ai cũng có cơ hội làm được giống bạn, nên đừng có đánh giá người khác là lười, là trông chờ thừa kế... Khi họ không có được trình độ và cơ hội để tiếp cận tự liệu sản xuất "xịn" từ người khác, thì họ sẽ cần tới các tư liệu sản xuất từ nguồn thừa kế để tự xây dựng hệ thống của mình.
Nếu chỉ cần trình độ thôi thì ngân hàng cho vay vốn (tư liệu sản xuất) để làm gì? Nhà nước bảo hộ đất đai nông nghiệp (tư liệu sản xuất) để làm gì? Thành công với bạn nhưng là thất bại với người khác, vì cơ bản cơ hội và trình độ mỗi người đều khác nhau.
Nhiều người thần tượng và mang Bill Gates ra để làm mẫu hình noi theo mà không biết rằng ông có xuất thân "khủng": mẹ làm Giám đốc ngân hàng, ông ngoại làm Chủ tịch ngân hàng, bố là luật sư. Hậu quả là khối kẻ "vỡ mộng" vì nghĩ sẽ bỏ học đại học và đi lên từ hai bàn tay trắng như Bill Gates.
>> 'Trông đợi tài sản thừa kế của cha mẹ chẳng có gì sai'
Nhiều người nói "cha mẹ phương Tây không để lại bất động sản, tài sản cho con". Nếu thật vậy thì họ xây dựng Luật thuế thừa kế ra để làm gì? Không lẽ thuế đó thất thu hết sao? Những người nói không để lại tài sản cho con ở phương Tây, thực ra toàn là những người quá giàu. Thay vì để lại cho con nhà đất, tiền bạc, họ lại để lại các mối quan hệ, công ty, và một phần tài sản đó đã hơn khối người bình thường rồi. Thậm chí, họ có thể chuyển tài sản vào các quỹ từ thiện để né thuế thừa kế, nhưng thực tế con cái họ vẫn quản lý nó từ xa.
Ngoài ra, cũng có người phương Tây không để lại tài sản thừa kế cho con đơn giản là vì bản thân họ còn không có nhà để ở, phải đi thuê nhà cả đời nên muốn cho con gì đó cũng chẳng được. Cuộc đua bất động sản ở phương Tây đã ngã ngũ, người thắng - kẻ thua đã rõ ràng, ai có tích lũy nhiều bất động sản thì cho thuê sống dư dả, còn ai thất bại phải chấp nhận ở nhà thuê nhiều thế hệ.
Trong khi đó, cuộc đua tích lũy tư liệu sản xuất ở Việt Nam mới chỉ bắt đầu, sau 30-50 năm nữa, chúng ta cũng sẽ như phương Tây mà thôi. Khi ván bài đã ngửa, thì cũng là lúc người Việt hết cơ hội tích lũy tài sản cho con cái.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.