Tác giả bài viết "U60 để tiền dưỡng già thay vì đem cho con cái" có chia sẻ quan điểm về tự chủ tài chính lúc tuổi già bằng việc tích lũy cho bản thân ngay từ sớm và không phân chia tài sản sớm cho con cái. Cá nhân tôi tôn trọng quyết định của mỗi người mà họ cho là phù hợp nhất với bản thân.
Tuy nhiên, có một vấn đề mà tác giả cũng như không ít người gặp phải đó là chưa nghĩ đến những biến cố bất thường khi bắt đầu bước vào tuổi già. Cụ thể, nhiều căn bệnh sẽ ập đến bất ngờ, nếu bạn khỏe mạnh thì không sao, nhưng sẽ có những bệnh làm cho chúng ta không còn đủ tỉnh táo hoặc không thể làm chủ hoàn toàn cơ thể, suy nghĩ của mình.
Lúc đó, dù bạn có ôm trong tay cả "núi tiền" thì cuộc sống của bạn cũng chẳng thể tự chủ. Bạn vẫn phải lệ thuộc người khác, mà ở đây là quyết định của con, cháu bạn. Nếu chúng không thực tâm yêu quý ông bà, cha mẹ thì dù tài sản mà bạn để lại có lớn đến mức nào đi chăng nữa thì chúng cũng vẫn sẽ để mặc bạn thôi.
Thế nên, tôi khuyên các bạn rằng đừng nghĩ về già có nhiều tiền là chắc ăn, không phải phụ thuộc con cái và được toàn quyền tự quyết định cuộc sống cho riêng mình. Việc tích lũy tiền bạc, của cải thật nhiều để làm vốn dưỡng già, xét cho cùng, cũng chỉ đóng góp 50% vào kết quả cuối cùng mà thôi. Phần còn lại vẫn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.
Ở đây, tôi cho rằng, cái gì cũng có giá của nó. Nhiều người hay trách người khác nhưng ít khi nhìn lại mình. Nhiều bậc phụ huynh trách con dâu, con rể không coi mình như cha mẹ ruột, thậm chí trách các con đẻ không đối xử hiếu thuận với mình lúc về già. Thế nhưng, họ lại không nghĩ lại xem mình có thực sự coi dâu, rể là con, đã đối xử công bằng với các con của mình hay chưa?
>> Tuổi già tự lo dù con cái chi tiêu 100 triệu đồng mỗi tháng
Chúng ta nên hiểu rõ vấn đề rằng nuôi con bạn là trách nhiệm của cha mẹ, vì bạn tự đẻ ra chúng nên bạn phải nuôi, đừng bắt con cái phải đền đáp khi bản thân bạn chưa cho đi một cách xứng đáng. Tình cảm gia đình phải tích lũy từ việc đối xử tử tế với nhau, hết lòng vì nhau chứ không phải từ sự đề phòng, lạnh lùng hay tính toán.
Ví dụ bạn đang có tiền, con bạn gặp khó khăn cần mượn để giải quyết chuyện của chúng. Nếu bạn kiên quyết không cho con mà bảo chúng đi vay bên ngoài vì đây là tiền dưỡng già của bố mẹ, thì thử hỏi tình cảm ở đâu, bảo chúng đối xử tốt với mình sau này thế nào được?
Quan điểm của tôi rất đơn giản, bạn phải tốt với người khác (kể cả con cái) trước khi yêu cầu điều ngược lại sẽ đến với mình. Còn bạn chỉ muốn ôm một cục tiền với suy nghĩ tự lo cho bản thân, không cần ai lúc về già, thì đó là lựa chọn của bạn, kết quả thế nào tự bạn chịu lấy.
Bản thân tôi có hai con (một trai, một gái). Tuy không dám mạnh miệng khẳng định rằng tôi lúc nào cũng đối xử công bằng với các con 100%, nhưng ít nhất tôi cũng ý thức được rằng không bao giờ để chúng cảm thấy có sự thiên vị, thiếu công bằng từ phía cha mẹ chúng. Tôi quan niệm rằng, nếu được công bằng tuyệt đối thì tỷ lệ cũng phải là "một chín, một mười". Vì khi bạn thương đứa này mười phần, còn đứa kia chỉ được tám phần, thì bản thân đứa con đã có thể nhận thấy sự chênh lệch, bất công. Như vậy chính bản thân cha mẹ đã gây bất hòa cho các con mình.
Tóm lại, tôi không dám phản bác quan điểm sống của ai, đặc biệt là trong câu chuyện phân chia tài sản cho con cái. Ở đây, tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng, chuyện con cái có hiếu với cha mẹ hay không không phụ thuộc vào việc cha mẹ chúng để lại khoản thừa kế nhiều hay ít, cho sớm hay cho muộn, mà tùy vào cái cách bạn nuôi dạy con thế nào. Đừng quá bận tâm đến chuyện phải tích trữ của cải ra sao cho thật nhiều mà hãy sống sao để số tiền ấy không làm ảnh hưởng đến cái tâm hiếu nghĩa của con.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.