Tác giả Thiet Hung chia sẻ quan điểm "tự mua nhà Sài Gòn, không cần tài sản thừa kế". Riêng tôi cho rằng không có chuyện đúng hay sai ở chuyện nhận thừa kế hay không? Có thể bạn không cần đến tài sản thừa kế nhưng chắc gì con cái bạn cũng không cần gia sản mà cha mẹ chúng để lại. Người làm ra tiền, có gia sản thường hay nói "chẳng cần tài sản để lại vì có thiếu gì đâu", nhưng rất khó để nói trước tương lai.
Tôi đã thấy, đã chứng kiến chuyện này rất nhiều. Có người sở hữu gia sản mà nhiều người mơ ước, với vài nhà trọ, kiếm vài trăm triệu mỗi tháng, nhưng vẫn mời luật sư ra tòa để kiện tranh giành số đất do bố mẹ để lại. Họ có lý của họ, chúng ta không thể đánh giá đúng hay sai vì có thể họ cứ nhận rồi cho lại như một món quà dành cho người khác, hoặc họ cứ để đó đến khi nào gặp khó khăn mới quyết định sử dụng. Các anh, chị, em ai cũng có gia sản, nếu họ không lấy thừa kế cũng chẳng ai cám ơn cả. Hoặc cũng có thể họ coi đó là quà kỷ niệm của ông bà, cha mẹ để lại...
Thế nên, chuyện nhận hay không nhận thừa kế là do quyết định của mỗi người. Có thể bạn không cần nhưng chưa chắc người khác cũng vậy, cho dù họ giàu có. Con cái tôi cũng nói "không nhận thừa kế" dù chúng còn chưa có nhà, đang đi làm với công việc ổn định. Nhưng tôi không nghĩ đó là điều mình mong đợi. Thứ quan trọng nhất tôi mong sau khi có thừa kế, anh em con vẫn hòa thuận chứ đừng giành nhau vì một tấc đất, một triệu đồng - lúc đó thừa kế mới là họa chứ không phải là phúc.
>> Ảo tưởng 'con giỏi giang nên không cần tài sản thừa kế'
Tôi tin không ai chê tiền bao giờ. Tuy nhiên, cho con tài sản thừa kế khi nào lại là chuyện khác. Sự lo xa sẽ chẳng là thừa khi bạn nằm đó, không thể vận động, lúc đó bạn sẽ thấy cuộc đời không như là mơ. Mẹ tôi cũng vậy, dù tôi là con một nhưng bà cũng không chuyển giao tài sản ngay từ khi còn sống, nhà cửa đều làm giấy tờ đứng tên bà. Cho đến khi bà không còn có thể vận động nữa thì mới chuyển giao (vì luật sư nói làm thừa kế thế mới dễ, còn khi mất rồi sẽ khó hơn). Tuy nhiên, không vì thế mà vợ chồng tôi bỏ bê chuyện chăm sóc mẹ.
Khi bạn đã đủ tài chính và sự thuận hiếu với bố mẹ, anh em đủ lớn, thì tài sản nhiều hay ít cũng chẳng là nghĩa lý gì. "Lọt sàng xuống nia" - câu nói của ông bà để lại luôn đúng, ta không nhận thì anh em ta nhận, vừa vui vừa có tình thân, ruột thịt. Nhưng có những người đến một đồng cũng không bỏ dù họ rất giàu, cũng có những người chẳng lấy thứ gì dù bản thân không khá giả. Tất cả những thứ đó là do cách nuôi dạy từ cha mẹ.
Chuyện con cái có hiếu với cha mẹ hay không không phụ thuộc vào việc cha mẹ chúng để lại khoản thừa kế nhiều hay ít, cho sớm hay cho muộn, mà tùy vào cái cách bạn nuôi dạy con thế nào, đó là cách mà tôi đã và đang sử dụng với con mình. Bạn nuôi dạy thế nào, bạn sẽ nhận thế đó. Cũng như khi bố mẹ tôi còn sống đã nói "giọt nước trước rớt xuống đâu và giọt nước sau rớt xuống đó". Khi ta sống có đức, hiếu thuận với bố mẹ và anh em thì khi ta già đi, sẽ luôn có người sau giúp đỡ và gánh vác khi ta cần.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.