Đọc bài viết "Con tôi phải có tài sản thừa kế để làm vốn vào đời", tôi cho rằng mỗi người đều là quan điểm cá nhân, và dĩ nhiên chỉ có phù hợp với mỗi hoàn cảnh chứ không có chuyện đúng hay sai cho tất cả. Đúng là có một vài người coi thường người có thừa kế. Đó là tâm lý đố kỵ khi bản thân họ phải nỗ lực quá nhiều để đạt đạt được những thứ mà người thừa kế có sẵn. Ở đây, tôi chỉ nói tới những người đố kỵ chứ không đề cập những người giỏi tới mức không cần thừa kế.
Nói đi cũng phải nói lại, tôi gặp cũng không ít con nhà nghèo mà hút shisha, đua xe, cá độ... bởi vì nguyên nhân đầu tiên là cha mẹ chúng không có kiến thức dạy con. Vậy kiến thức từ đâu ra, từ việc học, mà việc học bây giờ nói dễ không dễ, khó không khó. Nhưng học đúng là cả một vấn đề cực kỳ rắc rối.
Dù gì đi nữa thì sự thật không thể chối cãi được là giá bất động sản đang ngày càng tăng vùn vụt. Đến một lúc nào đó, việc mua căn nhà đầu đời từ hai bàn tay trắng sẽ là việc quá sức với những người dừng lại ở mức khá giỏi. Nếu bạn không thuộc dạng xuất chúng, chuyện mua nhà gần như là không tưởng. Thế nên, chuyện cha mẹ để lại tài sản thừa kế cho con là một cách để rút ngắn con đường mua nhà cho con sau này.
Nhiều người tranh luận về việc nên đầu tư giáo dục cho con thay vì để lại tiền bạc, tài sản. Nhưng tại sao chúng ta không thể đầu tư tối đa cả hai phương diện trên mà lại chỉ có thể chọn một, để rồi mất công tranh cãi xem kiến thức hay tiền bạc quan trọng hơn? Và có thể nhiều bạn không biết, ngay cả con của tỷ phú Bill Gates cũng có thừa kế. Thậm chí bạn không thể hình dung nổi khối lượng và hình thức thừa kế lớn đến mức nào? Ngay cả cái danh "con của Bill Gates" cũng đã là một sự kế thừa khổng lồ rồi.
>> Con tôi phải có tài sản thừa kế để làm vốn vào đời
Định luật bất biến của cuộc sống mà tôi thấy đó chính là sự kế thừa. Loài người đạt đến sự phát triển như bây giờ cũng là sự kế thừa tất cả về tri thức, kinh nghiệm, tư liệu sản xuất từ nhiều thế hệ đi trước. Chẳng ai, gia đình, tổ chức hay quốc gia nào có thể vươn cao được khi thiếu chỉ một trong những yếu tố đó. Chúng ta cũng đừng nói mãi về những tấm gương vượt khó vươn lên trước giờ nữa, vì hoàn cảnh bây giờ đã khác xưa lắm rồi. Những người đó bây giờ làm lại y chang vậy cũng chưa chắc đã thành công đâu.
Mỗi người có một giới hạn nhất định. Nếu bạn không để lại tài sản gì cho con thì con bạn sẽ phải tự mua nhà. Nhưng giá nhà ngày nay quá cao, nằm ngoài khả năng của bọn trẻ thì sao? Chẳng lẽ bạn nỡ nhìn chúng ở trọ cả đời, vất cả sống tằn tiện mới đủ ăn tiêu? Rồi cháu bạn cũng sẽ không được lớn lên trong một môi trường tốt để sống và học tập, bạn có đành lòng không?
Tôi tin là ai cũng phải tính đến những trường hợp đó để có sự chuẩn bị. Và tôi không tin rằng ai đó có thể tuyên bố đã biết năng lực con giỏi giang như thế nào nên không cần dự trù gì cho tương lai của chúng. Đời vốn là vô thường, tương lai khó đoán trước, thế nên cha mẹ không thể xem thường giá trị của tài sản thừa kế dành cho con cái.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.