Tác giả Lý chia sẻ câu chuyện "Ba lần từ chối đất thừa kế khi bố mẹ còn sống", đồng thời nêu quan điểm cho rằng "con cái còn khỏe mạnh thì không nên trông đợi vào tài sản của bố mẹ rồi ỷ lại, lười biếng, vô trách nhiệm với chính cuộc sống riêng của mình".
Độc giả Nguyễn Hữu Tài lại có suy nghĩ khác: "Lúc còn trẻ, tôi cũng suy nghĩ rằng mình chẳng quan tâm bố mẹ cho ai tiền, cho ai đất (nhà tôi có hai anh em trai, tôi là em)? Nhưng khi tôi đến ngưỡng 30 tuổi, tư duy về tài chính, đầu tư cũng bắt đầu rất khác so với hồi trẻ. Lúc đó, tôi cũng nghĩ đến tài sản của bố mẹ nhưng không đòi hỏi vì nghĩ rằng đó là quyền của bố mẹ.
Ở giai đoạn từ 28 tuổi trở đi, tôi cũng kinh doanh và đầu tư, kiếm được tiền và mua được đất cho riêng mình. Nhưng có một điều thú vị xảy ra, đó là khi bố mẹ thấy tôi đã thực sự kiếm được tiền, tự kiểm soát được những tài sản lớn, họ lại cho tôi thêm tài sản để tiếp tục đầu tư. Không một mực từ chối như nhiều người, tôi vui vẻ đón nhận sự hỗ trợ của bố mẹ vì đó không những là sự ghi nhận của họ về sự trưởng thành của tôi, mà còn là món quà đáng nhận để bố mẹ vui lây.
Mọi thứ trên đời đều có quy tắc của nó, cho ai đó một thứ gì vượt quá tầm của họ thì đó là thuốc độc, nhưng tôi cảm thấy việc bố mẹ cho tôi tài sản lúc này là hoàn toàn hợp lý. Họ chỉ trao tài sản khi tôi đã hiểu, biết trân quý và kiểm soát được tài sản đó. Và nếu như bạn là người có năng lực thì thay vì bạn chỉ tự lực mua được mảnh đất 2 tỷ đồng, khi có bố mẹ giúp đỡ bạn sẽ mua được mảnh 4 tỷ đồng và tiềm năng hơn nhiều. Thế nên, đừng nghĩ quá nhiều, chỉ cần nghĩ đơn giản và tư duy đầu tư mạch lạc, logic là được".
Đồng quan điểm, bạn đọc Hoang Hanrill ủng hộ con cái nhận tài sản thừa kế của cha mẹ: "Có người nói không cần bệ phóng của bố mẹ, nhưng nhiều người nằm trên bệ phóng mà không biết phóng thì cũng chỉ đủ kiếm cơm qua ngày, có người phá tan cả bệ phóng cũng là chuyện bình thường. Nhưng người biết tận dụng bệ phóng để mang lại gấp trăm, ngàn lần khối tài sản ông bà, bố mẹ để lại, đó mới là giỏi.
Tôi tôn trọng những người có 10 đồng của bố mẹ để lại mà khiến tiền đẻ ra tiền, thành 100 đồng. Càng nhiều người có tiền thì mới đưa xã hội lên đẳng cấp khác được, chứ nếu bạn cầm 10 đồng, bố mẹ bạn cầm 10 đồng thì gộp lại cũng chỉ được 20 đồng thôi, xã hội biết bao giờ mới giàu?".
>> Tại sao con lại muốn chia phần tiền dưỡng già của cha mẹ?
Độc giả LV Khang nhấn mạnh: "Lựa chọn nhận tài sản của cha mẹ là điều rất hợp lý, chứ chẳng có gì xấu cả. Cha mẹ cho con cái của cải cũng là điều hết sức bình thường. Tiền bạc và của cải không làm xấu nhân cách một con người, quan trọng là cách ứng xử của họ với số tiền nhận được.
Nếu bạn không nhận tài sản thừa kế vì lòng tự trọng thì tốt, nhưng nếu chỉ vì sĩ diện, đụng chạm tới cái tôi, mà từ chối nhận thừa kế thì quả là không đáng chút nào. Vì xét cho cùng, việc phân chia tài sản của bố mẹ cũng chỉ xuất phát từ sự lo lắng cho con cái. Cứ chia của cải cho thế hệ sau một công bằng và bình đẳng, không nên áp đặt theo kiểu: 'Bố không nhận thừa kế thì các con cũng phải học tập theo như vậy'".
Coi tài sản thừa kế của cha mẹ là bệ phóng cần thiết trong xã hội hiện đại, bạn đọc Huy Vinh bình luận: "Xã hội bây giờ, người giàu càng giàu, khi có bệ phóng tốt, bạn sẽ dễ nắm bắt cơ hội hơn người khác.
Thử nhìn lại những tỷ phú trên thế giới, phần lớn tỷ phú vẫn được thừa hưởng từ cha mẹ, không phải là tiền thì cũng là quan hệ, quyền lực. Nhiều tỷ phú chỉ để lại cho con 'một phần nhỏ' tài sản nhưng số đó cũng to hơn nhiều so với người thường.
Tự đi trên đôi chân của mình giống như có xe mà không xài, cứ miệt mài đi bộ, đến khi người ta lên xe hơi, thậm chí máy bay rồi, bạn mới leo lên được xe đạp. Nếu bảo là lấy tiền của người già thì không hẳn đúng vì còn phải xem bạn xài kiểu gì? Lấy xong mà đem đi ăn chơi cho hết thì đáng trách, nhưng nếu dùng tiền phát triển sự nghiệp để có nhiều hơn, lo cho cha mẹ tốt hơn lại là điều đáng làm".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.