Tôi không đồng tính với ý kiến cho rằng "cha mẹ mua sẵn nhà cửa cho con cái là bảo trợ, bao bọc, không để con tự lập". Mua nhà cho con không phải là bảo bọc, nếu con cái vẫn học hành đàng hoàng, tử tế, có công việc tốt, tự lo được chi phí sinh hoạt và vấn đề tiêu pha của bản thân. Làm được như thế, con cái vẫn có thể tự lập.
Rèn tính tự lập cho con không phải chỉ nằm ở việc mua nhà. Nhiều người ở thành phố lớn, không có bố mẹ mua nhà cho, nhưng tuần nào ông bà ở dưới quê cũng phải gửi thức ăn lên cho con cháu. Ngược lại, con cháu trên thành phố lại chẳng thèm gửi tiền về giúp đỡ cha mẹ già, như thế liệu đó có phải là tự lập không?
Dưới 30, việc tự lực mua được một căn nhà vô cùng vất vả. Phần đông chúng ta thường phải vay ngân hàng, rồi chật vật trả lãi hàng tháng, có người vay tới 50-70% giá trị tài sản mới mua được nhà. Chưa kể, mùa dịch này, người lao động bị giảm lương, vất vả mưu sinh, khốn đốn trăm đường, lại phải gồng gánh trả nợ mua nhà, mấy người đủ sức?
Tôi thấy, những người để con tự bươn chải mua nhà mà không đỡ được chút nào, đa phần là do không có khả năng về tài chính để giúp con. Chứ có sẵn tiền trong tay, ai chẳng muốn giúp con mua nhà. Tôi thuộc thế hệ đầu 9X, thấy rằng cái nhà với thế hệ của mình là một gánh nặng khủng khiếp. Tất cả các bạn của tôi, những người đã có nhà và đã trả xong nợ nần, đa phần là điều được bố mẹ cho ít nhiều. Chỉ có đúng một người là tự lực cánh sinh hoàn toàn.
Vậy nên, cha mẹ nuôi con, chỉ cần chúng học hành giỏi giang, có nghề nghiệp ổn định, biết cách sống, biết cách ứng xử là đủ. Nếu mình có tiền thì để lại cho con, điều đó hoàn toàn không có hại. Tất nhiên, khi bố mẹ đã già, không có kinh tế thì bắt buộc con cái phải tự lập, không được ỷ lại, làm khổ đấng sinh thành. Còn nếu bố mẹ có điều kiện về tài chính, có nhiều bất động sản, tuổi giả vừa có lương hưu, vừa có nguồn thu nhập thụ động thì con cái có nhận tiền cũng chuyện bình thường.
>> Tiền thừa kế không giúp con cái hạnh phúc
Bố mẹ có thể cho con ngôi nhà thứ nhất với giá một tỷ đồng vào năm 30 tuổi, khi chúng mới kết hôn. Đến năm 40 tuổi, chúng có ngôi nhà thứ hai với giá ba tỷ đồng mà không phải bán đi căn nhà thứ nhất, như vậy vẫn gọi là "tự mua được căn nhà bằng chính sức của mình" chứ không nhất thiết phải từ tay trắng đi lên. Anh họ tôi là một trong những người ở trường hợp đó.
Từ 28-30 tuổi, nhiều người đã bắt đầu đối mặt với sóng gió cuộc đời. Bắt đầu từ chuyện lập gia đình, nuôi con nhỏ, nghĩ đến chuyện mua nhà, trong khi đó, ít người có thu nhập cao ở tuổi này. Nếu lúc này, có bố mẹ hỗ trợ, họ sẽ đỡ vất vả hơn nhiều. Thế nên, đừng nói cứ nuôi con học giỏi là được, người học giỏi chưa chắc đã kiếm tiền giỏi. Thực tế, có nhiều người giàu, nhưng đến năm 48-50 tuổi mới bắt đầu ăn nên làm ra.
Tôi có một số người bạn, đã lập gia đình, đang trả nợ mua nhà, vì bố mẹ không hỗ trợ được gì. Tình hình dịch bệnh kéo dài, lương của họ bị giảm, có người bị mất việc, mà lãi ngân hàng vẫn phải trả đều hàng tháng. Điều đó khiến cho cuộc sống của họ rất căng thẳng. Trong khi đó, nếu bố mẹ có tiền của cho con, thì con cái sẽ sống dễ dàng hơn. Còn chuyện tự lập hay không lại là do cách giáo dục. Có một số gia đình, bố mẹ chỉ bình thường, hoặc nghèo, nhưng con cái vẫn ỷ lại, ăn chơi đua đòi.
Nếu bố mẹ có điều kiện, cho con tài sản thừa kế cũng chẳng có gì là sai. Miễn là phải dạy con biết quý trọng đồng tiền. Một con người đã ý thức được về đồng tiền, biết quý trọng sức lao động, thì dù bố mẹ có để lại tài sản thừa kế, họ vẫn sẽ chăm chỉ làm việc và trở thành người có ích, không phá gia chi tử. Nếu có một căn nhà, hoặc thêm nữa là một số tiền làm vốn, con cái cũng sẽ có bệ phóng tốt hơn trong cuộc sống sau này.
Quan trọng là bạn đừng để lại quá nhiều tiền và khiến con nghĩ rằng "tài sản của bố mẹ nhiều thế, tiêu ba đời cũng không hết", rồi sau đó chẳng cần lao động gì nữa.
>> Bạn có để lại tài sản thừa kế cho con? Chia sẻ tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.