Mẹ tôi có ba đứa con, út là trai. Cha tôi mất lúc chúng tôi còn tiểu học nên mẹ phải một mình vất vả lao động nuôi các con ăn học. Chị gái và tôi tốt nghiệp xong là đi làm ngay, kiếm được bao nhiêu tiền đều đưa về cho mẹ hết để trang trải cuộc sống gia đình. Riêng em trai tôi từ nhỏ đến lớn đều ham chơi, lười học. Sau này đi làm, kiếm được bao nhiêu tiền, em tiêu xài cho bản thân hết bấy nhiêu, thậm chí khi thiếu tiền tiêu còn về xin mẹ, xin chị.
Lúc em cưới vợ, mẹ tôi cũng phải lo mua vàng cưới, các chị cho mượn tiền làm tiệc hỷ. Hai vợ chồng em sống cách nhà mẹ chồng chỉ 70 km mà con dâu suốt mười mấy năm qua chỉ về thăm được đúng hai lần mỗi năm (vào dịp Tết và ngày giỗ cha). Mỗi lần về thăm, em dâu cho mẹ tôi được vỏn vẹn 500.000 đồng, nhiều nhất là một triệu đồng, gọi là biếu mẹ tiêu vặt.
Mẹ tôi có hai miếng đất mặt tiền, một ở đường lớn, diện tích 60 m2 và một ở hẻm, kế bên bệnh viện rất to, nếu bán 4 m ngang thôi cũng ít nhất được 10 tỷ đồng. Mấy năm nay, em trai mượn cớ tôi làm ăn khó khăn (đang nợ khoảng 500 triệu đồng) nên nằng nặc về đòi mẹ bán đất "giúp chị trả nợ", thực ra là để chia chác. Trong khi gần ba năm qua, tôi dứt khoát không chịu để mẹ bán đất vì tôi quan niệm nợ tôi gây ra thì tôi phải tự trả, tuyệt đối không dùng tài sản của cha mẹ để trả nợ của bản thân.
>> Anh em xâu xé tài sản thừa kế của vợ tôi
Cũng từ đây, mục đích thật của em trai tôi mới lòi ra. Thực chất, em chỉ lấy tôi làm bình phong để xúi mẹ tôi bán đất lấy tiền cho em mua nhà ở Sài Gòn và đầu tư bất động sản gì đó. Nghe vậy, mẹ tôi thương con, cũng muốn con có cái nhà tử tế để yên tâm làm ăn, nên cũng đồng ý bán một miếng đất để lấy tiền cho vợ chồng em mua nhà. Từ khi được mẹ cho tiền, hai vợ chồng em đột nhiên "có hiếu" hẳn ra, thường xuyên mua thuốc bổ này kia về cho mẹ, còn chạy về thăm mẹ bất ngờ.
Gần đây, tôi mới biết được em không muốn mẹ bán đất mặt hẻm, mà đòi phải bán đất mặt tiền để được nhiều tiền hơn, cho em mua nhà to hơn và đầu tư bất động sản lớn hơn. Hai chị em gái chúng tôi thấy vậy chỉ biết lắc đầu, nói với mẹ rằng "đất của mẹ tùy mẹ quyết định, chúng con không tham dự, mẹ cho hết đất làm từ thiện cũng được".
Tôi biết mẹ hiện giờ rất khó xử. Điều đó một phần cũng đến từ tư tưởng có phần trọng nam khinh nữ của thế hệ trước. Chính việc quá nuông chiều con trai, luôn ưu ái hết mức, muốn dành phần tốt nhất cho đứa con nối dõi tông đường mà nhiều gia đình đã phải khốn đốn khi anh chị em bất hòa. Nếu các bậc cha mẹ đối xử công bằng với cả con trai và con gái, thì có lẽ những cảnh anh em tranh giành thừa kế, đòi bán đất như gia đình tôi đã không xảy ra.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.