Trò chơi kỹ năng ngôn ngữ
Chỉ số thông minh (IQ) là thước đo về trí thông minh và tiềm năng của một người. Có nhiều hoạt động giúp bé tăng IQ chẳng hạn trò chơi kỹ năng ngôn ngữ dành cho trẻ trên 5 tuổi. Khi học ngôn ngữ, vùng não xử lý các chức năng chú ý, tập trung, tăng cường trí nhớ. Não bộ có thể hoạt động linh hoạt, nhạy bén, chất xám tiết ra nhiều, kích thích trí thông minh của bé.
Cha mẹ viết ra 10 từ đơn giản, phổ biến trong đời sống để trẻ nói thoải mái như bãi biển, bữa tối, phòng tắm, trò chơi... Sau đó, phụ huynh viết những từ tương ứng bằng ngôn ngữ mới rồi cùng trẻ học. Người lớn có thể đố bé bằng trò chơi để trẻ tìm ra những từ đồng nghĩa trong hai ngôn ngữ.
Trò chơi hóa vai trong truyện cổ tích
Nếu con bạn không phải là kiểu người thích đứng im một chỗ thì trò hóa vai trong truyện cổ tích là gợi ý. Mẹ để trẻ chọn một truyện cổ tích yêu thích, sau đó chia các nhân vật trong truyện cho thành viên trong nhà. Bé có thể là nhân vật chính.
Mục tiêu của trò chơi này là để bé ghi nhớ đoạn hội thoại của nhân vật. Đây là cách để tăng cường trí nhớ, giúp não bộ phát triển tối ưu, kích thích khả năng tập trung của trẻ. Gia đình có thể kịch tính hóa câu chuyện và tạo ra một vở kịch nhỏ, cùng hóa trang, tập dượt và quay video.
Tháo rời một đồ vật
Phụ huynh lấy một chiếc bút đơn giản (bút bi, bút lò xo) để bé tháo rời các bộ phận. Cha mẹ nên giám sát con vì ngòi bút nhọn hoặc cạnh sắc có thể làm bé bị thương. Trong quá trình tháo bé sẽ hỏi mẹ những câu hỏi về bộ phận khác nhau của bút như ngòi bút, ống mực, ốc vít ở đầu và phía dưới. Phụ huynh trả lời giúp con hiểu rõ hơn về chức năng của đồ dùng, sau đó cùng con lặp lại bút. Trò chơi này thúc đẩy não phát triển đa chiều, giúp bé nhận dạng hình dạng, màu sắc đồ vật, tăng khả năng tập trung, kích thích tư duy.
Vẽ các con vật trong tưởng tượng
Trẻ em thường tò mò, thích sáng tạo, có thể tưởng tượng ra thế giới mới, những viễn cảnh khác nhau. Đối với trò chơi này, mẹ in ra một số hình ảnh động vật quen thuộc, đưa cho bé và yêu cầu tạo ra một con vật mới có các bộ phận khác nhau. Ví dụ, con vật mới có thể có đầu ngựa, chân lừa, tai thỏ, thân hổ và đuôi chó. Sau đó, cha mẹ đặt ra những câu hỏi để bé kể chuyện về con vật mà mình tạo ra, khuyến khích bé giải thích logic cho bức tranh của mình.
Vẽ tranh giúp bé rèn luyện thị giác, kỹ năng quan sát thế giới xung quanh. Khi vẽ, bé phải hình dung bức tranh của mình bằng cách quan sát, ghi nhớ thông tin. Đồng thời, trẻ cũng học cách tạo ra các hình khối, đường nét chính xác và logic.
Tưởng tượng một hành tinh mới
Tưởng tượng giúp bé phát triển trí thông minh, óc sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề, truyền đạt ý tưởng và giao tiếp tốt. Trò chơi sáng tạo này dành cho trẻ từ 7 tuổi trở lên. Cha mẹ nói với bé nếu có một hành tinh mới và để chúng tự do tưởng tượng từ hình dạng và màu sắc của hành tinh, đến màu đất, nước, các loại động vật, thực vật ở đó. Trẻ có thể cảm thấy hứng thú, thỏa thích hình dung và khám phá.
Cha mẹ cũng nên tạo sân chơi để trẻ phát triển trí tuệ cảm xúc - khả năng hiểu và quản lý cảm xúc của bản thân và người khác, thể hiện sự đồng cảm, nhận thức xã hội. Trí tuệ cảm xúc còn có những khía cạnh như nhận thức về bản thân, khả năng tự điều chỉnh tâm trạng, động lực.
Lê Nguyễn (Theo FirstCry Parenting)
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |