Viêm xoang mạn tính là tình trạng viêm xoang hoặc mũi xảy ra trong hơn 12 tuần tại một thời điểm. Bệnh có thể biểu hiện dưới dạng không có polyp mũi hoặc có polyp mũi và viêm mũi xoang do nấm dị ứng.
Nguyên nhân gây viêm xoang mạn tính phổ biến nhất là do các loại virus, vi khuẩn streptococcus, phế cầu, haemophilus và moraxella. Bên cạnh đó, các nguyên nhân khác còn bao gồm viêm mũi dị ứng (bụi, nấm mốc), phơi nhiễm (chất kích thích trong không khí, khói thuốc lá hoặc các chất độc khác). Cấu trúc (polyp mũi, lệch vách ngăn mũi), suy giảm miễn dịch và nhiễm nấm, viêm tai giữa, hen suyễn, AIDS và xơ nang cũng là các yếu tố nguy cơ.
Triệu chứng và biến chứng
Theo ThS.BS.CKI Trương Tấn Phát, khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, viêm xoang mạn tính có các triệu chứng đặc hiệu bao gồm chảy nước mũi màu xanh hoặc vàng, đau nặng mặt gây khó chịu, nghẹt mũi, giảm hoặc mất mùi, bệnh kéo dài trên 12 tuần không tự khỏi. Ngoài ra, các triệu chứng không đặc hiệu khác có thể bao gồm sốt, giảm oxy dẫn đến đau đầu, đau tai, hôi miệng, ho hoặc mệt mỏi.
Viêm xoang mạn tính có thể gây tắc nghẽn đường mũi, cản trở thoát dịch và dẫn đến giảm nồng độ oxy. Điều này tạo ra ổ cho vi khuẩn tích tụ, sinh sôi. Rối loạn chức năng hoặc bất thường về cấu trúc có thể làm trầm trọng thêm quá trình này.
Viêm xoang mạn tính không được điều trị gây suy giảm chất lượng cuộc sống, làm cho bệnh hen suyễn thêm nghiêm trọng. Ngoài ra, các biến chứng nhiễm trùng hốc mắt và nội sọ gây suy giảm thị lực và thần kinh cũng có thể xảy ra.
Điều trị
Bác sĩ Phát chia sẻ thêm, viêm xoang mạn tính có thể được điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật. Các loại thuốc điều trị bao gồm steroid đường mũi hoặc steroid đường uống với các đợt kéo dài 8-12 tuần. Thuốc kháng histamin sẽ được sử dụng nếu viêm xoang do dị ứng. Thời lượng dùng thuốc kháng sinh là trong 3 tuần. Thuốc đối kháng leukotriene dùng với các trường hợp có polyp mũi. Tuy nhiên, việc sử dụng các loại thuốc điều trị cần có chỉ định của bác sĩ. Người bệnh không nên tùy tiện mua thuốc về tự điều trị nhằm tránh phản tác dụng hoặc kháng thuốc kháng sinh khi điều trị các bệnh nhiễm trùng sau này.
Người bệnh có thể sử dụng thuốc thông mũi để giảm nghẹt mũi. Rửa mũi bằng nước muối sinh lý để làm sạch mũi và hỗ trợ cho các phương pháp điều trị khác. Xông hơi, tập thở bhramari pranayama và chườm ấm cũng giúp hỗ trợ điều trị viêm xoang. Nếu các phương pháp điều trị trên không hiệu quả, người bệnh cần phẫu thuật xoang.
Phòng ngừa
Để phòng ngừa viêm xoang mạn tính, bác sĩ Phát khuyên người bệnh nên điều trị viêm mũi xoang, tránh để bệnh kéo dài. Ngoài ra, mọi người nên đeo khẩu trang và giữ ấm cơ thể khi ra khỏi nhà, tránh nhiễm các loại virus, vi khuẩn như streptococcus, phế cầu, hemophilus và moraxella cũng giúp giảm nguy cơ mắc viêm xoang. Bên cạnh đó, cần tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như khói bụi, phấn hoa, lông và phân động vật. Các thực phẩm nghi ngờ khả năng gây dị ứng như hải sản, các loại ấu trùng, một số loại hạt... cũng cần lưu ý.
Điều trị viêm xoang mạn tính càng sớm thì hiệu quả càng cao, chi phí điều trị thấp hơn và ngược lại. Ngay khi có các triệu chứng nghi ngờ bị viêm xoang mạn tính, người bệnh nên thăm khám chuyên khoa tai mũi họng để được điều trị đúng cách, tránh các biến chứng phức tạp.
Nguyên Phương