Rối loạn tiền đình là một chuỗi phức tạp những rối loạn có liên quan đến thăng bằng, xuất phát từ dây thần kinh số 8 và các đường nối kết với hệ thống tai trong, hệ thống dẫn truyền từ tai trong vào não, hệ thống não phản xạ... Triệu chứng rối loạn tiền đình đặc trưng là hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, mất thăng bằng, ù tai, đau đầu, mất ngủ, dễ nhầm lẫn với các bệnh tim mạch, thiếu máu não, huyết áp, chấn thương tai, viêm dây thần kinh, stress, rối loạn lo âu...
Ngày 14/12, ThS.BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết nhiều người khi thấy chóng mặt, đau đầu thường nghĩ bị thiếu máu não, dùng thuốc khi chưa được chẩn đoán. Thói quen này khiến triệu chứng rối loạn tiền đình tiến triển nặng, có thể gây điếc tai, tăng nguy cơ đột quỵ, té ngã hoặc trầm cảm.
Khi xuất hiện triệu chứng, người bệnh có xu hướng khám khoa nội tổng quát hoặc tim mạch, thần kinh. "Rối loạn tiền đình là bệnh phức tạp với nhiều nguyên nhân, cần có sự phối hợp đa chuyên khoa tai mũi họng, thần kinh để chẩn đoán chính xác", bác sĩ Hằng nói, thêm rằng khám đơn lẻ ở một chuyên khoa khiến bệnh dễ bị bỏ sót. Nếu nghi ngờ người bệnh có tổn thương ở não, bác sĩ khoa thần kinh chỉ định thêm một số xét nghiệm cận lâm sàng, chụp MRI não...
Trước đây rối loạn tiền đình được chẩn đoán thông qua khám lâm sàng. Bác sĩ quan sát bằng mắt thường khó có thể phát hiện và đánh giá chính xác những chuyển động bất thường rất nhỏ của mắt, dẫn đến tỷ lệ bỏ sót cao hoặc khó phân loại nguyên nhân gây bệnh. Do đó, chỉ định điều trị thường hạn chế, hiệu quả không cao, theo bác sĩ Hằng. Đây được xem là yếu tố khiến người bệnh rối loạn tiền định mất nhiều điều trị thời gian, công sức, tiền bạc.
Như bà Huế, 48 tuổi, thường mệt mỏi, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, mất thăng bằng khi xoay đầu hoặc nằm xuống rồi ngồi dậy, từng được chẩn đoán thiếu máu não, huyết áp cao. Lần này tưởng do bệnh cũ tái phát, bà mua thuốc bổ não uống nhưng không bớt, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám.
Bác sĩ dùng hệ thống Interacoustics kết hợp công nghệ ảnh động nhãn đồ (VNG) ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đo chức năng tiền đình của bà Huế; đồng thời kiểm tra tiền đình về vận động mắt, xung động đầu... Kết quả cho thấy bà Huế bị chóng mặt tư thế kịch phát lành tính, thạch nhĩ (sỏi tai) lạc chỗ trong ống bán khuyên sau - một dạng rối loạn tiền đình ngoại biên. Thạch nhĩ lạc chỗ có thể tự hết trong vài ngày, vài tuần nhưng cũng có thể tiến triển thành mạn tính. Bà được bác sĩ hướng dẫn tập nghiệm pháp tái định vị sỏi tai, sau ba tuần điều trị hết chóng mặt và đau đầu.
Tương tự, chị Phú, 36 tuổi, nhân viên văn phòng, thường xuyên chóng mặt dữ dội, ù tai, nghĩ do căng thẳng, thiếu ngủ, mua thuốc an thần uống. Gần đây, triệu chứng tái phát, tưởng tụt huyết áp, chị uống một ly nước đường song cơn chóng mặt không hết, loạng choạng, ngã quỵ, được đưa đến Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 cấp cứu. Bác sĩ xét nghiệm, đo chức năng tiền đình, đo thính lực, đo chức năng tai, chụp MRI não cho chị. Kết quả cho thấy chị mắc bệnh Ménière giai đoạn hai (rối loạn tai trong do tăng lượng dịch trong tai, thuộc rối loạn tiền đình ngoại biên).
"Vì phát hiện muộn nên triệu chứng bệnh nặng, bệnh nhân nguy cơ mất thính lực vĩnh viễn nếu không điều trị kịp thời", ThS.BS.CKI Trương Tấn Phát, Trưởng Đơn vị Tai Mũi Họng nói, thêm rằng nhờ được hỗ trợ phục hồi chức năng tiền đình, uống thuốc theo toa, sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý, tình trạng của người bệnh cải thiện sau hai tháng, không cần phẫu thuật.
Rối loạn tiền đình ngoại biên có thể chữa khỏi hoàn toàn, hạn chế nguy cơ tái phát, tránh biến chứng lâu dài nếu người bệnh được điều trị đúng cách. Bác sĩ Hằng khuyến cáo người bệnh nên chọn cơ sở y tế có đa chuyên khoa, trang thiết bị hiện đại, tuân thủ điều trị và tái khám đúng hẹn. Người bệnh nên áp dụng chế độ sinh hoạt, ăn uống lành mạnh, kiểm soát căng thẳng, ngủ đủ giấc, hạn chế thay đổi tư thế đầu đột ngột.
Uyên Trinh
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |