Trả lời:
Chóng mặt là tình trạng mất thăng bằng khiến bản thân có cảm giác xoay vòng hoặc mọi vật xung quanh đang quay cuồng. Chóng mặt không phải bệnh mà là triệu chứng của nhiều vấn đề sức khỏe. Triệu chứng này thường đi kèm mất thăng bằng, xoay vòng, choáng váng, đau đầu, ù tai, nôn ói, nhìn mờ, hoa mắt...
Chóng mặt gồm ngoại biên và trung ương. Nguyên nhân gây chóng mặt ngoại biên gồm chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (BPPV), bệnh Meniere, viêm thần kinh tiền đình, u dây thần kinh số 8. Nguyên nhân gây chóng mặt trung ương gồm migraine tiền đình, đa xơ cứng, đột quỵ, u não.
Điều trị chóng mặt phụ thuộc vào từng nguyên nhân. Đa phần cơn chóng mặt tự hết song nếu nguyên nhân do bệnh lý, người bệnh có thể được điều trị phục hồi chức năng tiền đình, thực hiện các bài tập tái định vị sỏi tai, dùng thuốc, phẫu thuật.
Hiện, hệ thống đo chức năng tiền đình Interacoustics kết hợp công nghệ ảnh động nhãn đồ (VNG) ứng dụng AI hỗ trợ bác sĩ phát hiện chính xác chóng mặt do rối loạn tiền đình ngoại biên hay trung ương. Phương pháp này còn hỗ trợ bác sĩ phân loại và đánh giá mức độ bệnh và điều trị phù hợp.
Nếu chóng mặt do thạch nhĩ lạc chỗ (BPPV), bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng sẽ điều trị. Trường hợp chóng mặt do rối loạn tiền đình trung ương hoặc các nguyên nhân ngoại biên khác, người bệnh được điều trị với bác sĩ chuyên khoa thần kinh. Hệ thống đo chức năng tiền đình có thể hỗ trợ người bệnh chóng mặt tư thế kịch phát lành tính thực hiện các bài tập phục hồi chức năng tiền đình, với sự hướng dẫn của bác sĩ.
Bác sĩ có thể kê một số loại thuốc để giảm các triệu chứng chóng mặt và thuốc cải thiện chức năng tiền đình. Nếu chóng mặt do nhiễm trùng hoặc viêm, thuốc kháng sinh chữa nhiễm trùng hoặc thuốc kháng viêm có tác dụng làm giảm sưng nề. Trường hợp nguyên nhân do khối u hoặc chấn thương não hay cổ, người bệnh có thể được phẫu thuật để điều trị dứt điểm.
Bạn cần có lối sống khoa học, lành mạnh, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, ngủ đủ giấc, kiểm soát stress, tăng cường tập thể dục, hạn chế sử dụng rượu bia, tránh thay đổi tư thế đầu đột ngột. Bởi các yếu tố này có thể góp phần giảm nguy cơ chóng mặt. Khi chóng mặt lâu dài kèm theo dấu hiệu như nôn, khó thở, sốt..., bạn nên đi khám sớm để bác sĩ xác định nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị đúng hướng.
ThS.BS.CKI Trương Tấn Phát
Trưởng Đơn vị Tai Mũi Họng
Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |