Hầu hết các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên là do nhiễm virus ảnh hưởng đến mũi, xoang, cổ họng và thanh quản. Virus lây lan khi người nhiễm bệnh nói, ho hoặc hắt hơi. Khi người lành tiếp xúc với những giọt bắn hô hấp của người bệnh, virus có thể xâm nhập vào màng nhầy trong miệng, mũi, mắt. Người chạm vào bề mặt bị nhiễm virus và sau đó chạm vào miệng, mũi hoặc mắt cũng có thể nhiễm bệnh.
Các triệu chứng của nhiễm trùng đường hô hấp trên thường bắt đầu từ 1-5 ngày sau khi tiếp xúc với tác nhân gây bệnh. Phần lớn người bệnh cảm thấy khó chịu từ nhẹ đến trung bình trong 1-2 tuần, song các triệu chứng cũng có thể kéo dài trong tối đa 3 tuần. Các triệu chứng phổ biến của nhiễm trùng đường hô hấp trên bao gồm: sổ mũi, nghẹt mũi, hắt xì, đau họng, ho, mệt mỏi, đau nhức cơ thể nhẹ, đau đầu, chảy nước mắt, sốt nhẹ.
Các triệu chứng có thể tự khỏi nhưng người bệnh nên đi khám khi: bệnh kéo dài hơn 10 ngày không khỏi, hụt hơi, sốt cao, đau ngực, ho nặng hơn, thay đổi màu sắc chất nhầy khi ho.
Các loại nhiễm trùng và yếu tố rủi ro
Các loại nhiễm trùng đường hô hấp trên thường gặp như:
Cảm lạnh thông thường: Hơn 200 loại virus có thể gây cảm lạnh thông thường. Các triệu chứng xảy ra vài ngày sau khi tiếp xúc và kéo dài từ 1-2 tuần.
Cúm: Bệnh do virus cúm gây ra và có nhiều chủng khác nhau, thay đổi theo mỗi năm.
Viêm xoang: Nhiễm trùng xoang xảy ra khi dịch tích tụ trong xoang - những khoang chứa đầy không khí ở trán, khoang mũi, má và quanh mắt. Viêm xoang có thể cấp tính (dưới 4 tuần), bán cấp (4-12 tuần) hoặc mạn tính (hơn 12 tuần).
Viêm thanh quản: Viêm thanh quản có thể xảy ra do nhiễm trùng và gây khàn giọng hoặc mất giọng.
Viêm họng: Viêm họng hoặc đau họng do nhiễm virus, giống như cảm lạnh thông thường.
Viêm amidan: Viêm amidan phổ biến hơn ở trẻ em và thường do nhiễm virus hoặc nhiễm vi khuẩn như viêm họng do liên cầu khuẩn gây ra.
Các yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm: tiếp xúc gần với người bệnh, hút thuốc hoặc tiếp xúc với khói thuốc thụ động, hệ miễn dịch suy yếu, sống trong môi trường ô nhiễm không khí, bất thường ở đường hô hấp trên do chấn thương mặt, chấn thương đường hô hấp trên hoặc polyp mũi...
Ngoài dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, các biện pháp hỗ trợ điều trị tại nhà đối với bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên như: nghỉ ngơi, uống nhiều nước, súc miệng bằng nước muối, xông hơi. Nghỉ ngơi nhiều giúp cơ thể hồi phục nhanh hơn. Uống nhiều nước có thể giảm tắc nghẽn và ngăn ngừa tình trạng mất nước. Súc miệng bằng nước muối giúp loại bỏ phần nào các tác nhân gây bệnh, giảm đau họng. Xông hơi, tắm nước nóng cũng góp phần giảm nghẹt mũi và ho.
Để phòng bệnh, mọi người nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước, nhất là sau khi ở những nơi công cộng; tránh tiếp xúc gần, kéo dài với người bị bệnh; không dùng tay chạm vào mặt, mũi hoặc miệng, nhất là khi ở nơi công cộng. Ngoài ra, chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên cũng giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, phòng bệnh.
Người bệnh có thể ngăn lây lan vi trùng, virus bằng cách che mũi và miệng bằng khăn giấy khi hắt hơi và ho; ở nhà khi bị bệnh; lau sạch mặt bàn, tay nắm cửa và đồ chơi trẻ em khi nhà có người bệnh; đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác.
Kim Uyên (Theo Health)